Định vị cho nông sản Thủ đô

08/06/2020 15:46

Kinhte&Xahoi Việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu có ý nghĩa quan trọng trong việc khẳng định vị trí, giá trị của nông sản trên thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cho người sản xuất. Để định hình vị thế cho nông sản Thủ đô, việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu phải trở thành chiến lược phát triển chung, từ đó nâng cao chuỗi giá trị và có thể đứng vững trên thị trường trong nước, quốc tế.

Việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho nông sản Thủ đô cần có chiến lược phát triển lâu dài nhằm nâng cao chuỗi giá trị. Trong ảnh: Giới thiệu nhãn chín muộn Đại Thành (huyện Quốc Oai) - một trong những nông sản đã được bảo hộ về nhãn hiệu. Ảnh: Bá Hoạt

Nhiều lợi ích nhưng chưa được chú trọng

Bà Đặng Thị Năm, Giám đốc Hợp tác xã Vân Nam (huyện Phúc Thọ) cho biết: Từ năm 2016, sản phẩm chuối của xã Vân Nam đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) chứng nhận nhãn hiệu “Chuối Vân Nam - Phúc Thọ”. Nhờ vậy, giá bán đã tăng lên gấp đôi và được nhiều doanh nghiệp, siêu thị đặt mua. Hiện tại, giá trị sản xuất của cây chuối tại xã đạt 27-30 tỷ đồng/năm… Các chuyên gia Nhật Bản đã sang khảo sát và dự kiến sẽ hỗ trợ nông dân nơi đây trồng chuối xuất khẩu…

Gà Mía Sơn Tây sau một thời “thăng trầm” đã tìm được chỗ đứng trên thị trường cùng với việc định hình thương hiệu. Chủ tịch Hội Chăn nuôi và Tiêu thụ gà Mía Sơn Tây Nguyễn Quốc Quân thông tin: “Từ khi gà Mía có thương hiệu, tiêu thụ ổn định, giá bán cao hơn so với gà thường 20.000-25.000 đồng/kg”…

Từ những ví dụ nêu trên cho thấy, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu nông sản mang đến nhiều lợi ích cho người sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, tính đến nay, Hà Nội mới có 40 nhãn hiệu nông sản được bảo hộ, trong đó có 25 sản phẩm trồng trọt, 15 sản phẩm chăn nuôi.

Trao đổi về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường nhìn nhận: Xu hướng chung của thị trường hiện nay đòi hỏi sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nhãn hiệu hàng hóa phải được các cơ quan chức năng của Nhà nước bảo hộ. Tuy nhiên, có một thực tế, Hà Nội có nhiều nông sản - đặc sản, nhưng số lượng sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu chưa nhiều. Sự chậm trễ này khiến không ít nông sản của Thủ đô mất sức cạnh tranh trên thị trường dù có lợi thế là luôn bảo đảm các yêu cầu về chất lượng.

Và cũng có một thực tế khác, ở nhiều nơi, chính quyền cơ sở và người nông dân vẫn chạy theo cái lợi trước mắt, chưa thấy hết tầm quan trọng của việc xây dựng và đăng ký xác lập bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp về nhãn hiệu nông sản. Mặt khác, chi phí cho nhãn mác, thị trường, kênh tiêu thụ cũng là vấn đề đặt ra cần giải quyết... Bà Trương Kim Hoa, Giám đốc Công ty TNHH Khai thác tiềm năng sinh thái Hòa Lạc (huyện Thạch Thất) cho rằng: Hiện có quá nhiều thủ tục để đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu cho nông sản, trong khi kinh phí để duy trì, phát triển cũng không phải là nhỏ…

Cần có tư duy và giải pháp mới

Chăm sóc gà đồi tại một hộ gia đình ở xã Minh Phú (huyện Sóc Sơn). Ảnh: Thái Hiền

Để đẩy mạnh việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp Thủ đô, trước hết cần có một tư duy mới. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường nhận định: Đây không phải là việc riêng của từng doanh nghiệp, địa phương mà phải trở thành chiến lược phát triển chung của thành phố để nâng cao chuỗi giá trị…; đồng thời, cần chú trọng đến vai trò của doanh nghiệp trong việc tập trung nguồn vốn, đầu tư công nghệ… Ông Tạ Văn Tường thông tin: Thành phố đang tập trung thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển nông nghiệp theo chuỗi gắn với việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu nông sản.

Ở thời điểm hiện tại, một số địa phương đã chủ động xây dựng các chương trình phát triển sản phẩm nông nghiệp, cùng với đó là hỗ trợ nhãn hiệu, kinh phí quảng bá, xúc tiến thương mại. Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Văn Thiềng, trên địa bàn huyện có nhiều sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nhưng chưa xây dựng được thương hiệu cũng như chưa có kênh tiêu thụ ổn định. Giải quyết vấn đề này, huyện Đông Anh đã hoàn thành xây dựng giai đoạn 1 hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR để truy xuất nguồn gốc nông sản, hàng hóa… Hiện nay, Đông Anh đã có gần 600 sản phẩm nông nghiệp được truy xuất nguồn gốc.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, đối với những sản phẩm đã có nhãn hiệu, sẽ lồng ghép kinh phí vào các chương trình xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng..., đặc biệt là Chương trình mỗi xã một sản phẩm - OCOP.  Ngành Nông nghiệp cũng sẽ xây dựng các điểm giới thiệu sản phẩm để đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại… Mặt khác, theo ông Chu Phú Mỹ, các địa phương phải xây dựng kế hoạch cho việc phát triển tài sản trí tuệ đối với những sản phẩm đặc sản chiến lược. Trên cơ sở đó tìm kiếm, huy động các nguồn kinh phí đầu tư.

Xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu không thể tách rời việc nâng cao chất lượng sản phẩm. Do vậy, giải pháp căn cơ vẫn là tổ chức các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh quy mô lớn gắn với sơ chế, chế biến; đồng thời đưa công nghệ cao vào sản xuất, đặc biệt là công nghệ 4.0 trong kết nối sản xuất tiêu thụ. Còn ở góc độ người sản xuất, Chủ tịch Hội Chăn nuôi và Tiêu thụ gà Mía Sơn Tây Nguyễn Quốc Quân đưa ra quan điểm: Các doanh nghiệp, người sản xuất phải coi việc xây dựng thương hiệu là trách nhiệm của chính mình nhằm đáp ứng những yêu cầu mới của ngành Nông nghiệp trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.

Từ những vấn đề nêu trên có thể thấy, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp cần phải trở thành một chiến lược phát triển với sự tham gia của nhà quản lý, doanh nghiệp để từ đó định hình vị thế nông sản Thủ đô trên thị trường trong nước và quốc tế.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Link bài gốc http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Nong-nghiep/969476/dinh-vi-cho-nong-san-thu-do?fbclid=IwAR3XqvtreDQpSz-lsmWu4rnEdEmBMGONpmCSWnZRRydbtolbmPpNAo1X0xU