Đỡ ''gánh nặng'' cho doanh nghiệp vận tải

08/03/2022 07:33

Kinhte&Xahoi Các doanh nghiệp trong lĩnh vực giao thông - vận tải vốn đã gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 kéo dài thì nay lại tiếp tục “lao đao” khi giá xăng, dầu liên tục tăng cao và thiết lập “kỷ lục” mới kể từ năm 2005. Trước những áp lực lớn này, các cơ quan chức năng cần sớm có biện pháp phù hợp để kịp thời san sẻ "gánh nặng" với các doanh nghiệp ngành Giao thông Vận tải.

Giá xăng, dầu tăng nên các doanh nghiệp vận tải sẽ phải điều chỉnh, tính toán mặt bằng giá cước mới. Ảnh: Tuấn Khải

Xăng, dầu tăng giá cao kỷ lục

Trong kỳ điều chỉnh giá ngày 1-3 vừa qua, xăng E5RON92 tăng 540 đồng/lít, lên mức 26.070 đồng/lít; xăng RON95 tăng 550 đồng/lít đồng lên mức 26.830 đồng/lít; dầu diesel tăng 510 đồng/lít, lên mức 21.310 đồng/ lít... Đây là đợt điều chỉnh tăng giá lần thứ 6 liên tiếp và là mức giá xăng cao “kỷ lục” kể từ năm 2005 đến nay, trong bối cảnh giá xăng, dầu thế giới “leo thang”.

Nguy cơ phá sản đang là lo ngại của nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giao thông - vận tải hiện nay. Ông Tô Quang Học, Giám đốc Công ty TNHH Phiệt Học, đơn vị có nhiều đầu xe chuyên chạy tuyến Hà Nội - Thái Bình cho biết, 2 năm nay, đơn vị đang cố cầm cự vì dịch Covid-19 kéo dài. Giờ giá xăng, dầu tăng cao chẳng khác nào cú "đánh bồi" đẩy doanh nghiệp đến bờ vực phá sản.

Theo ông Lê Đình Dũng, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Vận tải Hà Sơn - Hải Vân, doanh nghiệp chuyên chạy tuyến cố định Hà Nội - Lào Cai, giai đoạn bình thường, chi phí nhiên liệu của đoàn xe khoảng hơn 4 tỷ đồng/tháng. Đến nay, khi giá xăng, dầu tăng liên tiếp, mỗi tháng, doanh nghiệp mất thêm khoảng 400 triệu đồng, vì thế khó khăn thêm chồng chất.

Không chỉ vận tải hành khách gặp khó mà các doanh nghiệp khối vận tải hàng hóa cũng đang "ngồi trên đống lửa". Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa Hải Phòng Lê Văn Tiến tính toán, xăng, dầu chiếm gần 40% cơ cấu giá thành vận tải. Giá xăng, dầu càng tăng cao tỷ lệ này càng lớn và doanh nghiệp sẽ không có lãi. Trước mắt, doanh nghiệp vận tải vẫn tiếp tục thực hiện các hợp đồng đã ký với khách hàng và chờ thương lượng điều chỉnh giá cước vận chuyển theo tỷ lệ tăng của xăng, dầu. Dù lỗ nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chấp nhận chạy để giữ thị trường, giữ khách hàng, lái xe và trang trải các chi phí vay vốn ngân hàng.

Tương tự, nhiều nhà thầu thi công các dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông cũng đang vô cùng khó khăn. Đại diện một nhà thầu tham gia thi công đoạn Dầu Giây - Phan Thiết chia sẻ, xăng, dầu là loại nguyên liệu đầu vào quan trọng nhất, chiếm phần lớn chi phí ca máy. Việc giá xăng và dầu diesel hiện đã tăng gấp đôi so với giá bỏ thầu khiến nhà thầu này bị tăng chi phí 5-10 tỷ đồng.

Nhiều nhà thầu thi công dự án hạ tầng giao thông lo lắng gánh nặng chi phí khi giá xăng, dầu tăng.

Giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho biết, vận tải hành khách đang trong giai đoạn khó khăn, nhu cầu đi lại của người dân rất thấp. Giá xăng, dầu lại tăng, nên để cân đối thu chi, doanh nghiệp vận tải sẽ phải điều chỉnh, tính toán mặt bằng giá cước mới. Giá cước tăng cao cũng sẽ tác động đến giá cả hàng hóa, dịch vụ vì doanh nghiệp sản xuất sẽ phải tính vào cơ cấu giá thành. Dự đoán, các doanh nghiệp sẽ tăng giá cước khoảng 4-5%. 

Đồng quan điểm sẽ phải cân nhắc tăng giá cước cho phù hợp với tình hình mới, Giám đốc Taxi Mai Linh miền Bắc Nguyễn Công Hùng thông tin, dịch Covid-19 khiến các doanh nghiệp taxi cạn kiệt nguồn lực. Giá xăng, dầu tăng càng khiến lái xe mất thêm thu nhập và bỏ việc. Xăng, dầu chiếm 35-40% trong cơ cấu giá thành vận tải nên khi mặt hàng này tăng giá sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá cước vận tải.

Các doanh nghiệp vận tải tính toán, từ đầu năm 2021 đến nay, giá xăng, dầu tăng gần 50% và có thể sẽ tăng tiếp theo biến động trên thế giới. Từ đầu năm 2022 đến nay, giá xăng, dầu điều chỉnh tăng liên tiếp đang ảnh hưởng rất mạnh đến các doanh nghiệp vận tải, vì vậy ước tính cước vận tải phải điều chỉnh tăng khoảng 10%. Tất nhiên doanh nghiệp sẽ chuyển phần tăng giá xăng, dầu vào cước phí vận chuyển nhưng mất thời gian rất lâu vì phải thương lượng với khách hàng, thậm chí là bị hủy hợp đồng hoặc chịu lỗ.

Trước tình hình trên, các doanh nghiệp lĩnh vực giao thông - vận tải mong muốn nhận được sự hỗ trợ của cơ quan chức năng để sớm vượt qua giai đoạn khó khăn này. Theo đó, các doanh nghiệp kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài chính cần sớm có giải pháp bình ổn giá xăng, dầu, đồng thời đề xuất Chính phủ xem xét cơ cấu về thuế, phí để điều hành giá xăng, dầu, giảm bớt khó khăn cho người dân và doanh nghiệp vận tải.

Mới đây, Bộ Tài chính đã kiến nghị giảm 500-1.000 đồng/lít thuế môi trường đối với xăng, dầu. Song theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, hiện mỗi lít xăng, dầu bán ra thị trường phải gánh 4 loại thuế gồm: Thuế giá trị gia tăng 10%, thuế nhập khẩu 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10% và thuế bảo vệ môi trường 3.800-4.000 đồng/lít. Ngoài thuế bảo vệ môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt là có thể giảm, thuế nhập khẩu đã ở mức thấp, trong khi nghị quyết mới đây của Quốc hội về giảm thuế VAT cho các hàng hóa, dịch vụ lại không có mặt hàng xăng, dầu.

"Để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch Covid-19, Nhà nước có thể tạm thời điều chỉnh giảm các khoản thuế bảo vệ môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt lên mặt hàng xăng, dầu để giúp doanh nghiệp bớt áp lực. Giá xăng, dầu thế giới đang được dự báo sẽ tiếp tục tăng. Giá xăng, dầu trong nước tăng theo thì doanh nghiệp rất khó khăn. Giảm được loại thuế, phí gì hỗ trợ doanh nghiệp lúc này mà trong khả năng làm được thì nên làm ngay”, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đề xuất.

 Tuấn Lương - Hà Nội mới 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Hà Nội mới http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giao-thong/1026387/do-ganh-nang-cho-doanh-nghiep-van-tai