Sản phẩm Sơn Hà được người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: Việt Dũng
Kích cầu thận trọng, tín dụng khó tăng
Phó Tổng Giám đốc Thường trực Tập đoàn Sơn Hà Nhữ Văn Hoan cho biết, ngành ống thép xuất khẩu chiếm 40% doanh thu của Tập đoàn (chủ yếu là thị trường Ấn Độ) gần như mất trắng suốt từ tháng 3 đến nay. Đối với thị trường nội địa, dù bị ảnh hưởng ít hơn nhưng chúng tôi cũng mất hơn 20% doanh số trong những tháng vừa qua. Đại diện Hiệp hội DN trẻ TP Hà Nội Trần Đăng Nam cho biết, theo khảo sát từ các hội viên, gần 20% DN bị ảnh hưởng nghiêm trọng; 70% ảnh hưởng nhiều và chỉ có hơn 10% DN ít bị ảnh hưởng. Dự đoán suy giảm doanh thu năm 2020, có 47% DN suy giảm từ 20 - 40%; 20% DN suy giảm từ 40 - 90% doanh thu và thực tế gần 20% DN suy giảm 100%.
Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cơ điện xây dựng Agrimeco Nguyễn Văn An cho biết, DN đang thực hiện Dự án đầu tư thủy điện, tuy nhiên các thiết bị nước ngoài chuyển về đang bị dừng, điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến dự án… “Chúng tôi mong các ngân hàng tiếp tục đưa ra các giải pháp hỗ trợ DN và thiết lập mặt bằng lãi suất cho vay mới thấp hơn” - ông An kiến nghị.
So với mức tăng 1,42% trong 4 tháng đầu năm, tăng tưởng dư nợ tín dụng toàn ngành đến trung tuần tháng 5 lại đang có có dấu hiệu giảm và giảm khoảng 0,44% so với mức tăng cùng kỳ năm 2019. Mức sụt giảm này cho thấy sức hấp thụ và nhu cầu vốn vay sản xuất kinh doanh của nền kinh tế nói chung cũng như cộng đồng DN và người dân vẫn còn đang rất thấp.
Trước các phản ánh của đại diện nhiều DN ngành nghề về thực tế vẫn khó hoặc không thể tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi từ các ngân hàng, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, NHNN khuyến khích chia sẻ tối đa khó khăn với người dân, DN. Đặc biệt, ông Tú yêu cầu xử lý nghiêm các lãnh đạo và cán bộ nghiệp vụ triển khai chậm, cố tình gây khó khăn, phiền hà, thiếu trách nhiệm.
Tuy vậy, cần có cái nhìn đúng và đánh giá đúng về hoạt động cho vay ưu đãi mà các ngân hàng đang triển khai hiện nay. Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) Nguyễn Quốc Hùng chia sẻ, ngân hàng khi cho vay phải bảo đảm khả năng thu hồi được tiền cho vay cũng như phải quản lý được dòng tiền để bảo đảm vốn cho vay hiệu quả. “DN muốn vay phải đáp ứng các điều kiện cho vay theo quy định." - ông Hùng nhấn mạnh.
Ngân hàng chịu nhiều áp lực
Theo NHNN, đến nay đã có hơn 215.000 khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ với dư nợ 130.000 tỷ đồng; trên 260.000 khách hàng được miễn giảm lãi suất với dư nợ 1,08 triệu tỷ đồng. Cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt 630.000 tỷ đồng cho 182.000 khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 – 2,5% so với trước dịch. Như vậy, con số dư nợ cho vay mới này hiện đạt gấp hơn 2 lần so với tổng quy mô các gói cho vay ưu đãi xấp xỉ 300.000 tỷ đồng mà các ngân hàng cam kết cho vay trước đó. Với số dư nợ được hỗ trợ lớn, các ngân hàng hy sinh ít nhất 10.000 tỷ đồng lợi nhuận, đồng nghĩa DN được hưởng lợi số tiền này để phục hồi sản xuất - kinh doanh.
Ngành ngân hàng đang chấp nhận giảm lợi nhuận để hỗ trợ DN, nhưng không phải là hỗ trợ vô điều kiện. “Nếu cho vay dễ dãi, DN dùng vốn vay để đảo nợ, sử dụng không hiệu quả, thì nợ xấu sẽ tăng vọt” - ông Hùng nói. DN cũng cần tận dụng cơ hội để tái cấu trúc kinh doanh, nâng cao năng lực tài chính, tăng cường chuỗi liên kết, minh bạch dòng tiền, tạo cơ sở để thay hình thức vay vốn bằng thế chấp tài sản sang vay tín chấp bằng quản lý dòng tiền.
Các ngân hàng đang nỗ lực đơn giản nhất có thể các thủ tục nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. NHNN cũng đã chỉ đạo sẽ xử lý các chi nhánh, cán bộ thiếu trách nhiệm, gây phiền hà, chậm trễ hỗ trợ người dân, DN. Tuy nhiên, chúng tôi thống nhất quan điểm của NHNN là không cho vay “dưới chuẩn” nhằm bảo đảm chất lượng tín dụng và an toàn hoạt động của ngân hàng.
Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Toàn Thắng
|