Doanh nghiệp nâng cao năng suất để tham gia ‘sân chơi’ quốc tế

09/09/2020 16:32

Kinhte&Xahoi Doanh nghiệp cần nâng cao năng suất để tham gia sân chơi quốc tế, nâng cấp vị trí trong trong chuỗi giá trị toàn cầu (không chỉ gia công mà có thương hiệu, có giá trị gia tăng cao hơn).

Doanh nghiệp Việt cần nâng cao năng suất để tham gia sân chơi quốc tế, nâng cấp vị trí trong trong chuỗi giá trị toàn cầu. Ảnh minh họa.

Theo một báo cáo của Ngân hàng thế giới (WB) được trình bày tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2019, thì nước ta hiện đang nằm ở khâu tạo giá trị thấp nhất trong chuỗi giá trị toàn cầu, chủ yếu vẫn là lắp ráp, chế tạo với hàm lượng công nghệ thấp. Báo cáo khuyến nghị rằng, để gia tăng giá trị cần phải tiến đến công đoạn cao hơn trong chuỗi và vượt qua được khâu gia công, sản xuất thuần túy.

Bên cạnh đó, Báo cáo về năng lực cạnh tranh toàn cầu 2018 (GCI) cũng chỉ ra xếp hạng năng lực cạnh tranh quốc gia và doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế nhiều so với nhiều quốc gia khác. Tổng thể, nước ta xếp thứ hạng 77/140 quốc gia.

Nhìn từ góc độ doanh nghiệp: mức độ sẵn sàng cho rủi ro kinh doanh xếp hạng 93/114; tốc độ phát triển công ty sáng tạo xếp hạng: 90/140; tỷ lệ sáng chế được bảo hộ so với dân số: xếp hạng 89/140; tỷ lệ % đầu tư cho R&D: xếp hạng 76/140; tỷ lệ nhãn hiệu so với dân số: xếp hạng 79/140; mức độ liên kết trong công ty: xếp hạng 117/140; mức độ liên kết giữa các công ty: xếp hạng 94/140. Kỹ năng của lực lượng lao động ở mức rất thấp: xếp hạng 111/140 quốc gia; trong đó: trình độ kỹ năng của người đã tốt nghiệp: xếp hạng 128/140; kỹ năng số của dân cư nói chung: xếp hạng 98/140 và mức độ dễ dàng trong việc thuê được lao động có kỹ năng: xếp hạng 104/140.

Đánh giá về thực trạng doanh nghiệp Việt Nam đối với vấn đề về năng suất chất lượng và hội nhập cạnh tranh hiện nay, TS. Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, bản thân doanh nghiệp và nước ta có nhiều thách thức trong nâng cao năng suất, chất lượng và hội nhập.

Vì vậy, ông Hiếu cho rằng, doanh nghiệp cần nâng cao năng suất để tham gia sân chơi quốc tế, nâng cấp vị trí trong trong chuỗi giá trị toàn cầu (không chỉ gia công mà có thương hiệu, có giá trị gia tăng cao hơn).

Thực tế chỉ ra, hội nhập ngày càng sâu rộng, môi trường cạnh tranh ngày càng cao. Công nghệ thay đổi rất nhanh, các doanh nghiệp của các nước đang rất tích cực tiếp cận, ứng dụng, làm chủ công nghệ mới để nâng cao năng suất. Bởi vậy, doanh nghiệp Việt Nam muốn cạnh tranh được cũng phải chạy đua, cạnh tranh.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh chuyển đổi số trở thành xu hướng tất yếu của toàn cầu. Đồng thời Việt Nam đã và đang tham gia hàng loạt Hiệp định Thương mại tự do (FTA), ông Hiếu đưa ra 3 phương thức cơ bản để có thể nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị toàn cầu, cụ thể như sau: Nâng cấp quy trình sản xuất: giá trị được gia tăng thông qua việc sản xuất có hiệu quả hơn, như áp dụng công nghệ và kỹ năng sản xuất tiên tiến, tối ưu hóa quy trình sản xuất;

Nâng cấp sản phẩm: giá trị được gia tăng thông qua tạo ra sản phẩm tốt hơn hơn hoặc sản phẩm mới, ví dụ như thay đổi thiết kế, kiểu dáng và nâng cao thương hiệu, chất lượng; Nâng cấp hoạt động kinh doanh: giá trị được gia tăng thông qua mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, ví dụ như bổ sung công năng cho dây truyền sản xuất hiện tại, đầu tư nghiên cứu và phát triển (R&D), tự thiết kế, mở rộng hoạt động marketing và bán hàng.

 Thanh Tùng - Theo Vietq.vn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Link bài gốc http://vietq.vn/doanh-nghiep-nang-cao-nang-suat-de-tham-gia-san-choi-quoc-te-d178246.html