Thị trường ngách và cơ hội cho hãng hàng không mới
Kinhte&Xahoi
Theo các chuyên gia, việc lựa chọn thị trường ngách, phù hợp với quy mô và ít cạnh tranh đối đầu trực tiếp, sẽ là quyết định khôn ngoan cho các hãng hàng không mới tham gia thị trường.
Tránh đối đầu trực tiếp
Trong lĩnh vực hàng không, bên cạnh những hãng bay tập trung khai thác đường chính, đường trục, có không ít hãng chỉ “nhắm” vào những thị trường nhỏ, ít người khai thác, ít cạnh tranh.
Một chuyên gia đến từ Cục Hàng không Việt Nam cho biết: Thường các hãng hàng không mới ra đời hay lựa chọn phân khúc thị trường này, đặc biệt tại Châu Âu, nơi có nhiều sân bay nhỏ lẻ, nằm xa các thành phố lớn. Hãng hàng không khi chọn bay các thị trường này sẽ được hưởng các ưu đãi về giá phí.
Dẫn ví dụ về trường hợp hãng hàng không giá rẻ Ryanair của Ireland, chuyên gia này cho biết, năm 1985, khi mới thành lập, hãng này bắt đầu hoạt động chỉ với 1 máy bay Embraer EMB 110 Bandeirante cánh quạt tua-bin 15 chỗ ngồi, bay duy nhất 1 tuyến nối Waterford và London Gatwick. Một năm sau đó, hãng này mới tiếp tục khai thác đường bay thứ hai giữa Dublin - London Luton. Thế nhưng hiện tại, Ryanair là hãng hàng không giá rẻ lớn nhất châu Âu với hơn 500 đường bay trên 26 quốc gia.
Hãng hàng không giá rẻ Ryanair.
Một câu chuyện thành công khác về thị trường ngách được các chuyên gia nhắc tới là JetBlue – hãng hàng không chi phí thấp nhưng lại áp dụng các tiêu chuẩn dịch vụ rất cao tại Mỹ.
JetBlue đang tự tạo ra phân khúc khách hàng riêng khi bổ sung loạt dịch vụ phong phú như wifi miễn phí, đồ ăn nhẹ miễn phí, ghế ngồi được bọc da và màn hình tivi riêng từ 36 đến 100 kênh….cùng giá vé vô cùng hợp lý. Kết nối hầu hết những thành phố lớn ở Mỹ, Caribbean và Trung Mỹ, JetBlue đã đánh bại nhiều thương hiệu truyền thống để trở thành một trong những hãng hàng không tốt nhất thế giới từ nhiều năm nay.
Nhiều cơ hội cho “người mới”
Theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), giai đoạn 2013 – 2017, Việt Nam xếp thứ 7 trong số những thị trường phát triển nhanh nhất thế giới với tỷ lệ vận chuyển hành khách quốc tế đạt 6,9%; vận chuyển hàng hóa quốc tế đạt 6,6%.
Tại Hội thảo “Nhận diện cơ hội và thách thức trong thị trường hàng không” mới diễn ra tại Hà Nội, GS.TS Trần Thọ Đạt – Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế Quốc dân khẳng định tiềm năng phát triển thị trường hàng không của Việt Nam rất lớn. “Tỷ lệ người được bay của Việt Nam hiện nay rất thấp, chỉ 60%. Trong khi đó, con số này tại các nước khác trong khu vực lên tới 80%. Chúng ta còn nhiều dư địa để phát triển” – ông Đạt nói.
Cũng liên quan đến tiềm năng phát triển thị trường hàng không, lãnh đạo một hãng hàng không lớn tại Việt Nam thông tin: 5 năm qua, phải dùng từ bùng nổ để nói về sự phát triển của du lịch Việt Nam. Chưa bao giờ tốc độ tăng trưởng của khách Nhật Bản, Hàn Quốc đến Việt Nam lại nhanh như hiện nay.
Thực tế, Việt Nam đang trở thành 1 trong 10 địa điểm được yêu thích nhất của khách Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ, Italia… trong 4 tháng đầu năm 2018.
Thị trường du lịch tăng trưởng nhanh chóng nhưng việc kết nối đến các điểm đến vẫn còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân đến từ nhiều yếu tố như hạ tầng sân bay địa phương chưa được khai thác tối ưu, số chuyến bay thẳng khan hiếm với giờ giấc và chi phí không hợp lý…
Trong bối cảnh này, khi tân binh Bamboo Airways xuất hiện, nhiều người kỳ vọng hãng hàng không mới này có thể “làm nên chuyện” khi quyết tâm khai thác thị trường ngách khá đặc sắc là liên kết các vùng du lịch, tổ chức chuyến đi trọn gói, đồng thời xây dựng mô hình Hybrid với mục tiêu phục vụ mọi đối tượng khách hàng.
“Bamboo Airways lựa chọn khai thác thị trường ngách liên quan đến du lịch là rất hợp lý khi công ty mẹ của hãng này vốn là một trong những thương hiệu BĐS nghỉ dưỡng hàng đầu Việt Nam” – một chuyên gia phân tích.
Ảnh minh họa
Hiện Bamboo Airways đang đặt mục tiêu bước đầu là chiếm lĩnh 3-5% thị phần vận tải khách bằng đường hàng không, một tỷ lệ chưa phải quá lớn cho một hai năm đầu.
Dù Bamboo Airways chưa thể thay đổi đột phá trong cơ cấu thị trường, nhưng quan điểm được nhiều bên liên quan thống nhất là hành khách sẽ được hưởng lợi đầu tiên về chất lượng dịch vụ và giá vé.
Quan trọng hơn, khách hàng không phải đối tượng hưởng lợi duy nhất. Việc khai thác các đường bay thẳng kết nối các điểm du lịch đang lên của Việt Nam sẽ góp phần đẩy mạnh liên kết vùng, tạo đà cho phát triển kinh tế, xã hội, thu hút du khách cũng như nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước.
“Đối với đường bay mà thị trường chưa đủ lớn chúng ta không thể ngồi chờ. Chúng ta cứ ngồi chờ thị trường lớn mạnh thì không biết bao giờ mới mở được đường bay. Một tuần chỉ có 3 chuyến có khi lượng khách ít, nhưng ngày nào cũng một hai chuyến có khi lượng khách lại tăng lên…Khi có đường bay kết nối địa phương với các trung tâm kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế sẽ có tác động rất tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đó”, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV – Bộ GTVT) bình luận.
Theo Gia đình & Pháp luật