Doanh nghiệp vận tải lo mất... Tết

06/01/2022 06:55

Kinhte&Xahoi Vào thời điểm này của năm ngoái, thị trường vé xe Tết đã rất nhộn nhịp, thậm chí nhiều hãng xe đã “cháy” vé dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, năm nay, nhiều doanh nghiệp vận tải đang đứng trước nguy cơ phá sản do lượng hành khách, lượt xe và doanh thu sụt giảm nghiêm trọng.

Bến vắng, người thưa...

 Mặc dù dịp Tết Dương lịch 2022 năm nay người dân được nghỉ ba ngày song các bến xe, bến tàu trên địa bàn thành phố Hà Nội đều có lượng khách đi lại thưa thớt. Các doanh nghiệp không khỏi lo lắng tình trạng tương tự tiếp diễn trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 sắp tới.

Theo ghi nhận của phóng viên, trong những ngày vừa qua, tại hầu hết các bến xe lớn ở Hà Nội như Nước Ngầm, Giáp Bát, Mỹ Đình… đều trong tình trạng vắng vẻ. Lượng hành khách ra, vào bến xe thưa thớt.

Anh Lê Thanh Sơn, đại diện nhà xe Thanh Sơn (tuyến Thanh Hóa - Hà Nội) cho hay, mặc dù Tết Dương lịch 2022 được nghỉ ba ngày song do dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, người dân hạn chế đi lại khiến vận tải hành khách vắng vẻ.

“Từ ngày 1/1 đến hôm nay, xe của tôi chỉ đón được khoảng chục khách. Như chuyến sáng nay, xe chuẩn bị rời bến cũng chỉ có 3 khách. Tuy ít khách, "chạy lỗ vốn" nhưng nhà xe vẫn duy trì để đảm bảo việc lưu thông không bị gián đoạn”, anh Sơn chia sẻ.

 Mặc dù dịp Tết Dương lịch 2022, người dân được nghỉ ba ngày song các bến xe, bến tàu trên địa bàn thành phố Hà Nội đều có lượng khách đi lại thưa thớt

Với tình hình hiện nay, anh Sơn dự báo, dịp Tết Nguyên đán lượng khách cũng không tăng lên. “Thời điểm năm ngoái, lượng khách đặt vé Tết lên tới 90%; Hện tại, ngày cao điểm chỉ bán được 10-15 vé. Năm nay, nhà xe xác định coi như mất Tết vì bến xe thưa khách”, anh Sơn lo lắng.

Theo các nhà xe, thông thường mọi năm từ thời điểm cận Tết Dương lịch kéo dài đến Tết Nguyên Đán là cao điểm kinh doanh vận tải nhộn nhịp nhất. Tuy nhiên, năm nay chỉ còn 1 tháng nữa đến Tết Nhâm Dần 2022 nhưng lượng khách đặt xe về quê ăn Tết rất thưa thớt, mới đạt khoảng 20%.

Đại diện doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải tuyến Hà Nội - Hà Tĩnh cho biết: Trước đây, doanh nghiệp có 8 tài xế chạy liên tục với công suất khoảng 350 khách/ngày thì năm nay trong dịp cao điểm vận tải Tết Dương lịch, 2/3 số xe của doanh nghiệp lại nằm trong bãi. Đây là điều chưa có tiền lệ. Những năm trước vào dịp này, toàn bộ số xe đều được huy động nhưng cũng không đủ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Đáng nói, trong 3 ngày nghỉ Tết Dương lịch, chuyến nào nhiều nhất cũng chỉ có 10-12 người. Dù có ngày chỉ có 1-2 người/chuyến nhưng giá vé vẫn được giữ ở mức ổn định, chấp nhận tạm thời bù lỗ để duy trì chuyến.

“Thuê 3 quầy để bán vé tại bến xe Nước Ngầm nhưng từ khi bến xe được hoạt động trở lại, tôi chỉ thuê 1 quầy và tạm dừng 2 quầy còn lại để tiết kiệm chi phí. Hiện nay, công ty đã mở bán vé Tết Nguyên đán nhưng mỗi ngày chỉ bán được vài vé, thậm chí có ngày không có khách hỏi mua”, đại diện doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách tâm sự.

Hành hành khách thưa vắng song các bến xe vẫn thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định

Đây cũng là tình trạng chung của nhiều tuyến xe khác tại bến xe Mỹ Đình. Phía bên trong sảnh chờ, khu vực bán vé chỉ lác đác một vài người đi lại. Không còn cảnh đông đúc, chen chúc mua vé, tìm xe như mọi năm. Nhiều nhân viên bán vé ngán ngẩm trước cảnh “ế ẩm” này.

Đại diện nhà xe Minh Quân, chạy tuyến Hà Nội - Phú Thọ cho biết: Trong ngày 1/1 vừa qua, thời điểm xe xuất bến chỉ có vỏn vẹn 3 khách. Trước khi lên xe, khách chỉ quét mã QR để khai báo y tế. Đồng thời, nhân viên nhà xe cũng ghi chép lại thông tin hành khách gồm tên, địa chỉ, số điện thoại liên hệ để lưu lại thông tin lịch sử di chuyển. Tình trạng xe vắng khách ở cả chiều đi và về cũng thường xuyên xảy ra.

“Chi phí cho một chuyến xe là rất lớn nhưng thu không đủ bù chi. Biết là lỗ nhưng xe vẫn phải duy trì hoạt động. Những người kinh doanh dịch vụ vận tải vẫn trong tình trạng vừa chạy, vừa lo”, quản lý xe Minh Quân, cho hay.

Ông Vương Duy Toàn, Phó Giám đốc Bến xe Giáp Bát cho biết: Do ảnh hưởng của dịch bệnh, lượng hành khách năm nay giảm rất nhiều so với mọi năm. Số lượng các chuyến của các nhà xe cũng giảm đi nhiều. Tuy nhiên, công tác phòng, chống dịch của bến xe vẫn luôn phải bảo đảm. Hành khách khi đến bến xe luôn phải thực hiện 5K và quét mã QR.

Cần có thêm các giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp

 Liên quan đến vấn đề này, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết: Khó khăn hiện nay là dịch bệnh COVID-19 tại một số tỉnh, thành phố diễn biến vẫn phức tạp. Số ca mắc vẫn tăng, hành khách lo sợ dịch bệnh khi đi trên phương tiện xe khách công cộng nên hoạt động vận tải đường bộ bị ảnh hưởng rất lớn.

Mặc dù xe nằm bãi nhưng vẫn phải chi trả các chi phí phục vụ hoạt động của phương tiện. Chính vì vậy, thông tin thời gian giảm phí đường bộ được kéo dài thêm 6 tháng là điều đáng mừng đối với các doanh nghiệp vận tải hành khách.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, lượng hành khách năm nay giảm rất nhiều so với mọi năm

Là đơn vị trực tiếp hưởng lợi từ các chính sách giảm phí bảo trì đường bộ, lệ phí đăng kiểm, ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty Minh Thành Phát, Hà Nội, chia sẻ: "Việc giảm 30% phí bảo trì đường bộ từ ngày 1/1 - 31/6/2022 hay giảm 50% lệ phí đăng kiểm, dù số tiền không lớn nhưng với một doanh nghiệp nhiều xe như chúng tôi trong thời điểm khó khăn này, đây thực sự là động thái khích lệ".

Theo nhận định của các doanh nghiệp vận tải, dịch bệnh vẫn phức tạp, nên tình trạng người dân e dè lựa chọn phương tiện công cộng để đi lại có thể còn kéo dài. Không có khách, số chuyến xe sụt giảm, doanh nghiệp không có nguồn để chi trả lương, lái xe, công nhân sửa chữa, bảo dưỡng nghỉ việc là khó tránh.

Nếu tình trạng này kéo dài thêm thì khi dịch bệnh được kiểm soát, các doanh nghiệp vận tải cũng gặp khó khăn trong khôi phục hoạt động trở lại. Vì vậy, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam kiến nghị Chính phủ có thêm các giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Chẳng hạn, mở rộng đối tượng được tiếp cận vay vốn trả lương vì hiện nay có không ít lao động chỉ ký hợp đồng thời vụ, nên không thuộc đối tượng được thụ hưởng gói vay để “giữ chân” người lao động.

Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải vừa kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay; Tạm thời giữ nguyên nhóm nợ cho các đơn vị vận tải bị ảnh hưởng của dịch, cho vay mới để ổn định sản xuất kinh doanh, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị kinh doanh vận tải vay vốn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19; Đồng thời, có các chính sách miễn giảm các loại thuế, phí và lệ phí đến hết năm 2022 hoặc cho đến khi dịch bệnh kết thúc.

Thanh Hà - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/doanh-nghiep-van-tai-lo-mat-tet-187330.html