Doanh nghiệp Việt ít hưởng lợi từ hiệu ứng lan tỏa của FDI

22/08/2018 12:20

Kinhte&Xahoi Ngày 21/8, tại Hà Nội đã diễn ra diễn đàn “Tối ưu hóa chuỗi cung ứng và Chiến lược cạnh tranh cho doanh nghiệp”.

Với mục tiêu đưa ra những giải pháp tối ưu chuỗi cung ứng và chiến lược cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, Viện nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh phối hợp cùng Trường Đại học Portland State – Mỹ tổ chức diễn đàn này.

Diễn đàn “Tối ưu hóa chuỗi cung ứng & Chiến lược cạnh tranh cho doanh nghiệp”. Ảnh: Hằng Trần/TTXVN

 

Tại diễn đàn, ông Nguyễn Văn Nam – Chủ tịch Hội đồng - Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho biết, chuỗi cung ứng toàn cầu không còn xa lạ đối với doanh nghiệp Việt Nam. Từ khi chuyển sang kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế cách đây 30 năm, Việt Nam đã có quan hệ thương mại với hơn 180 nước và thu hút vốn đầu tư trên 100 quốc gia. 

Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp Việt Nam chỉ mới tham gia chuỗi cung ứng thứ cấp nên giá trị gia tăng không cao. Hiện mới chỉ có 21% doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu trong khi con số này ở Thái Lan là trên 30% và ở Malaysia là 46%.

Do vậy mà doanh nghiệp Việt Nam ít được hưởng lợi từ hiệu ứng lan tỏa của doanh nghiệp FDI qua chuyển giao công nghệ, kiến thức và kỹ năng quản lý.

Ông Nguyễn Văn Nam – Chủ tịch Hội đồng - Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

 

Với mục tiêu cung cấp cho doanh nghiệp Việt Nam những giải pháp tối ưu chuỗi cung ứng, đẩy mạnh chiến lược cạnh tranh, ông Jay Fortenberry – một trong 20 nhà quản lý chuỗi cung ứng hàng đầu thế giới, nguyên Phó Chủ tịch Tập đoàn Honeywell – Giảng viên Đại học Portland & Chủ tịch Fortenberry Group đã chia sẻ, để làm được điều này doanh nghiệp cần quản lý được những chi phí liên quan đến chuỗi cung ứng, quản lý được nhu cầu khách hàng.

Yếu tố rất quan trọng là doanh nghiệp cần kiểm soát được dịch vụ chăm sóc khách hàng, từ đó công ty có thể tạo ra được lợi nhuận và làm hài lòng các bên liên quan trong chuỗi cung ứng. 

Nói đến vị thế chung của các doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu, ông Daniel Wong – nguyên Phó Chủ tịch quản lý logictics và chuỗi cung ứng tại Bắc Thái Bình Dương; nguyên CEO Longview Fiber, Washington – GV đại học Portland nhấn mạnh, các doanh nghiệp Việt Nam đang là những doanh nghiệp tiên phong trong việc tận dụng các thế mạnh công nghệ trong cuộc cách mạng 4.0.

Các doanh nghiệp Việt Nam đang thực hiện các nguyên tắc, nguyên lý của ngành công nghiệp này, đặc biệt áp dụng những công nghệ kỹ thuật, những giải pháp về công nghệ thông tin. Điều đó có nghĩa là các doanh nghiệp Việt Nam đang đi đúng hướng. 

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm mạnh như vậy doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều “khoảng trống” đặc biệt là khoảng trống về kiến thức. Họ đang thiếu các chuyên gia, vì vậy họ cần có thêm những kỹ năng quản lý để làm sao đáp ứng đươc các nhu cầu quản lý doanh nghiệp.

Theo TTXVN/KD&PL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nhà hàng Hải Ngư Ông - Điểm đến lý tưởng của du khách

Nhà hàng Hải Ngư Ông để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng du khách bởi các tiện ích sang trọng, không gian thoáng đãng, cách chế biến món ăn đa dạng, hấp dẫn cùng với phong cách phục vụ tận tình, chu đáo và thân thiện.