Đôn đốc các địa phương khẩn trương rà soát, thống kê các đối tượng hỗ trợ

12/05/2020 16:15

Kinhte&Xahoi Bộ LĐ-TB&XH đề nghị các tỉnh, thành phố xác định chính xác đối tượng, đảm bảo không trùng lặp, thực hiện tốt công tác chi trả cho đối tượng, đẩy mạnh chi trả trực tiếp qua tài khoản ngân hàng.

Lao động tự do bị mất việc, không có thu nhập do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 được nhận hỗ trợ từ Chính phủ

Bộ LĐ-TB&XH vừa có công điện gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Trong đó, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, thời gian qua, về cơ bản các địa phương đã chủ động, quyết liệt trong việc chỉ đạo cơ quan chuyên môn và UBND các cấp xây dựng kế hoạch và thực hiện chi trả cho các đối tượng.

Tuy nhiên, qua theo dõi, nắm bắt tình hình tại địa phương và phản ánh của người dân, vẫn còn một số đơn vị cấp huyện, cấp xã còn lúng túng, chậm triển khai thực hiện việc hỗ trợ. Quá trình rà soát, xác nhận và hỗ trợ đối tượng lao động tự do, lao động bị mất việc, ngừng việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thấp nghiệp chưa được quan tâm đúng mức.
Hoạt động tuyên truyền, cung cấp thông tin cho người dân và doanh nghiệp chưa đầy đủ dẫn đến một bộ phận người dân, doanh nghiệp chưa tiếp cận được đúng chính sách hỗ trợ.

Trước tình hình đó, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục quan tâm, chỉ đạo thực hiện tăng cường tuyên tuyền, phổ biến rộng rãi đến người dân và doanh nghiệp các chính sách của Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Đặc biệt, cần thực hiện tuyên truyền đến cấp xã, phường, thị trấn, thôn, sóc, bản và đẩy mạnh việc xử lý hồ sơ đề nghị hỗ trợ qua dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia nhằm rút ngắn thời gian xử lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng trong quá trình xác nhận và phê duyệt hồ sơ đề nghị hỗ trợ.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành phố cần chỉ đạo cơ quan chuyên môn và UBND các cấp, doanh nghiệp khẩn trương triển khai việc rà soát, thống kê các đối tượng hỗ trợ, xác định chính xác đối tượng, đảm bảo không trùng lặp người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm và lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thấp nghiệp, lao động bị ngừng việc, mất việc, hộ kinh doanh có doanh thu thuế dưới 100 triệu đồng.

Cùng với đó là chỉ đạo thực hiện tốt công tác chi trả cho các đối tượng, đẩy mạnh việc chi trả trực tiếp qua tài khoản ngân hàng của người dân và người lao động. Đối với các địa phương đang thực hiện chi trả qua hệ thống bưu điện thì tiếp tục triển khai theo quy định.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cũng yêu cầu Chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành phố chỉ đạo các cấp, ngành, cơ quan liên quan tại địa phương tăng cường nhân lực phục vụ, bố trí bộ phận thường trực tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp để giải quyết các vấn đề phát sinh theo thẩm quyền. Đồng thời, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền để có hướng giải quyết, không để tình trạng bức xúc kéo dài.

Kết quả triển khai thực hiện ở địa phương được báo cáo về Bộ LĐ-TB&XH trước ngày 20 hàng tháng; thường xuyên cập nhật dữ liệu báo cáo tình hình, kết quả thực hiện công tác hỗ trợ các đối tượng trên hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội: Tái cơ cấu các ngành kinh tế, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp công nghệ cao

Để đạt mục tiêu mức tăng GRDP của TP Hà Nội bằng khoảng 1,3 lần so với bình quân chung cả nước, TP sễ đẩy mạnh các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu các ngành kinh tế, khuyến khích các cộng đồng doanh nghiệp tăng cường đầu tư khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin, tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Link bài gốc https://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/don-doc-cac-dia-phuong-khan-truong-ra-soat-thong-ke-cac-doi-tuong-ho-tro/853528.antd