Dự án Cụm công nghiệp Thanh Đa đang được triển khai như thế nào?

25/07/2024 14:44

Kinhte&Xahoi Liên quan đến việc thực hiện Dự án này, Chủ tịch thành phố Hà Nội đã từng chỉ đạo Sở, ban, ngành và chính quyền địa phương xem xét.

Cách đây 4 năm, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã kí Quyết định số 2743/QĐ-UBND ngày 26/6/2020 về việc thành lập “Cụm công nghiệp Thanh Đa, huyện Phúc Thọ”.

Cụm công nghiệp này có quy mô khoảng 8,3ha, Dự án do Công ty CP Tập đoàn Long Biên làm chủ đầu tư, tổng mức vốn đầu tư khoảng 227,5 tỷ đồng.

Vốn tự có của chủ đầu tư (30%): 68,3 tỷ đồng; vốn vay của ngân hàng (50%): 113,7 tỷ đồng; vốn huy động từ các nhà đầu tư thứ phát (20%): 45,5 tỷ đồng. Tiến độ dự án thực hiện từ quý III/2020 đến quý III/2022.

Ngay từ những ngày đầu triển khai, Dự án này đã vướng phải một số vấn đề liên quan đến việc thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng và việc Công ty CP Tập đoàn Long Biên đã huy động vốn, góp vốn của người dân chưa đúng quy định.

Cụ thể là chủ đầu tư đã kí Hợp đồng hợp tác đầu tư bất động sản với người dân trong khi UBND huyện Phúc Thọ chưa thu hồi đất, giải phóng mặt bằng xong.

Phối cảnh của dự án

Trong nội dung của quyết định phê duyệt Dự án thành lập Cụm công nghiệp Thanh Đa nêu rõ: “Tuyệt đối không bố trí đơn vị ở, lưu trú, trung tâm thương mại trong phạm vi ranh giới cụm công nghiệp”.

Ngoài yêu cầu chủ đầu tư thực hiện các quy định của nhà nước về thuê đất, sử dụng đúng mục đích...TP Hà Nội cũng quán triệt: "Nghiêm cấm thực hiện việc chuyển nhượng dự án và huy động vốn trái quy định của pháp luật dưới mọi hình thức để triển khai dự án, trường hợp vi phạm sẽ bị thu hồi, xử lý theo đúng quy định của pháp luật".

Được biết, Ngày 12/5/2021, UBND huyện Phúc Thọ ban hành Quyết định số 1308/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng Cụm công nghiệp Thanh Đa, huyện Phúc Thọ, Hà Nội, tỉ lệ 1/500.

Ngày 6/8/2021, UBND huyện Phúc Thọ ban hành Quyết định số 2221/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng Cụm công nghiệp Thanh Đa và ban hành Thông báo thu hồi đất và tổ chức triển khai kiểm đếm giải phóng mặt bằng. Trong đó, có 74 hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất.

Toàn cảnh của dự án

Ngày 29/10/2021, ông Nguyễn Đình Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ đã ký Văn bản số 1762/UBND-ĐT, yêu cầu các chủ đầu tư cụm công nghiệp trên địa bàn huyện không tổ chức kinh doanh, huy động vốn khi chưa đảm bảo các điều kiện về kinh doanh bất động sản (trước thời điểm Công ty Cổ phần Tập đoàn Long Biên tổ chức hội nghị xúc tiến và ký hợp đồng hợp tác đầu tư).

Thế nhưng, ngày 23/1/2022, Công ty Cổ phần Tập đoàn Long Biên (trước đây là Công ty Cổ phần Phát triển dịch vụ Long Biên) đã tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư Cụm công nghiệp Thanh Đa, huyện Phúc Thọ tại Hội trường UBND xã Thanh Đa, huyện Phúc Thọ và chào giá cho các nhà đầu tư. Nhà đầu tư nào có nhu cầu sẽ phải xuống tiền đặt cọc để giữ chỗ.

Tiếp đến, Công ty này đã ký Hợp đồng hợp tác đầu tư bất động sản với người dân (trong đó xác định rõ vị trí lô đất, số tiền phải đóng và tiến độ đóng tiền) khi UBND huyện Phúc Thọ chưa thu hồi đất, giải phóng mặt bằng xong, Công ty Cổ phần Tập đoàn Long Biên cũng chưa được giao đất và chưa đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp.

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Sở Công thương chủ trì cùng UBND huyện Phúc Thọ kiểm tra làm rõ theo quy định Khoản 3, Điều 43 Nghị định số 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ.

Nhà xưởng số 1

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật – Đoàn Luật sư TP HCM cho biết:

Theo khoản 5 Điều 8 và Điều 49 Luật Kinh doanh bất động sản hiện hành, pháp luật nghiêm cấm các hành vi trong đó bao gồm: Huy động, chiếm dụng vốn trái phép; sử dụng vốn huy động của tổ chức, cá nhân và tiền ứng trước của bên mua, bên thuê, bên thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai không đúng mục đích theo cam kết.

Dự án bất động sản được chuyển nhượng phải có các điều kiện sau đây: Dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, đã có quy hoạch chi tiết 1/500 hoặc quy hoạch tổng mặt bằng được phê duyệt; dự án, phần dự án chuyển nhượng đã hoàn thành xong việc bồi thường, giải phóng mặt bằng... Chủ đầu tư chuyển nhượng đã có giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất đối với toàn bộ hoặc phần dự án chuyển nhượng.

Luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật – Đoàn Luật sư TP HCM

Chủ đầu tư nhận chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản phải là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, có đủ năng lực tài chính và cam kết tiếp tục việc triển khai đầu tư xây dựng, kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tiến độ, nội dung dự án.

Theo đó, giả sử doanh nghiệp có hành vi huy động vốn trái phép; chuyển nhượng dự án hoặc một phần dự án bất động sản không đủ điều kiện có thể được xem là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất và mức độ của hành vi mà chủ thể vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính.

Trong vụ việc này, do phía doanh nghiệp thực hiện hành vi vi phạm từ đầu năm 2022 đến nay nên việc xử lý vi phạm hành chính có thể áp dụng theo Nghị định 139/2017/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 21/2020/NĐ-CP) và Nghị định số 16/2022/NĐ-CP của Chính phủ, cụ thể:

Theo điểm b, đ khoản 4 Điều 57 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 21/2020/NĐ-CP) của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng..., kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở, về vi phạm quy định về kinh doanh bất động sản, tổ chức vi phạm có thể bị phạt tiền từ 270.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với các hành vi: Chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án mà không đảm bảo đầy đủ các yêu cầu hoặc các điều kiện theo quy định; Huy động hoặc chiếm dụng vốn trái phép; sử dụng vốn huy động của tổ chức, cá nhân hoặc tiền ứng trước của bên mua, bên thuê, bên thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai không đúng mục đích cam kết. Đối với cá nhân vi phạm thì mức phạt tiền bằng 1//2 lần tổ chức vi phạm.

Đồng thời, tổ chức vi phạm còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu, buộc hoàn trả chi phí cho bên nhận chuyển nhượng và buộc thực hiện đúng quy định hoặc đúng cam kết, buộc bồi thường thiệt hại (nếu có) cho bên nhận chuyển nhượng, bên mua, bên thuê mua.

Được biết, ngày 26/4/2024 vừa qua, sau 4 năm thực hiện Dự án, UBND huyện Phúc Thọ mới ra Quyết định số 1982/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch tổng thể mặt bằng xây dựng Nhà xưởng số 1 (xưởng cho thuê gia công, lắp dựng sản phẩm cơ khí) tại lô CN-3.2 Cụm Công nghiệp Thanh Đa.

phapluatplus.vn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Công ty Cổ phần Xây dựng số 5: May mắn góp mặt tại nhiều dự án nghìn tỷ đồng, nợ phải trả gấp 6 lần vốn chủ sở hữu

Công ty Cổ phần Xây dựng số 5 (HoSE: SC5) dù liên tục góp mặt trong nhiều gói thầu trị giá cả nghìn tỷ đồng nhưng vẫn phải đối diện với tình trạng nợ phải trả gấp 6 lần vốn chủ sở hữu và đã nhiều lần sử dụng hợp đồng làm tài sản bảo đảm cho các khoản vay tại các ngân hàng.

Quốc Oai (Hà Nội): Cần xử lý nghiêm dự án tái chế rác thải không phép

Hiện nay, Dự án khu tập kết, xử lý, tái chế phế thải công nghiệp tại chỗ của hộ ông Đào Văn Tuấn (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội) xây dựng ‘chui’ trên đất nông nghiệp. Thế nhưng, sai phạm trên không được các cấp chính quyền xử lý triệt để, đã tạo điều kiện hình thành khu tái chế rác thải không phép gây ô nhiễm môi trường.

https://phapluatplus.vn/du-an-cum-cong-nghiep-thanh-da-dang-duoc-trien-khai-nhu-the-nao-201936.html&link=2