Dự án Điện gió Hưng Hải Gia Lai sẽ “nuốt” hàng trăm hecta đất nông nghiệp với giá rẻ mạt?

04/12/2019 14:47

Kinhte&Xahoi Dự án nhà máy Điện gió Hưng Hải tại huyện Kông Chro, Gia Lai dự kiến sẽ sử dụng khoảng 120ha đất có thời hạn và khoảng 144ha đất tạm thời.

Tỉnh Gia Lai đang trình Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương về việc đề xuất bổ sung dự án Nhà máy Điện gió Hưng Hải Gia Lai vào Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, có xét đến năm 2030.

Theo đó, dự án có quy mô công suất 600MW với tổng diện tích khu vực khảo sát, nghiên cứu dự án khoảng 5.280ha. Tổng diện tích đất trong khu vực đầu tư dự án là 3.220ha và đất sử dụng lâu dài là 123ha.

Dự án Điện gió Hưng Hải Gia Lai được “rục rịch” khởi động từ cuối năm 2018, Công ty CP Tập đoàn Hưng Hải đã có văn bản số 508/KHĐT - NL gửi các ban ngành của tỉnh Gia Lai về việc xin khảo sát lắp đặt cột đo gió, bổ sung quy hoạch triển khai lập dự án nhà máy điện gió Hưng Hải Gia Lai.
 
Theo báo cáo ngày 20/9/2018 của công ty, đơn vị đã khảo sát trên địa bàn 4 xã Chơ Long, Chư Krêy, Đăk Pơ Pho, An Trung thuộc huyện Kông Chro. Tuy nhiên, giai đoạn 1 chỉ đề nghị cho phép khảo sát nghiên cứu khoảng 11.000 ha trên hai xã Chư Krêy và An Trung.

Ngày 4/1/2019, các ban ngành gồm sở Công thương, sở NN&PTNT, Sở TNMT… đã tổ chức kiểm tra và lập biên bản khảo sát nghiên cứu đầu tư dự án (khoảng 11.100 ha) thuộc xã An Trung và Chư Krêy. Theo đó, khu vực này chủ yếu là đất nông nghiệp trồng cây hàng năm (như: mía, mỳ, ngô…) và một phần diện tích là đất khu dân cư, đất lâm nghiệp và đất khác.

Theo Hồ sơ điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia giai đoạn 2011 – 2020, có xét đến năm 2030, bổ sung nhà máy điện gió hưng hải Gia lai Công suất 600MW do Viện Năng lượng, Bộ Công thương lập thì dự án có vị trí tại khu vực trồng cây nông nghiệp hàng năm tại xã An Trung và Chư Krêy, thuộc huyện Kông Chro. Quy mô nghiên cứu khảo sát quy hoạch khoảng 5.330ha.

Trong đó tổng diện tích sử dụng có thời hạn khoảng 120ha (gồm các hạng mục móng tháp gió, đường giao thông nội bộ, trạm nâng áp, nhà vận hành và nhà kho) và đất tạm thời khoảng 144ha.

Tuy nhiên, theo Thông tư số 02/2019/TT-BCT của Bộ Công thương đã quy định rõ: Ưu tiên phát triển công trình điện gió ở các vị trí đất khô cằn, sỏi đá, ít có giá trị nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, dân cư thưa thớt hoặc không có người sinh sống.

Đặc biệt, theo hồ sơ được lập thì dự án có tổng mức đầu tư dự án khoảng 21.000 tỷ đồng, nhưng chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư chỉ khoảng 9,72 tỷ đồng.

Như vậy, chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho toàn bộ 2.640.000 m² chỉ với giá gần 10 tỷ đồng thì liệu có khả thi?

Ảnh minh hoạ (Theo TTXVN).

Hơn nữa, cùng với sự phát triển ồ ạt của các nhà máy điện gió, điện mặt trời đã khiến ngành điện trở nên quá tải, đặc biệt là hệ thống truyền tải không đáp ứng được công suất. Do đó, rất nhiều nhà máy đang bị "ép" giảm công suất phát điện. Do đó việc quy hoạch và triển khai các dự án điện gió cũng cần phải được các cơ quan quản lý vào cuộc nghiên cứu xem xét kỹ lưỡng trước khi cấp chủ trương đầu tư.

Theo thông tin trên một số tờ báo, để triển khai quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Lai Châu giai đoạn 2011-2015, có xét đến 2020, UBND tỉnh Lai Châu đã lựa chọn Công ty cổ phần Tập đoàn Hưng Hải là nhà đầu tư “chiến lược” được đặc biệt ưu đãi thực hiện 17/62 dự án được phê duyệt, chiếm công suất 512MW, tương đương 75% tổng công suất thiết kế của 62 dự án.

Song qua suốt mấy năm triển khai, đến nay công ty mới phát điện được 1 tổ máy, đang thi công 5 dự án khác và bán 2 dự án cho đơn vị khác đầu tư.

Ngày 15/9/2015, UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư một số dự án đang thực hiện trên địa bàn vì dự án chậm tiến độ.

Tại buổi làm việc với phóng viên Pháp luật Plus, ông Đinh Đức Tuấn, Phó tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hưng Hải thừa nhận, trước đây do quá trình thi công tại địa bàn Lai Châu gặp nhiều khó khăn, do đó, một số dự án bị chậm tiến độ nên UBND tỉnh Lai Châu đã thu hồi một số giấy chứng nhận đầu tư của Công ty.

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin về dự án trong những bài tiếp theo.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thẩm mỹ quốc tế Jeny De Hera: Quảng cáo và thực hiện dịch vụ xâm lấn khi chưa được cấp phép?

Mặc dù các dịch vụ làm đẹp xâm lấn chưa được Bộ Y tế cấp phép hoạt động, nhưng thẩm mỹ quốc tế Jeny De Hera có địa chỉ tại 69 Hồ Đắc Di, quận Đống Đa, Hà Nội, vẫn công khai quảng cáo và thực hiện hàng loạt các dịch vụ xâm lấn bất chấp sự nguy hiểm đến khách hàng và vi phạm quy định của pháp luật.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/dieu-tra-ban-doc/du-an-dien-gio-hung-hai-gia-lai-se-nuot-hang-tram-hecta-dat-nong-nghiep-voi-gia-re-mat-d112466.html