Dự án điện mặt trời lớn nhất Việt Nam bị dồn vào thế khó

27/02/2022 09:09

Kinhte&Xahoi Nếu dự án điện mặt trời 450MW Trung Nam - Thuận Nam phải cắt giảm 40% công suất sẽ phá vỡ cam kết của nhà đầu tư về phương án tài chính, dẫn đến dự án mất khả năng cân đối trả nợ vay.

Theo tìm hiểu của phóng viên, Công ty Mua bán điện (EVNEPTC - Tập đoàn Điện lực Việt Nam) vừa thông báo kể từ 0h ngày 5/3/2022 sẽ dừng khai thác đối với phần công suất chưa có cơ chế giá bán điện của Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam 450MW, tương ứng với 40% công suất của nhà máy điện này.

Tập đoàn Trungnam (Trungnam Group) là chủ đầu tư dự án điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam tại Ninh Thuận với công suất 450MW kết hợp trạm biến áp 500kV Thuận Nam và các đường dây đấu nối.

Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam (Ảnh: Trungnam Group)

Dự án có quy mô tổng vốn đầu tư là 11.814 tỷ đồng, vốn tự có của nhà đầu tư là 30% và vốn vay là 70%. Trong đó, nhà máy có quy mô đầu tư khoảng 9.500 tỷ đồng; Trạm biến áp 500kV là 1.876 tỷ đồng; Đường dây 500kV đấu nối khoảng 423 tỷ đồng và đường dây 220kV đấu nối là khoảng 22 tỷ đồng.

Riêng công trình hạ tầng truyền tải 500kV được Trungnam Group tự đầu tư và bàn giao lại cho EVN quản lý, vận hành với chi phí 0 đồng. Được biết, dự án đã hoàn thành, đưa vào vận hành đồng bộ từ tháng 10/2020, qua đó đóng góp cho hệ thống điện quốc gia, giải quyết tình trạng quá tải lưới điện khu vực.

Tuy nhiên, kể từ thời điểm vận hành tới nay (khoảng 16 tháng), dự án không đảm bảo doanh thu do một phần công suất nhà máy chưa được xác định cơ chế giá bán điện.

Cũng theo nhà đầu tư, phần công suất này vẫn được huy động nhưng chưa được thanh toán khiến Trungnam Group gặp nhiều khó khăn và chịu áp lực rất lớn trong hoàn trả nợ vay theo phương án tài chính của dự án.

Do đó, việc Công ty Mua bán điện thông báo kể từ 0h ngày 5/3/2022 sẽ dừng khai thác đối với phần công suất chưa có cơ chế giá bán điện của Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam 450MW chẳng khác nào đẩy nhà đầu tư đến đường cùng.

Trước động thái trên, Trungnam Group đã có văn bản gửi Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên và UBND tỉnh Ninh Thuận đề xuất các chính sách gỡ khó.

Theo nhà đầu tư, Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam 450MW là dự án đầu tư có điều kiện được tỉnh Ninh Thuận lựa chọn.

Theo đó, nhà đầu tư không chỉ làm nhà máy điện mà phải đầu tư xây dựng trạm biến áp 500kV - đường dây 500kV Thuận Nam - Vĩnh Tân với tổng kinh phí gần 2.000 tỷ đồng và sẽ được khai thác toàn bộ công suất dự án điện mặt trời 450MW nhằm bù đắp chi phí của nhà đầu tư đã xây dựng trạm 500kV.

Tuy nhiên, đến nay mới có khoảng 277,88 trên tổng công suất 450MW của dự án có giá bán điện. Trên địa bàn Ninh Thuận còn dự án Thiên Tân 1.2 và Thiên Tân 1.3 cũng lâm cảnh tương tự.

Nhà đầu tư điện mặt trời đang bị đẩy vào thế khó

Trong đó, phần công suất chưa xác định được giá bán điện trong khoảng 16 tháng khai thác dự án cùng với đại dịch COVID-19 bùng phát trong 2 năm dự án phải chịu sự cắt giảm công suất phát liên tục kéo dài đã tác động rất xấu đến dòng tài chính của nhà đầu tư đối với dự án này.

"Nhà đầu tư vừa không đủ nguồn tài chính để hoàn thành nghĩa vụ cam kết với đơn vị tài trợ vốn song song với việc gánh phần chi phí truyền tải cho các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận", nhà đầu tư phản ứng.

Trong văn bản gửi cơ quan chức năng, nhà đầu tư cho biết, khi dừng huy động 40% công suất đồng nghĩa dự án chỉ vận hành đạt 60% so với thiết kế và như vậy sẽ phá vỡ cam kết của nhà đầu tư về phương án tài chính được tổ chức tín dụng thống nhất, dẫn đến dự án mất khả năng cân đối trả nợ vay.

Trong khi đó, các nhà đầu tư khác cũng như EVN lại được hưởng lợi trên đường dây truyền tải 500kV do chính nguồn vốn của mà Trungnam Group đã bỏ ra để đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải giải tỏa công suất. Như vậy, đây là một thiệt thòi quá lớn và không công bằng cho nhà đầu tư.

Trước vấn đề này, nhà đầu tư đã kiến nghị sớm ban hành cơ chế giá bán điện đối với phần công suất nguồn điện mặt trời đã đưa vào vận hành trong năm 2020 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận nhưng không đáp ứng điều kiện áp dụng giá điện theo Quyết định 13/2020 của Thủ tướng.

Đồng thời, nhà đầu tư cũng kiến nghị lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương và EVN tiếp tục huy động và ghi nhận sản lượng đối với phần công suất chưa có giá bán điện của dự án trong thời gian chờ ban hành cơ chế giá điện mới.

Trước đó, nhằm gỡ khó cho công trình trạm biến áp và tuyến dây 500kV đầu tiên do tư nhân tham gia đầu tư, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận cũng đã đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị Chính phủ cùng các Bộ, ngành xem xét tiếp tục huy động, không cắt giảm phần công suất 172MW chưa có cơ chế giá của dự án.

Ngày 14/1, Văn phòng Chính phủ cũng đã có văn bản thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp liên quan đến việc bàn giao lưới điện 500kV Thuận Nam - Vĩnh Tân do đơn vị tư nhân đầu tư sang EVN tiếp nhận, quản lý vận hành.

Trong đó, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan liên quan hướng dẫn EVN làm việc với nhà đầu tư về việc bàn giao, tiếp nhận, quản lý lưới truyền tải điện 500kV trên do nhà đầu tư bàn giao 0 đồng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trước ngày 25/1.

Về tính toán giá điện đối với phần công suất nguồn điện mặt trời đã đưa vào vận hành trong năm 2020 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận nhưng không đáp ứng yêu cầu giá điện theo Quyết định 13/2020 của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giao Bộ Công thương chỉ đạo EVN nghiên cứu, đề xuất theo hướng đấu thầu, đấu giá công khai, minh bạch.

Đối với việc vận hành phần phát điện công suất nguồn điện mặt trời đã đưa vào vận hành trong năm 2020 trên địa bàn Ninh Thuận hiện chưa có giá điện, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng giao Bộ Công thương chỉ đạo EVN có phương án vận hành hợp lý; Đồng thời khẩn trương nghiên cứu, xác định giá điện đối với phần công suất này.

 Văn Huy - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/du-an-dien-mat-troi-lon-nhat-viet-nam-bi-don-vao-the-kho-190691.html