Dự án đường vành đai 4 - mở ra cơ hội kết nối, phát triển du lịch cho Hà Nội

12/06/2022 16:17

Kinhte&Xahoi Đi qua những vùng đất đậm dấu ấn văn hóa Việt lâu đời, nhiều di tích, di sản, đường vành đai 4 khi được hình thành chắc chắn sẽ mở ra cơ hội kết nối và phát triển tuyệt vời cho du lịch Hà Nội.

Những tiềm năng cho phát triển du lịch

 Vành đai 4 -Vùng Thủ đô có dự kiến tổng chiều dài 111,2 km, điểm đầu nằm trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn), điểm cuối nằm trên đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long (địa phận huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh).

Dự án đi qua địa phận 3 tỉnh, thành phố. Cụ thể: Địa phận Hà Nội đi qua 7 quận, huyện (Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín và Hà Đông). Tỉnh Hưng Yên đi qua 4 huyện (Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ, Văn Lâm). Tỉnh Bắc Ninh đi qua 3 huyện (Thuận Thành, Quế Võ, Gia Bình) và thành phố Bắc Ninh.

Tượng Thánh Gióng trên đỉnh Vệ Linh

Khi hoàn thiện, dự án này sẽ giúp hoàn thiện hệ thống giao thông liên vùng, tạo sự thuận tiện và liên kết giữa các nơi mà tuyến đường đi qua. Điều nhận thấy đầu tiên, tất cả các địa danh này đều là những nơi mà nhắc đến là chúng ta đã hiện ngay trong đầu có rất nhiều di tích, thắng cảnh, địa điểm du lịch gắn liền với tên tuổi vùng đất này.

Đầu tiên phải kể đến Sóc Sơn. Nổi tiếng nhất tại đây là khu di tích đền Sóc gắn với truyền thuyết Thánh Gióng bay về trời sau khi đánh thắng giặc Ân. Quần thể thuộc địa bàn thôn Vệ Linh, xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, trải dài từ chân núi lên đến đỉnh Vệ Linh.

Khuôn viên gồm: đền Hạ, đền Mẫu, đền Thượng, chùa Đại Bi, nhà bia bát giác, chùa Non Nước và tượng đài Thánh Gióng. Di tích vừa mang vẻ cổ kính, vừa thơ mộng, bốn mùa cây cối xanh tươi.

Đền Sóc (còn gọi là đền Thượng) thờ thượng đẳng phúc thần Thánh Gióng - Phù Đổng Thiên Vương, một trong tứ bất tử của văn hóa nước Việt. Từ đền Sóc, tiếp tục leo lên đỉnh núi Vệ Linh ở độ cao 302m, du khách sẽ thấy tượng đài Thánh Gióng bằng đồng, nặng 85 tấn.

Di tích gắn với lễ hội Gióng được UNESCO công nhận là Di sản thế giới phi vật thể nhân loại năm 2010. Để hòa chung vào không khí lễ hội của người địa phương, du khách có thể ghé đền Gióng vào ngày 6 tháng giêng Âm lịch.

Người Việt ta từ thuở tấm bé đã thấm đẫm văn hóa cổ tích với các huyền thoại về Thánh Gióng, chàng trai khi đất nước lâm nguy bỗng lớn vụt lên ăn hết bảy nong cơm, ba nong cà, cưỡi ngựa sắt, đội mũ sắt, cầm roi sắt đi đánh giặc. Lớp lớp các thế hệ người Việt chẳng muốn một lần được đặt chân đến nơi đây, vừa thăm quê hương của một trong “Tứ bất tử” của dân tộc ta.

Điểm cắm trại check-in tại Sóc Sơn khiến giới trẻ thích thú

Bên cạnh đền Sóc, Sóc Sơn còn có hồ Đồng Đò, hồ Đồng Quan, nơi du lịch check-in được giới trẻ vô cùng yêu thích. Rồi các núi Hàm Lợn, bản Rõm, hồ Chòm Núi, Núi Đôi… đều là những nơi phong cảnh hữu tình, gắn với những câu chuyện, huyền thoại mà du khách chắc chắn sẽ hài lòng khi đặt chân đến.

Tiếp đến, Mê Linh là vùng đất cổ, nơi có Đền Hai Bà Trưng, chùa Trung Hậu, làng hoa, đồi 79 Mùa xuân cũng hứa hẹn là những điểm dừng chân thú vị cho các tuyến du lịch liên kết.

Ngược về vùng Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín, Hà Đông, nơi đây không chỉ có những ngôi chùa, những di tích mà còn rất nhiều làng nghề, làng cổ mà bao lâu nay du khách luôn ước ao có những tour du lịch được trải nghiệm hết các vẻ đẹp cổ kính này. Những chiếc giếng cổ, mái ngói tường rêu ở làng Cự Đà, làng lụa Vạn Phúc Hà Đông, chùa Đậu, chùa Đào Xá với niên đại hơn 2000 năm không chỉ là không gian Phật giáo cổ kính mà còn là điểm thắng cảnh, tìm hiểu về đạo Phật, tìm hiểu về văn hóa ngàn năm của làng quê đồng bằng Bắc Bộ.

Kết nối, mở rộng tiềm năng

Bao lâu nay, chúng ta ao ước và đau đáu làm sao để Hà Nội không phải chỉ là điểm dừng chân ít ngày rồi trung chuyển đến Sa Pa, Hạ Long, Ninh Bình… của khách nước ngoài. Làm sao để khai thác hết các tuyến du lịch, mở rộng được đến các vùng ngoại thành và xa hơn là các tỉnh lân cận chính là điều mà Hà Nội chưa thực sự làm tốt. Bởi lẽ, điều này vừa giữ chân khách ở lại lâu hơn, mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho Hà Nội hơn, đồng thời cũng giới thiệu được trọn vẹn vẻ đẹp của Hà Nội, của Việt Nam đến với khách nước ngoài hơn, thay vì chỉ vài lát cắt như trước kia.

Gần đây, trong công cuộc phát triển công nghiệp văn hóa, đặc biệt là kì Đại hội Thể thao Đông Nam Á SEA Games 31 vừa qua, bằng nỗ lực vượt bậc, bằng sự sáng tạo và khát vọng vươn dậy sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, du lịch Thủ đô đã khởi sắc, mở ra các tour liên kết, phần nào đáp ứng kỳ vọng của người dân và du khách.

Chùa Bút Tháp (Bắc Ninh)

Tiếp nối đà này, dự án đường vành đai 4 khi hoàn thiện lại càng như “chắp thêm cánh cho hổ”, tạo nền móng, cơ hội vô cùng to lớn cho các vùng lân cận liên kết với Hà Nội. Để như các tia sáng của kim cương lấy Hà Nội làm trung tâm, các tour, tuyến sẽ tấp nập mở ra, vừa kích thích nhu cầu tìm hiểu văn hóa, khám phá cái hay, cái đẹp của người dân Hà Nội, cả nước cũng như khách nước ngoài vừa tạo nên tiềm năng kinh tế rất mạnh.

Hãy thử tưởng tượng, từ trung tâm Hà Nội, một tour du lịch đưa chúng ta qua Đền Sóc, Núi Đôi, đền Hai Bà Trưng, chùa Trung Hậu. Một tour khác lại chở chúng ta qua hồ Đồng Đò, Đồng Quan, núi Hàm Lợn để cắm trại, check-in. Một tour khác sau khi đưa khách khám phá các địa điểm nội thành thì tiếp tục đưa khách ra các huyện Hoài Đức, Thanh Oai… đến với các chùa cổ, làng cổ, làng nghề… Chắc chắn rằng, không một chỗ nào bị nhàm chán, không một điểm nào khách phải thất vọng bởi ngay với chính người Hà Nội, ở lâu năm tại Hà Nội cũng chưa từng đi hết những địa điểm ấy.

Tuyệt vời hơn, giờ đây, từ Hà Nội chúng ta lại được lên xe theo tour đi đến Khoái Châu, Văn Lâm. Một trong “Tứ bất tử” nữa của tín ngưỡng dân gian Việt Nam, câu chuyện Chử Đồng Tử và Tiên Dung với biết bao huyền tích xung quanh về nơi Tiên Dung tắm mát gặp Chử Đồng Tử, về đầm Dạ Trạch nơi Triệu Quang Phục lập căn cứ chống giặc Lương...

Được xem là một trong những truyền thuyết được ghi nhận sớm nhất trong Lĩnh Nam Chích Quái, câu chuyện về Chử Đồng Tử vốn rất nổi tiếng trong dân gian và còn lưu truyền đến tận ngày nay. Hưng Yên là địa danh sở hữu hai trong tổng số ba đền thờ Chử Đồng Tử (một đền thờ ở Hà Nội). Do đó, nhắc đến địa điểm du lịch Hưng Yên không thể không kể đến hai ngôi đền này.

Đó là đền Đa Hòa (xã Bình Minh, huyện Khoái Châu, Hưng Yên) và Dạ Trạch (xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu, Hưng Yên). Cả hai ngôi đền đều được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Riêng đền Ða Hoà sở hữu kiến trúc độc đáo với các hoa văn rồng trạm trổ trên gỗ và đôi Bách thọ được làm bằng gốm với 100 chữ khắc trên thân.

Chùa Dâu (Bắc Ninh)

“Ai về bên kia sông Đuống/ Cho ta gửi tấm the đen/ Mấy trăm năm thấp thoáng mộng bình yên/ Những hội hè đình đám/ Trên núi Thiên Thai/ Trong chùa Bút Tháp/ Giữa huyện Lương Tài...” Hành trình tiếp tục đưa ta về “Bên kia sông Đuống” với nhà thơ Hoàng Cầm, với những đêm quan họ nồng nàn câu hát giao duyên, với chùa Nôm, chùa Dâu… cả nghìn năm nay với nền văn hóa Phật giáo thấm đẫm trong từng viên gạch, mái ngói…

Chắc hẳn, những hành trình này sẽ để lại trong lòng du khách những ấn tượng vô cùng tốt đẹp. Bên cạnh đó, ngoài việc mang lại lợi ích kinh tế, các hoạt động này còn góp phần tạo công ăn việc làm, tiêu thụ các sản phẩm OCOP đồng thời giới thiệu vẻ đẹp văn hóa, con người Hà Nội và các vùng lân cận tới du khách trong và ngoài nước. Đó là những kết quả tốt đẹp mà chúng ta có thể chắc chắn gặt hái được khi dự án đường vành đai 4 hoàn thiện.

Ngọc Hân, Ảnh: Internet - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Kết nối doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội với doanh nghiệp Italia

Chiều 7/6, Sở Công Thương Hà Nội chủ trì, phối hợp với Phòng Thương mại Italia tại Việt Nam - Hiệp hội doanh nghiệp Italia tại Việt Nam (ICHAM) và Hội Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội (HAMI) tổ chức Hội nghị kết nối doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội với doanh nghiệp Italia. Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền tới tham dự.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/du-an-duong-vanh-dai-4-mo-ra-co-hoi-ket-noi-phat-trien-du-lich-cho-ha-noi-198510.html