Dự án Luật Thống kê sửa đổi: Các khái niệm phải “thống nhất”

26/10/2021 10:14

Kinhte&Xahoi Sau khi Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Thống kê, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH quan tâm.

Chiều 25/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng - Ảnh quochoi.vn

Đáng chú ý, liên quan đến quy định có khái niệm “phải thống nhất” mà các đại biểu băn khoăn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, sự thống nhất được nhắc đến ở đây không phải là về số liệu, mà là sự đồng bộ, thống nhất từ trung ương xuống địa phương về cách thức, chuyên môn, nghiệp vụ, nội dung, phương pháp, quy trình biên soạn, trình tự, thủ tục, cách thức tiến hành…  Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu, điều chỉnh nội dung này theo hướng đối với thông tin thống kê của các chỉ tiêu cấp tỉnh là phân tổ của chỉ tiêu thống kê quốc gia thì phải thống nhất về chuyên môn, nghiệp vụ thống kê với cơ quan trung ương trước khi công bố. Trong trường hợp không thống nhất thì thủ trưởng cơ quan thống kê trung ương công bố và chịu trách nhiệm.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, nội dung về quy trình biên soạn, khái niệm, phương pháp tính sẽ được quy định tại các Nghị định sau khi dự thảo Luật Thống kê được thông qua.

“Trong bối cảnh hiện nay, số liệu thống kê vô cùng quan trọng đối với các quyết sách kịp thời cũng như các quyết định của nhà kinh doanh. Trong phòng chống dịch COVID-19 vừa qua thấy rõ, chúng ta không thể dùng số liệu thống kê của báo cáo quý trước đó mà phải là những con số nóng, kịp thời. 

Số liệu thống kê hiện nay không chỉ là những con số khô khan mà thực sự số liệu thống kê là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá. Tôi kỳ vọng, sửa đổi Luật Thống kê lần này là phải luật hóa việc kê khai, cung cấp các số liệu thống kê bằng công nghệ số để hình thành lên những kho dữ liệu quốc gia về tất cả thông tin kinh tế - xã hội. Và đây cũng là điều kiện tiên quyết để phát triển nền kinh tế số”, Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) phân tích.

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa.

Liên quan đến trách nhiệm của các bộ, ngành, cơ quan thống kê trung ương trong việc biên soạn các chỉ tiêu quốc gia, trong đó có phân bổ theo vùng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, nội dung này sẽ được quy định cụ thể tại Nghị định quy định về nội dung các chỉ tiêu thống kê quốc gia. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, thủ trưởng cơ quan thống kê trung ương sẽ công bố và chịu trách nhiệm về các chỉ tiêu liên quan đến cấp vùng và liên quan đến vùng.

“Luật Thống kê sửa đổi nhằm cung cấp thông tin thống kê chính xác, khách quan, kịp thời phản ánh đúng tình hình kinh tế xã hội, giúp các nhà phân tích hoạch định, điều hành chính sách vĩ mô một cách hiệu quả hơn, đảm bảo yêu cầu, phù hợp thông lệ quốc tế. 

Tôi tán thành việc sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thống kê; đồng thời, nhất trí với phạm vi sửa đổi của Luật Thống kê. Số liệu thống kê rất quan trọng. Hiện nay, các bộ, ngành, địa phương sử dụng số liệu thông tin thống kê, đánh giá, phân tích, dự báo tình hình trong hầu hết các lĩnh vực. Tuy nhiên, số liệu thống kê đang công bố, chúng ta mới có được con số dự báo, tới khoảng tháng 2, tháng 3 năm sau, chúng ta mới có con số ước cụ thể. 

Với yêu cầu báo cáo đánh giá, phân tích tình hình cuối năm, chúng ta cần có dự thảo báo cáo về tình hình kinh tế xã hội, phát triển của các ngành… nhưng tính kịp thời chưa đáp ứng được. Do đó, Luật Thống kê sửa đổi cần có số liệu chi tiết, kịp thời để các ngành, địa phương có giải pháp, xây dựng kế hoạch phát triển cho năm sau tốt hơn”, Đại biểu Trần Anh Tuấn (Đoàn TP HCM) nêu ý kiến đóng góp.

Đối với ý kiến yêu cầu bổ sung, tách nhập một số chỉ tiêu trong hệ thống chỉ tiêu quốc gia, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ đã có nghiên cứu và rà soát kỹ càng. Tuy nhiên, từ những đề nghị của các đại biểu Quốc hội tại phiên họp, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu một bước nữa cho thật chặt chẽ dựa trên cơ sở chỉ tiêu phải là chỉ tiêu quốc gia; rà soát các chỉ tiêu cấp dưới; sự cần thiết, tính cấp bách; khả năng thực thi; nguồn lực về ngân sách và con người; thông lệ quốc tế và tình hình thực tiễn trong nước.

 Tường Vân - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/kinh-te-cong-nghe/du-an-luat-thong-ke-sua-doi-cac-khai-niem-phai-thong-nhat-d169401.html