Dự án Vành đai 4: Động lực thúc đẩy kết nối hạ tầng, giao thông đô thị

27/05/2022 17:50

Kinhte&Xahoi Dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô được xây dựng và hình thành sẽ tạo không gian phát triển mới, tăng cường phát triển vùng, liên kết các tuyến đường hướng tâm, góp phần giảm tình trạng ùn tắc giao thông khu vực nội đô, tạo dịch vụ vận tải chủ động, hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế khu vực và đất nước.

Động lực bứt phá phát triển

 Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, là chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia. Ở các nước phát triển từ lâu đã dành sự quan tâm và nỗ lực đầu tư cho giao thông. Trong đó, việc quy hoạch và xây dựng hệ thống các đường vành đai các trung tâm kinh tế chính trị được xem là nhiệm vụ hàng đầu. Bởi đường vành đai không chỉ được có ảnh hưởng tới một địa phương mà còn là sự thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cho một vùng miền của mỗi quốc gia.

Hà Nội - đô thị lớn của Việt Nam, đóng góp trên 16% GDP, 18,5% thu ngân sách, 20% thu nội địa, giữ vai trò là trung tâm kinh tế, là động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước. Việc đẩy mạnh đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, đặc biệt là các tuyến đường vành đai của Thủ đô là cấp thiết, nhằm thúc đẩy tốc độ đô thị hóa, tăng trưởng kinh tế của vùng Thủ đô (bao gồm 9 tỉnh, thành phố, trong đó có 3 tỉnh, thành phố ảnh hưởng trực tiếp đến Dự án đường Vành đai 4 là: Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh) và cả nước theo định hướng của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 06/NQ-TW và riêng Thủ đô Hà Nội theo định hướng của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 15/NQ-TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Hơn 10 năm trước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 29/7/2011, phê duyệt quy hoạch chi tiết đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, đoạn phía Nam quốc lộ 18.

Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước

Theo quy hoạch này, đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội là tuyến cao tốc vành đai đi bằng với quy mô chiều dài 98km, qua 3 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh), với mặt cắt ngang điển hình rộng 120m (bao gồm phần cao tốc 6 làn xe và hệ thống đường gom song hành hai bên). Trong đó, đoạn tuyến đi qua địa phận Hà Nội dài khoảng 56,5km.

Yêu cầu của dự án phải hoàn thành trước năm 2020, trong đó, đoạn qua địa bàn Hà Nội hoàn thành trước năm 2018 nhưng đến nay, dự án này vẫn chưa được triển khai do có quy mô lớn, khó bố trí vốn (được xác định từ ngân sách nhà nước), trong khi việc khai thác quỹ đất của các địa phương có tuyến đường đi qua để đầu tư dự án không khả thi.

Song có thể thấy rõ rằng, dự án đường Vành đai 4 càng chậm triển khai thì áp lực giao thông tại Thủ đô Hà Nội càng đè nặng lên đường Vành đai 3. Bởi đặc thù của Vành đai 4 là kết nối với tất cả các tuyến còn lại. Có thể coi là "Vành đai kết nối mọi vành đai", tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển đồng đều, toàn diện và bền vững của Thủ đô.

Do đó Vành đai 4 được xây dựng và hình thành sẽ tạo không gian phát triển mới, tăng cường phát triển vùng, liên kết các tuyến đường hướng tâm, góp phần giảm tình trạng ùn tắc giao thông khu vực nội đô, đặc biệt là Vành đai 3; Tạo dịch vụ vận tải chủ động, hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế khu vực và đất nước.

Mở rộng không gian phát triển kinh tế, xã hội

 Sau hơn 10 năm ấp ủ, đến nay, Hà Nội và các tỉnh liên quan mới có cơ hội hiện thực hóa dự án Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Cùng với sự vào cuộc nghiêm túc, tích cực của Quốc hội, Chính phủ cũng như các bộ, ngành, địa phương liên quan, Nhân dân Thủ đô đang rất ủng hộ Dự án mang tầm chiến lược dài hạn này.

Đánh giá về tầm quan trọng của Vành đai 4- Vùng Thủ đô, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn cho biết, Hà Nội hiện nay có 6 cao tốc hướng tâm. Khu vực Vành đai 4 là trung tâm kết nối phía Bắc với cao tốc Bắc - Nam phía Đông, kết nối với Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, cho phép hướng tới chỉnh thể của hệ thống cao tốc, vì vậy, không chỉ Thủ đô Hà Nội mà cả vùng Thủ đô và đồng bằng Bắc Bộ được hưởng các khả năng phát triển mới.

Các đại biểu HĐND thành phố Hà Nội biểu quyết thông qua chủ trương bố trí, cân đối vốn cho Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, tại kỳ họp chuyên đề, HĐND thành phố khóa XVI.

Việc thiết lập vành đai cuối cùng ở Thủ đô sẽ mở rộng không gian phát triển kinh tế, xã hội, đô thị và nông thôn, tạo ra hành lang phát triển kinh tế, cũng như hành lang vận tải liên vùng. Đối với Hà Nội, tuyến vành đai này còn kết nối hai cảng hàng không quốc tế quan trọng là Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài và trong quy hoạch tổng thể của Thủ đô tới, sẽ hình thành sân bay quốc thế thứ hai ở phía Đông Nam; Đồng thời, kết nối với đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam phía Nam Thủ đô.

Việc sớm đầu tư tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô được xác định là một trong các nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhằm từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông của Thủ đô theo quy hoạch. Tuyến đường khi hoàn thành không chỉ góp phần giảm ùn tắc giao thông, mở rộng không gian phát triển cho thành phố, thúc đẩy kinh tế đô thị và nông thôn, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực hai bên tuyến đường mà còn tăng cường khả năng kết nối, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô, Vùng Đồng bằng sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Xác định được tầm quan trọng, tính cấp thiết của dự án, Chính phủ đã chấp thuận chủ trương và giao cho các bộ, ngành liên quan phối hợp với UBND thành phố Hà Nội hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, xây dựng Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. 

 Thanh Hà- TTTĐ


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/du-an-vanh-dai-4-dong-luc-thuc-day-ket-noi-ha-tang-giao-thong-do-thi-197493.html