Đưa - nhận hối lộ và bài học nhãn tiền

17/12/2019 15:19

Kinhte&Xahoi Hôm qua (16/12), phiên xử vụ Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) đã bước vào ngày đầu tiên và ngay lập tức trở thành tâm điểm chú ý của dư luận và truyền thông cả nước.

Ảnh minh họa.

Dự kiến, phiên tòa kết thúc khi năm 2019 khép lại, đánh dấu một năm chống tham nhũng quyết liệt "không có vùng cấm", "không loại trừ ai" nên được nhân dân cả nước chú tâm theo dõi là một lẽ đương nhiên.

Theo cáo buộc, trong quá trình thực hiện dự án này, bi cáo Nguyễn Bắc Son (thời điểm đó là Bộ trưởng Bộ TT&TT), bị cáo Trương Minh Tuấn (thời điểm đó là Thứ trưởng và sau này là Bộ trưởng Bộ TT&TT)  và 11 bị cáo là cựu lãnh đạo, cán bộ Mobifone và AVG có hành vi vi phạm pháp luật trong việc đề xuất dự án đầu tư, đánh giá về tài chính, kinh doanh của AVG, làm thiệt hại tài sản của Nhà nước hơn 6.590 tỷ đồng.

Đáng chú ý, sau khi được thanh toán 95% giá trị hợp đồng,  Phạm Nhật Vũ  (cổ đông lớn của AVG) đã “cảm ơn” Nguyễn Bắc Son 3 triệu USD, Trương Minh Tuấn 200.000 USD và Lê Nam Trà (Chủ tịch HĐTV Mobifone) 2,5 triệu USD, Cao Duy Hải (nguyên Tổng Giám đốc Mobifone) 500.000 USD. Vì vậy, Vũ bị truy tố về tội “đưa hối lộ”; Son, Tuấn, Trà và Hải bị truy tố về tội “Nhận hối lộ”.

Trả lời tại Tòa trong ngày xử đầu tiên, các bị cáo Trương Minh Tuấn, Lê Nam Trà, Cao Duy Hải đã thừa nhận việc nhận tiền của Vũ như cáo trạng truy tố.

Thông thường thì việc đưa- nhận hối lộ (nếu có) thì có người đưa và người nhận biết. Nhưng trong vụ án này, gần như các bị cáo đã chủ động khai báo về việc đưa, nhận hối lộ ngay từ giai đoạn điều tra và tỏ ra hợp tác trong việc nộp lại số tiền đã nhận, mong hưởng khoan hồng của pháp luật.
 
Có thể nói, đây là một thành công trong công tác điều tra, đấu tranh với tội phạm tham nhũng của các cơ quan tiến hành tố tụng bởi để buộc các bị cáo phải cúi đầu thừa nhận hành vi đưa - nhận hối lộ là điều không hề đơn giản, đòi hỏi cả sự “đấu trí” và “đấu lực” bền bỉ.

 Đây cũng sẽ là một bài học “nhãn tiền” cho những đối tượng đã, đang và sẽ thực hiện hành vi đưa - nhận hối lộ bởi pháp luật đã quy định rõ việc tự thú, thành khẩn khai báo và khắc phục hậu quả… là những tình tiết giảm nhẹ khi Tòa lượng hình. Trái lại, nếu không thành khẩn thừa nhận thì cơ quan tiến hành tố tụng cũng sẽ dựa vào nhiều chứng cứ để chứng minh, làm rõ.

Hơn nữa, hành động tự thú trên cũng phần nào cứu vớt được chút danh dự còn lại bởi ít ra, những bị cáo này còn được dư luận đánh giá là “dám làm, dám chịu”, góp phần khắc phục một phần hậu quả của vụ án.

Dư luận vẫn nhức nhối lâu nay bởi ở nhiều vụ, án tù thì vẫn tuyên nhưng tiền thu hồi cho Nhà nước thì chỉ “bằng không”. Xét ở góc độ này thì vụ án rõ ràng là một bài học lớn trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay.  


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/dua--nhan-hoi-lo-va-bai-hoc-nhan-tien-d113314.html