Đường dây buôn lậu máy lạnh tại TP HCM: Người cầm đầu bất ngờ… tâm thần, người làm công 'gánh đủ'

22/04/2019 09:36

Kinhte&Xahoi Sau khi đường dây buôn lậu bị phát hiện, người cầm đầu bỗng dưng bị tâm thần nên chưa bị truy tố, xét xử. Hai người làm công nhận nhiệm vụ từ người “tâm thần” đi khai thuế, nộp thuế hải quan thì bị tạm giam, gánh chịu hậu quả. “Tâm thần” nhưng biết cầm đầu, thu lợi và biết bỏ trốn khi bị phát hiện buôn lậu

Buôn lậu, bỏ trốn, “mắc bệnh tâm thần”

Theo dự kiến, ngày 23/4, TAND TP HCM mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án “buôn lậu” với Lê Thanh Tùng (SN 1971) và Huỳnh Thanh Khiết (SN 1983, cùng ngụ TP HCM). Người cầm đầu vụ án là Nguyễn Thanh Phương (SN 1972, ngụ quận 1, TP HCM) cầm đầu nhưng không bị truy tố, xét xử lần này vì “bị hạn chế năng lực hành vi và điều khiển hành vi” nên bị đưa đi chữa bệnh bắt buộc.

Theo cáo trạng, ngày 8/9/2015, Công an TP HCM thực hiện khám phương tiện vận tải, đồ vật theo thủ tục hành chính với hai container đang được đưa về kho ở quận Tân Bình.

Qua kiểm tra, phát hiện hai container trên là hàng điện máy đã qua sử dụng thuộc loại hàng cấm nhập khẩu của Công ty Nam Phương Luxury và Công ty Hiệp Bình Phước. Ngoài ra, còn phát hiện hai container hàng hoá khác của hai công ty trên cũng là hàng cấm nhập.

Theo tờ khai hải quan, lô hàng trên của hai công ty đều là hàng hoá nhập khẩu máy móc sử dụng trong công nghiệp các loại đã qua sử dụng xuất xứ Nhật Bản. Tuy nhiên, hàng hoá kiểm tra trong bốn container là 82 mặt hàng gồm cục nóng, cục lạnh (máy lạnh)… đã qua sử dụng có xuất xứ từ Nhật Bản thuộc danh mục cấm nhập khẩu. Trị giá hàng hoá hơn 4 tỷ đồng.

Mở rộng điều tra, Công an TP HCM phát hiện, Công ty Nam Phương Luxury được thành lập năm 2012 do Phương làm giám đốc, sau đó chuyển cho Khiết và thời điểm phát hiện hàng cấm nhập là do Nguyễn Thị Minh Hà làm giám đốc. Dù Hà đứng pháp nhân nhưng mọi sự điều hành, chỉ đạo thuộc về Phương. Hà không hay biết việc nhập hàng lậu.

Phương bị xác định tâm thần, hạn chế nhận thức khi điều hành việc buôn lậu.

Đối với Công ty Hiệp Bình Phước, do Phương mượn pháp nhân để nhập khẩu hàng hoá. Phương sử dụng hai công ty trên để nhập hàng điện máy đã qua sử dụng và khai báo hải quan là hàng máy móc sử dụng trong công nghiệp đã qua sử dụng.

Phương chỉ đạo Tùng nhận thông báo hàng về đến cảng. Khiết đến nhận hoá đơn và lệnh giao hàng về cho Tùng. Tùng tự nghĩ ra số lượng hàng hoá, chủng loại và sử dụng các pháp nhân để khai báo hải quan. Tùng lập chứng từ giả mua bán.

Sau đó, Tùng đưa cho Khiết bộ hồ sơ để đến cảng làm thủ tục khai báo hải quan. Quá trình làm việc, Khiết nhờ một nhân viên công ty đến nhận hoá đơn và đóng phí tại cảng. Theo sự chỉ đạo của Phương, Khiết gọi điện cho xe đến chở hàng về kho.

Khi bị công an phát hiện, Phương gọi điện bảo Khiết lánh mặt đi nơi khác. Nhưng Khiết đến cơ quan công an trình diện.

CQĐT ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội “buôn lậu”. Tuy nhiên, Phương bỏ trốn và bị truy nã từ tháng 7/2016. Đến ngày 20/08/2017, Phương bị bắt khi đang lẩn trốn.

Tại cơ quan điều tra, Phương chối bỏ hành vi phạm tội. Đồng thời trình bày bị tâm thần phân liệt và đang điều trị tại bệnh viện vào năm 2016. Theo đó, Phương được xác định “trước và sau khi vụ án xảy ra bị tâm thần phân liệt, hạn chế năng lực hành vi dân sự nên chưa thể làm việc với cơ quan điều tra”.

Do đó, CQĐT và VKS ra quyết định tạm đình chỉ bị can với Phương và đưa Phương đi chữa bệnh bắt buộc. Trường hợp Phương được tách riêng, không bị truy tố, xét xử cùng với Tùng và Khiết.

Luật sư: “Tách riêng là không công bằng”

Còn một số câu hỏi trong vụ án trên chưa được làm rõ, như tại sao năm 2015, Phương còn chỉ đạo Tùng và Khiết nhập hàng lậu thu lợi; năm 2016 mới nhập viện tâm thần; nhưng được xác định tâm thần từ năm 2015 đến nay?

Thời điểm xảy ra vụ việc đến nay, Phương được xác định không thể làm việc với cơ quan điều tra. Liệu rằng lời khai và hồ sơ Phương cung cấp có được chấp nhận hay không? Và dùng lời khai đó để kết tội Tùng và Khiết có đúng quy định pháp luật hay không? Phương là đầu vụ, chưa có lời khai thì làm sao kết tội được Tùng và Khiết? Hoặc ví dụ Tùng và Khiết đổ toàn bộ hành vi của mình cho Phương thì sao?  

Hồ sơ vụ án thể hiện, Phương, Tùng và Khiết không hề bàn bạc gì đến việc nhập hàng cấm. Phương tách riêng Tùng và Khiết, mỗi người một công việc, một giai đoạn khác nhau. Tùng và Khiết đều khai rằng Phương không nói cho hai người biết là hàng cấm nhập. Tùng cũng không liên hệ với Khiết để thảo luận mà chỉ thừa hành mệnh lệnh của Phương. Phương là người thuê xe chở hàng, thuê kho nhập hàng.

“Tại các bản cung, Khiết khai không hề hay biết hàng nhập khẩu là hàng cấm nhập. Vai trò của Khiết chỉ là nhân viên của Phương, trông coi một cửa hàng điện thoại và phụ việc nếu Phương điều động. Khiết chỉ nhận hồ sơ nhập khẩu từ Tùng và đi nộp phí, khai báo hải quan. Do hồ sơ Tùng khai là máy móc công nghiệp nhập khẩu nên Khiết không biết được là hàng cấm”, luật sư bào chữa cho Khiết nói.

Một số hàng hoá nhập lậu trong đường dây do Phương cầm đầu.

Vị luật sư cho rằng, Phương là mắt xích quan trọng trong vụ án, từ lời khai của Phương mới làm rõ được vai trò của Tùng và Khiết ở mức độ nào, có biết hàng hoá trên là hàng cấm hay không? Tùng và Khiết hưởng lợi như thế nào khi giúp sức cho Phương? Luật sư nói: “Do đó không thể tách rời Phương ra khỏi vụ án và Tùng, Khiết được. Nếu Phương thật sự bị tâm thần thì CQĐT có thể tạm đình chỉ vụ án, cho Phương đi chữa bệnh, Tùng và Khiết tại ngoại để chờ phục hồi điều tra.

Tâm thần kiểu gì mà biết chỉ đạo nhập hàng lậu thu lợi bất chính, biết sử dụng các pháp nhân không do mình đứng tên và điều khiển nhân viên thực hiện toàn bộ hành vi nhập hàng, khi bị phát hiện thì bỏ trốn hai năm?”

Theo luật sư, kẻ cầm đầu được ở ngoài còn hai nhân viên, người làm công, với vai trò thứ yếu lại bị tạm giam hơn 18 tháng qua. Ngoài ra, nếu chiếu theo cáo trạng, vị luật sư cho rằng Khiết không phạm tội “buôn lậu”. Vì Khiết không được Phương chỉ đạo, không cho biết hàng nhập khẩu là hàng gì.  

Vụ án từng 3 lần đưa ra xét xử nhưng đều bị hoãn hoặc tạm dừng với nhiều lý do khác nhau. Cả ba phiên xử, Khiết đều kêu oan.

PLVN sẽ tiếp tục phản ánh diễn biến vụ án. 

Theo Phapluatplus

 


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

VietJet Air lại bị "tố" từ chối vận chuyển hành khách khuyết tật

Mới đây, trên mạng xã hội đang lan truyền thông tin một hành khách “tố” hãng hàng không Vietjet Air phân biệt đối xử với hành khách "khuyết tật". Bài viết đã nhận được rất nhiều ý kiến và chia sẻ của cộng đồng mạng. Nhiều người bức xúc vì việc Vietjet Air phản hồi quá muộn đối với hành khách này và không ít người nói rằng sẽ tẩy chay hãng hàng không Vietjet Air.