Giá “trên trời” cho một cặp vé trận bán kết lượt về trên “chảo lửa” Mỹ Đình

04/12/2018 08:57

Kinhte&Xahoi ‘Thất thu nặng quá, nài được khách nào thì biết khách ấy, chứ không xông xênh như trước’, anh T – một dân phe vé than thở khi chúng tôi hỏi mua một cặp vé trận bán kết lượt về giữa Việt Nam và Philippines.

Sáng 3/12 là ngày cuối cùng Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) trả vé đặt qua mạng. Và cũng gần như là cơ hội cuối cùng để dân phe mua lại vé từ khách hàng.

Bởi vậy mà chợ đen nhộn nhịp từ 8 giờ. Cảnh sát cơ động đứng kiểm soát phía ngoài trụ sở VFF nhưng dân phe cũng chẳng ngán. Họ ngang nhiên chèo kéo người đứng xếp hàng và mặc cả ác liệt.

Chợ đen đìu hìu trước cổng VFF chiều 3/12. Ảnh: Trung Ninh

Bạn Hữu Chinh – sinh viên một trường đại học tại Hà Nội đặt được đôi vé mệnh giá 500.000. Định rủ bạn gái đi xem vào tối 6/12 nhưng nghe dân phe thuyết phục thế nào mà bùi tai quá, “chuyển nhượng” ngay với giá 3 triệu đồng.

“Thế là lãi hẳn 2 triệu đồng. Tôi gọi điện cho bạn gái tôi rồi. Cô ấy đồng ý là sẽ ra quán cà phê xem qua màn hình rộng, cũng đã chẳng kém gì xem trực tiếp trên sân đâu mà”, Chinh thật thà chia sẻ.

Đã từng vô số lần chứng kiến cảnh mua vé trực tiếp tại sân Mỹ Đình với nhiều cảnh khóc dở mếu dở mà khổ sở nhất là những người mua vé “chân chính”, mua thật xem thật, chúng tôi hoan nghênh VFF đã có một cuộc “đại cách mạng” khi bán vé qua mạng. Dĩ nhiên cái gì khởi đầu cũng chưa thể suôn sẻ ngay được. Vẫn có trục trặc, vẫn có kêu ca. Nhưng nhìn chung là tương đối ổn.

Trước hết, dân phe vé hầu như không còn cửa “lộng hành” như trước. Với kiểu bán vé truyền thống – xếp hàng – chen lấn – cãi vã, dân phe luôn thắng thế vì họ dùng mọi cách để “đàn áp” những khán giả hiền lành khác. Trước cửa sân Mỹ Đình, cảnh dân phe cầm cả tập vé đứng chào mời khách gây nhức mắt.

Nhưng giờ gió đã đổi chiều. Vì rất ít dân phe biết cách đặt vé qua mạng nên họ lại phải dùng chiêu thức khác là bám riết lấy người đến nhận vé rồi trả giá. Chiến thuật “ruồi bâu” có khi có tác dụng nhưng lắm lúc mất hiệu quả.

Không nhiều dân phe tụ tập.

Trước đây, dân phe hay cập cả xấp vé đứng "phe phẩy" nhưng giờ họ không có nhiều để buôn.
Anh T và đồng nghiệp.


Chiều 3/12, khi chúng tôi quay trở lại trụ sở VFF thì chợ đen gần như đã vãn. Nếu buổi sáng lực lượng phe vé khá hùng hậu thì buổi chiều chỉ còn lác đác vài người. Anh T than thở: “Hai hôm trước, người bán lại vé còn nhiều một chút nhưng sau khi Việt Nam thắng trên sân khách, dân phe như tôi chết sặc tiết vì mọi người vẫn muốn ra sân xem. Chị có vé không, để lại cho tôi? Giá 200.000 khán đài C,D tôi mua 2 triệu, không mặc cả”.

“Thế nếu anh có, anh bán bao nhiêu?”. “Chả giấu gì chị, tôi sẽ nói giá khoảng 2 triệu rưỡi. Nhưng chắc chỉ bán được 2 triệu 2. Lãi ít lắm. Thất thu nặng”. “Thế vé 500.000 đồng, các anh bán bao nhiêu?”. “Cũng không có nhiều. Chỉ có vài cặp thôi. Nếu muốn, tôi có thể để rẻ cho chị 4 triệu đồng”.

Phạt 20 triệu đồng cho một bưu phẩm vé bị mất

Ngoài việc trả vé trực tiếp cho khách hàng đặt vé qua mạng, VFF đã ký hợp đồng với Việt Nam Post để trả vé qua bưu điện (chuyển phát nhanh). Trả lời thắc mắc của phóng viên về việc liệu có lo ngại vé bị tuồn ra ngoài không, ông Lê Hoài Anh – Tổng thư ký VFF khẳng định: “Đối tác bưu điện rất chu đáo và tận tâm.

Hơn nữa, trong hợp đồng đã ghi rõ, mỗi bưu phẩm bị thất lạc sẽ bị phạt 20 triệu đồng – mức tối đa theo quy định của Luật bưu chính viễn thông. Chúng tôi biết, số vé được bán sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu của khán giả nhưng phương thức bán vé online có thể sẽ là cuộc “cách mạng” của VFF”.

Nếu đội tuyển Việt Nam vào chung kết, khán giả đặt vé qua mạng có thể được chọn số ghế và được nhận vé in điện tử tương tự việc đặt vé máy bay không? Câu hỏi này được ông Lê Hoài Anh giải đáp: "BTC mất rất nhiều thời gian và công sức để so sánh, đối chiếu để tìm ra hàng ghế chính xác theo đơn đặt của khán giả.

Việc để khán giả đặt chính xác số ghế ngồi chỉ phù hợp với những sự kiện nhỏ dưới 500 chỗ ngồi mà thôi. Chúng tôi biết hiện nay nhiều nước trên thế giới đã áp dụng in vé điện tử (vé trận đấu) giống mua vé máy bay.

Tuy nhiên, việc này còn liên quan tới kiểm soát của cơ quan thuế. Chúng tôi cần cơ chế mới có thể triển khai. Dù ban tổ chức rất muốn áp dụng cách tiên tiến như quốc tế đang làm nhưng chưa thể và vẫn phải chấp nhận kết hợp giữa áp dụng công nghệ và cách thức kiểm soát cũ".

Cũng theo ông Hoài Anh, đối tác về công nghệ là công ty Z.Com rất nổi tiếng của Nhật Bản: “Họ có thể nâng lượng truy cập lên 150.000 người một lúc nhưng như vậy vé sẽ được bán hết ngay trong vòng một nốt nhạc vì vậy buộc chúng tôi phải điều tiết". 


Theo Thanh niên/Phapluatplus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

'Ván bài lật ngửa' tại MBLand

Hai cổ đông mới, một cá nhân và một pháp nhân đã hoàn tất sở hữu tổng cộng 96,43% vốn của MBLand. Dù vậy, có nhiều chỉ dấu cho thấy họ không phải những nhà đầu tư thực sự đứng sau thương vụ thâu tóm đình đám này.