Giảm 50% phí trước bạ ô tô: Khẩn trương hiếm có

01/07/2020 14:37

Kinhte&Xahoi Trong một động thái khẩn trương hiếm có, Chính phủ đã ban hành Nghị định 70/2020/NĐ-CP nhằm giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước được giảm 50% lệ phí trước bạ

Nói là “khẩn trương hiếm có” vì văn bản pháp luật này được rút gọn và được các bộ ngành liên quan thực hiện trong thời gian ngắn kỷ lục, mất 23 ngày kể từ khi công bố dự thảo đến khi được phê duyệt.

Theo tính toán sơ bộ, việc giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước giúp người tiêu dùng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước tiết kiệm khoảng 15 - 300 triệu đồng tùy mẫu xe so với trước đây.

Người ta băn khoăn, liệu nghị định này có tạo ra phân biệt đối xử và ảnh hưởng đến những cam kết quốc tế trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết?

Về điểm này, Bộ Tài chính, cơ quan chủ trì cho biết, dự thảo đã được gửi Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương để đánh giá tính tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đã thẩm định dự thảo này. Bộ Tài chính đã nhận được 47 ý kiến tham gia, góp ý và về cơ bản, các ý kiến đều nhất trí với sự cần thiết và nội dung của dự thảo nghị định (40/47 ý kiến nhất trí hoàn toàn).

Như vậy, chính sách này đã được đồng thuận tập thể của các bộ ngành.

Nhưng câu chuyện này không đơn giản như tính toán. Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), trong cuốn "Sách Trắng 2020" về các vấn đề kinh tế Việt Nam được công bố ngày 30/6, đề nghị Việt Nam áp dụng giảm 50% lệ phí trước bạ cho tất cả doanh nghiệp nhập khẩu, lắp ráp và phân phối ô tô mới thay vì chỉ cho xe lắp ráp trong nước. Bên cạnh đó, EuroCham khuyến nghị giảm 50% thuế giá trị gia tăng.

Kiến nghị này của Eurocham cho dù được tiếp thu hay không, tiếp thu đến đâu còn cần phải thêm thời gian, nhưng ít nhất Nghị định 70 kể trên có tác dụng ngay cho người tiêu dùng cũng như ngành sản xuất ô tô, xe máy trong nước.

Cho dù ngân sách sẽ hụt thu khoảng 3.700 tỷ đồng trong nửa cuối năm nay do thực hiện chính sách này, theo tính toán của Bộ Tài chính, nhưng đó là cần thiết để nuôi dưỡng nguồn thu.

Tất nhiên, quyết định đó đã đủ hay chưa, và liệu còn dư địa cho những khoản miễn, giảm nữa để kích thích sức mua của dân chúng và hỗ trợ thêm cho doanh nghiệp đang gặp đại nạn vẫn còn là điều đáng bàn thêm.

Doanh nghiệp ô tô đang gặp khó

Nhưng trước hết, phải thấy rằng các doanh nghiệp ô tô của Việt Nam đang gặp khó khăn rất lớn. Theo Tổng cục Thống kê, trong nửa đầu năm nay, do tác động tiêu cực của dịch Covid-19, ngành ô tô đã giảm tới 26,6% so cùng kỳ năm trước trong khi tồn kho xe có động cơ tăng 129,6%. Đây là những số liệu rất đáng lo ngại.

Theo VAMA, trong khi sản lượng của xe lắp ráp trong nước đạt 11.095 xe, tăng 50% trong tháng Năm so với tháng Tư thì số lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc là 7.986 xe, tăng 83% so với tháng Tư. Tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường tính đến hết tháng 5/2020 giảm 34% so với cùng kì năm ngoái.

Hiện tại, tổng công suất sản xuất, lắp ráp ô tô dưới 9 chỗ ngồi của các doanh nghiệp đang hoạt động ở Việt Nam vào khoảng 500.000 xe/năm và dự kiến, chỉ khoảng 150.000 xe được lắp ráp trong năm nay. Dự kiến, công suất sản xuất sẽ khó mà mở rộng trong năm tới.

Những số liệu trên cho thấy, các doanh nghiệp sản xuất ô tô trong nước đang gặp khó khăn trong hiện tại và tương lai như thế nào.

Trong khi đó, làn sóng ô tô nhập khẩu từ các quốc gia trong khu vực như Thái Lan và Indonesia sẽ đổ vào Việt Nam là nhãn tiền. Trong bối cảnh các rào cản kỹ thuật gần như không còn nữa, thuế nhập khẩu về 0 và lượng tồn kho ở các quốc gia này là rất lớn thì làn sóng đó không phải chuyện cho vui. Xe nhập khẩu chỉ cần giảm giá vài trăm đô la, hay ngàn đô la – điều hoàn toàn có thể xảy ra – thì cả thị trường sẽ xoay trục về đó. Ngành sản xuất ô tô non trẻ của Việt Nam, thuộc sở hữu của người Việt Nam không còn cơ hội, hoặc ít cơ hội hơn so với xe nhập khẩu ở thị trường này.

Đương nhiên, việc điều chỉnh giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ giúp kích cầu tiêu dùng xe sản xuất, lắp ráp trong nước, hỗ trợ các nhà phân phối tiêu thụ được lượng xe tồn kho kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, bù đắp chi phí, tổn thất do dịch bệnh, góp phần giúp ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước sớm vượt qua khủng hoảng.

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, người ta sẽ đặt câu hỏi: Liệu Việt Nam còn cơ hội xây dựng ngành ô tô trong nước hay không?

Câu trả lời sẽ rất dài, nhưng nếu không xây được ngành công nghiệp ô tô thì cái giá phải trả là vô cùng lớn. Nếu không thể duy trì ngành sản xuất, lắp ráp ô tô nội địa sẽ dẫn đến thâm hụt ngân sách lớn, bởi ngành công nghiệp ô tô mỗi năm đang đóng góp hàng tỷ đô la vào ngân sách nhà nước, tác động đến ngành công nghiệp hỗ trợ, ảnh hưởng việc làm của hàng trăm ngàn lao động.

Nếu không có ngành công nghiệp ô tô, doanh nghiệp nào sẽ sản xuất máy trợ thở chống Covid-19? Chẳng lẽ lúc nào cũng phải mang khí tài ra nước ngoài bảo dưỡng, sửa chữa?

Nghị định 70 chỉ là một trong hàng loạt các chính sách của Chính phủ nhằm cấp cứu cho nền kinh tế hậu Covid-19, nhưng lại là văn bản được soạn thảo và thực thi trong thời gian ngắn nhất vì lợi ích của người tiêu dùng và các doanh nghiệp ô tô trong nước. Mong sao các chính sách "cấp cứu" khác cũng nhanh và hiệu lực như thế.

 Tư Giang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Theo VietNamNet/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/xe-plus/giam-50-phi-truoc-ba-o-to-khan-truong-hiem-co-d128391.html