Giám sát chặt việc bán bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới

22/05/2020 22:04

Kinhte&Xahoi Bộ Tài chính sẽ giám sát, theo dõi, cập nhật tình hình triển khai bán bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới để kịp thời có các công văn hướng dẫn, chỉ đạo các doanh nghiệp bảo hiểm.

Công an tỉnh Thái Nguyên thực hiện tuần tra kiểm soát điều kiện hoạt động của các phương tiện giao thông. (Ảnh: TTXVN)

Ngày 22/5, trao đổi với báo chí, ông Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), cho biết Bộ sẽ giám sát, theo dõi, cập nhật tình hình triển khai bán bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới để kịp thời có các công văn hướng dẫn, chỉ đạo các doanh nghiệp bảo hiểm.

Bộ sẽ phối hợp với Bộ Công an, Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, Ủy ban Quốc gia về an toàn giao thông và các cơ quan báo chí thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra tình hình triển khai bán bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới; kịp thời phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính các doanh nghiệp bảo hiểm vi phạm quy định.

Ông Phùng Ngọc Khánh cho biết việc tuyên truyền của các doanh nghiệp bảo hiểm còn hạn chế khiến người dân chưa nắm rõ được chính sách, ý nghĩa của chính sách bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự xe cơ giới để chủ động và tích cực tham gia.

Bên cạnh đó, việc mở rộng mạng lưới phân phối, đa dạng hình thức cung cấp dịch vụ, đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng dịch vụ bảo hiểm cũng như trình độ, kỹ năng tư vấn của đội ngũ cán bộ khai thác bảo hiểm, chăm sóc khác hàng, đội ngũ đại lý bảo hiểm… là các vấn đề mà cơ quan quản lý cũng như các doanh nghiệp bảo hiểm phải chú trọng. Từ đó, bảo vệ tài chính cho các nạn nhân từ các vụ tai nạn giao thông đường bộ, ngay cả khi không xác định được xe gây tai nạn, xe không tham gia bảo hiểm hoặc tai nạn không thuộc phạm vi bảo hiểm.

Để giải quyết cơ bản và căn cơ vấn đề này, ông Phùng Ngọc Khánh cho biết Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các doanh nghiệp bảo hiểm xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 103/2008/NĐ-CP của Chính phủ về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Điều này nhằm hoàn thiện chế độ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới theo hướng ứng dụng thương mại điện tử trong việc bán bảo hiểm, cấp giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử.

Các đơn vị chức năng cũng tạo điều kiện cho doanh nghiệp bảo hiểm chủ động thiết kế, xây dựng mẫu giấy chứng nhận bảo hiểm, nhưng vẫn đảm bảo công tác kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện chế độ bảo hiểm bắt buộc. Bên cạnh đó, mức phí bảo hiểm cũng phải tương ứng với rủi ro của xe cơ giới, chủ xe và người lái xe; tăng mức trách nhiệm bảo hiểm cơ bản đảm bảo chi phí thực tế về giá dịch vụ khám, điều trị, chăm sóc y tế và chi phí khắc phục thiệt hại đối với tài sản.

Đặc biệt, quy định linh hoạt thời hạn bảo hiểm theo hướng tối thiểu là một năm và tối đa là ba năm đối với xe máy và tối thiểu là một năm và tối đa tương ứng với thời hạn kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe ôtô; mở rộng phạm vi và rút ngắn thời gian tạm ứng bồi thường nhằm kịp thời đảm bảo nạn nhân và gia đình có nguồn kinh phí điều trị y tế.

Ông Phùng Ngọc Khánh cho biết cần cụ thể hóa hồ sơ bồi thường bảo hiểm theo hướng đơn giản hóa, tăng trách nhiệm và tính chủ động của doanh nghiệp bảo hiểm, nhưng vẫn đảm bảo phòng, chống gian lận bảo hiểm.

Dự kiến trong tháng 5/2020, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến đối với dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 103/2008/NĐ-CP của Chính phủ về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

Ông Phùng Ngọc Khánh cho rằng sau 10 năm thực hiện Nghị định số 103/2008/NĐ-CP, số lượt xe cơ giới tham gia loại hình bảo hiểm này lên đến hơn 110 triệu lượt; trong đó số lượt xe máy khoảng 93,5 triệu lượt. Ngành bảo hiểm đã bồi thường cho 593.658 vụ tai nạn giao thông, trung bình 9 triệu đồng/vụ; trong đó, có 101.214 vụ tai nạn xe máy, trung bình 5 triệu đồng/vụ.

Bên cạnh đó, thực hiện Nghị định số 103/2008/NĐ-CP, Quỹ bảo hiểm xe cơ giới đã hỗ trợ nhân đạo cho các nạn nhân tai nạn giao thông không thuộc diện đối tượng được bồi thường bảo hiểm; chi 21,6 tỷ đồng phục vụ tuyên truyền, giáo dục nhận thức của chủ xe và cộng đồng về an toàn giao thông với nhiều hình thức đa dạng, phong phú.

Ngoài ra, Quỹ bảo hiểm xe cơ giới cũng hỗ trợ xây dựng các công trình phòng tránh, hạn chế tổn thất như hệ thống biển báo giao thông, đường tránh, công trình hộ lan, với tổng số tiền trên 90 tỷ đồng.

Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho rằng, vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc cả về chính sách và công tác tổ chức, triển khai thực hiện như tỷ lệ tham gia bảo hiểm của xe máy chỉ đạt khoảng 30% trong tổng số gần 60 triệu xe máy. Trong khi đó, tỷ lệ tham gia đối với xe ôtô lên đến 90% trong tổng số trên 3 triệu xe ôtô. Một số quy định hiện hành về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới không còn phù hợp, đồng bộ với hệ thống văn bản pháp luật có liên quan.

“Mức trách nhiệm bảo hiểm theo quy định hiện hành chưa theo kịp với biến động ngày càng tăng về giá dịch vụ khám, điều trị, chăm sóc y tế và chi phí sửa chữa, thay thế tài sản bị thiệt hại trong các vụ tai nạn do xe cơ giới gây ra," ông Phùng Ngọc Khánh cho biết./.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hàng trăm tỷ đồng bị rút ruột tại chuỗi nhà hàng Món Huế?

Không biết vô tình hay cố ý, thời gian giữ vai trò Chủ tịch Công ty TNHH Nhà hàng Món Huế (gọi tắt là Cty Món Huế), ông Huy Nhật đã để cấp dưới tự ý ký hàng loạt hợp đồng, ủy nhiệm chi trái thẩm quyền với số tiền gần 1.000 tỷ đồng trong vòng chưa đầy 24 tháng.

Theo TTXVN/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/giam-sat-chat-viec-ban-bao-hiem-trach-nhiem-dan-su-cua-chu-xe-co-gioi-d125178.html