Giao đất không qua đấu giá: “Sơ hở” chính sách gây thất thoát ngân sách Nhà nước

29/07/2021 07:40

Kinhte&Xahoi Đây là một trong nhiều tồn tại mà Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra sau khi thanh tra một số dự án bất động sản trên địa bàn TP Hà Nội.

Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã ban hành kết luận thanh tra một số dự án đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn vay; việc chuyển đổi, chuyển nhượng nhà đất của cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước, nhà đất có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại Hà Nội trong giai đoạn 2003-2016.

Kết quả kiểm tra cho thấy sai phạm về việc thực hiện nghĩa vụ tài chính từ đất liên quan các dự án chuyển mục đích sử dụng đất trong giai đoạn trên là gần 4.000 tỷ đồng.

 Dự án 167 Thụy Khuê hay tên thương mại là Five Star West Lake, đây là công trình tâm huyết của chủ đầu tư Công ty Cổ phần Quan hệ Quốc tế Đầu tư Sản xuất (Tập đoàn GFS). Ảnh chụp năm 2020.

Sơ hở của chính sách

Theo thanh tra Chính phủ, năm 2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định yêu cầu các doanh nghiệp có quyền sử dụng đất cũ phải di dời được phép hợp tác đầu tư với nhà đầu tư khác để thực hiện dự án.

Tuy nhiên, UBND TP Hà Nội không có văn bản hướng dẫn và quy định cụ thể. Việc này khiến các doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước khi đưa vị trí đất vào hợp tác liên doanh thành lập pháp nhân mới làm chủ đầu tư để chuyển mục đích sử dụng đất đã xác định giá trị lợi thế thương mại chưa sát với thị trường.

Kết quả thanh tra xác định một số doanh nghiệp khi lựa chọn nhà đầu tư đưa lợi thế đất để đấu giá đã thu về cho Nhà nước số tiền lớn như: Dự án 31 Láng Hạ (514,9 tỷ đồng), dự án phát triển nhà Phong Phú - Deawon - Thủ Đức tại 378 Minh Khai (312,9 tỷ đồng).

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp khác không tổ chức đấu giá lựa chọn nhà đầu tư, tự thỏa thuận theo hình thức hỗ trợ nên thu về số tiền thấp như: Dự án số 1 Phùng Chí Kiên, dự án tại 365A Minh Khai, dự án 167 Thụy Khuê, dự án 69 Vũ Trọng Phụng, dự án Công ty cổ phần Dệt Mùa Đông tại 47 Nguyễn Tuân, dự án Công ty cổ phần Dụng cụ số 1 tại 108 Nguyễn Trãi, dự án 44 Yên Phụ, dự án 430 Cầu Am..

Việc pháp luật không có quy định xác định lợi thế thương mại đối với giá trị quyền sử dụng đất cũng như việc đầu giá khi lựa chọn nhà đầu tư liên doanh, liên kết để chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện dự án, đây là một trong những sơ hở chíh sách gây thất thoát ngân sách Nhà nước trong quá trình chuyển mục đích sử dụng đất và thực hiện dự án đất ở những vị trí đặc địa.

Tại dự án Khu nhà ở - dịch vụ - thương mại Golden Palace tại lô đất C3 trong khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính, quận Cầu Giấy, khu đất sạch đã có hạ tầng được xây dựng bằng ngân sách Nhà nước, nhưng năm 2009, UBND Hà Nội thu hồi và giao cho chủ đầu tư thực hiện dự án không qua hình thức đấu giá. Điều này vi phạm khoản 1, điều 58 Luật Đất đai 2003 và vi phạm Quyết định số 216/2005 của Thủ tướng.

Trách nhiệm của một trong các sai phạm trên thuộc về Bộ Xây dựng, UBND Hà Nội, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính cùng Sở Tài nguyên và Môi trường.

Được biết, các vị lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài Chính, Sở Tài nguyên Môi trường có người đã nghỉ hưu, có người đã chuyển công tác. 

TP Hà Nội giao đất cho doanh nghiệp xây dựng dự án Golden Palace tại lô đất C3 trong khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính, quận Cầu Giấy không qua đấu giá. Ảnh Chí Kiên

Quy hoạch đô thị... vỡ tan!

Cũng theo văn bản của Thanh tra Chính phủ, năm 1998 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 108/1998/QĐ-TTG phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020.

Đến năm 2011, Thủ tướng Chính phủ có quyết định số 1259/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Sau khi Quy hoạch chung được phê duyệt, UBND Thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai tổ chức lập 68 đồ án bao gồm, 35 đồ án quy hoạch phân khu và 33 đồ án quy hoạch chung.

Tuy nhiên, việc triển khai đồ án quy hoạch khu quá chậm; Việc chậm phê duyệt quy hoạch làm ảnh hưởng đến công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị, phá vỡ quy hoạch, gây quá tải cho mạng lưới giao thông và hạ tầng ở một số khu đô thị.

Gánh nặng hạ tầng giao thông đã khiến người dân Thủ đô chán nản mỗi khi đi làm về vào giờ cao điểm. Ảnh Hiếu Công - Việt Linh.

Cũng theo cơ quan thanh tra, Sở Quy hoạch - Kiến trúc chấp thuận phương án kiến trúc không tuân thủ pháp luật. Còn Sở Xây dựng cấp phép xây dựng theo phương án kiến trúc cho 10 dự án có thêm các tầng kỹ thuật không đúng với quy hoạch đã được duyệt.

"Một số chủ đầu tư không sử dụng dự án vào công năng kỹ thuật, chủ yếu xây dựng để sử dụng vào mục đích kinh doanh làm văn phòng, dịch vụ thương mại và cho thuê nhưng chưa được UBND Hà Nội xác định giá thu tiền sử dụng đất, gây thất thu ngân sách Nhà nước", kết luận thanh tra nêu rõ.

Không chỉ vậy, 2 cơ quan kể trên còn chấp thuận quy hoạch tổng mặt bằng, phương án kiến trúc và cấp phép xây dựng cho chủ đầu tư 11 dự án xây dựng công trình tầng hầm vượt chỉ giới xây dựng, có dự án trùng với chỉ giới đường đỏ.

Dự án chung cư Aqua Centra tại 44 đường Yên Phụ, do Công ty CP Tháp nước Hà Nội làm chủ đầu tư xây dựng tầng hầm vượt chỉ giới xây dựng, Thanh tra Chính phủ nêu rõ. 

Đáng chú ý, Sở Quy hoạch kiển trúc chấp thuận điều chỉnh tổng mặt bằng và phương án kiến trúc đối với Dự án Phát triển nhà Phong Phú - Deawon - Thủ Đức tại 378 Minh Khai, không phù hợp với Quy hoạch phân khu H2-4 tỷ lệ 1/2000, làm giảm diện tích đất cây xanh khu đấu E1-CX1 từ 7.600m2 xuống còn 2.573,7m2. Đây là dự án nhóm A, công trình cấp I, nhưng UBND quận Hai Bà Trưng cấp giấy phép xây dựng không đúng thẩm quyền.

Toàn cảnh dự án Dự án Green Pearl 378 Minh Khai. Ảnh chụp năm 2020.

Kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân qua các thời kỳ 

Xử lý về trách nhiệm, Thanh tra Chính phủ kiến nghị UBND thành phố Hà Nội tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân qua các thời kỳ trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, tham mưu, đề xuất, thiếu kiểm tra, đôn đốc, chậm phát hiện, xử lý các sai phạm trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước, để xảy ra một số tồn tại, thiếu sót, vi phạm trong công tác quản lý đầu tư xây dựng và quản lý sử dụng đất như đã nêu trong kết luận thanh tra. 

Căn cứ vào kết quả kiểm điểm, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội có biện pháp xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý đối với những tập thể, cá nhân thực hiện không đúng các quy định của pháp luật trong lĩnh vực quản lý đầu tư xây dựng và quản lý sử dụng đất được nêu trong kết luận thanh tra này./.

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.

 Chí Kiên - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hiệu quả “3 tại chỗ” giữa đại dịch Covid-19

Là một trong những tỉnh có số lượng khu công nghiệp lớn nhất cả nước, Đồng Nai đang đứng trước tình hình dịch bệnh ngày càng khó kiểm soát, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đã chủ động vận hành mô hình “3 tại chỗ”, bố trí cho công nhân ăn, ở và làm việc tại nhà máy để đảm bảo mục tiêu kép vừa duy trì sản xuất, lại an toàn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/bat-dong-san/giao-dat-khong-qua-dau-gia-so-ho-chinh-sach-gay-that-thoat-ngan-sach-nha-nuoc-d161865.html