Giáo hội Phật giáo Việt Nam kiến nghị Nhà nước không quản lý thu chi “tiền công đức”

20/06/2021 08:39

Kinhte&Xahoi Theo văn bản góp ý của Thượng tọa Thích Đức Thiện, đề nghị huỷ bỏ quy định quản lý tiền công đức trong Dự thảo Thông tư về quản lý thu, chi tiền công đức.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng, Bộ Tài chính cần phân định rõ ràng, minh bạch “tiền công đức cho cơ sở tôn giáo, nhà tu hành” hoàn toàn khác với “tiền tài trợ cho di tích, hoạt động lễ hội”. Ảnh minh họa.

Thượng tọa Thích Đức Thiện - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam có văn bản góp ý Dự thảo Thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội.

Văn bản được gửi tới Ban Dân vận Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Văn hóa - thể thao & du lịch.

Theo đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam góp ý các quy định của Dự thảo Thông tư về quản lý thu chi “tiền công đức” không bảo đảm tính chính xác, phổ thông, rõ ràng và dễ hiểu của ngôn ngữ văn bản pháp luật; Không bảo đảm sự bình đẳng giữa các tôn giáo trước pháp luật; Không bảo đảm quyền sở hữu riêng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và nhà tu hành là thành viên Giáo hội theo quy định của Hiến pháp và pháp luật hiện hành.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, các cơ sở tôn giáo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đồng thời là di tích và có hoạt động lễ hội thì có ba nguồn thu độc lập với ba chủ thể quản lý khác nhau:

Một là tiền, tài sản công đức cho cơ sở tôn giáo, nhà tu hành để hoạt động tôn giáo, xây dựng cơ sở vật chất và nuôi dưỡng, bảo đảm sinh hoạt cho nhà tu hành thì thuộc quyền quản lý của Trụ trì;

Hai là tiền, tài sản tài trợ cho việc bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị của di tích thì thuộc quyền quản lý của Ban Quản lý di tích.

Ba là tiền, tài sản tài trợ cho hoạt động lễ hội thì thuộc quyền quản lý của Ban tổ chức lễ hội.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho rằng, các quy định của Dự thảo Thông tư về quản lý thu chi “tiền công đức, tài trợ cho di tích, hoạt động lễ hội” là những quy định rất mập mờ, đánh đồng giữa hai loại tiền có tính chất tâm linh (tiền công đức) và tính chất thế tục (tiền tài trợ), dẫn đến hậu quả khi Thông tư có hiệu lực pháp luật thì toàn bộ “tiền công đức” cho cơ sở tôn giáo đồng thời là di tích và toàn bộ “tiền công đức” cho cơ sở tôn giáo có hoạt động lễ hội đều do Nhà nước trực tiếp quản lý và định đoạt.

Vì vậy, Bộ Tài chính cần phân định rõ ràng, minh bạch “tiền công đức cho cơ sở tôn giáo, nhà tu hành” hoàn toàn khác với “tiền tài trợ cho di tích, hoạt động lễ hội”.

Theo Giáo hội, việc quy định mập mờ của Dự thảo Thông tư về quản lý thu chi “tiền công đức ” là không hợp hiến, không hợp pháp, không phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc, không tôn trọng niềm tin, giáo lý và lễ nghi tôn giáo, không bảo đảm quyền sở hữu riêng của tổ chức tôn giáo và nhà tu hành, không bảo đảm sự bình đẳng của các tôn giáo trước pháp luật và không khả thi trong thực tiễn.

Ngooài ra, Dự thảo Thông tư dễ gây hiểu lầm về chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật về tôn giáo tại Việt Nam.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam kiến nghị Bộ Tài chính, hoàn thiện Dự thảo Thông tư theo hướng: Hủy bỏ toàn bộ các quy định về quản lý thu chi “tiền công đức” hoặc bổ sung quy phạm định nghĩa “tiền công đức” và xác định rõ: Nhà nước không quản lý thu chi “tiền công đức ” được cúng dường (tặng cho) tổ chức, cơ sở tôn giáo, nhà tu hành.

Trường hợp Dự thảo Thông tư tiếp tục quy định mập mờ về quản lý thu chi “tiền công đức”, Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ xem xét thay thế thuật ngữ “tiền công đức” bằng thuật ngữ “tiền cúng dường Tam Bảo” trong các văn bản và hoạt động tôn giáo của Giáo hội để tự bảo vệ quyền sở hữu hợp pháp của Giáo hội và nhà tu hành là thành viên Giáo hội. Đồng thời, thông báo rộng rãi cho tín đồ Phật tử về thay đổi này để bảo đảm không bị nhầm lẫn khi cúng dường Tam Bảo và tài trợ cho di tích, hoạt động lễ hội.

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.

Tâm Lê - Nhã Vân - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Báo chí - doanh nghiệp: Mối quan hệ win - win

Mối quan hệ báo chí - doanh nghiệp (DN) là mối quan hệ tương hỗ - “win - win” để cùng phát triển. Mối quan hệ này ngày càng phát triển mạnh mẽ và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của đất nước, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam và thế giới đang căng mình chống dịch bệnh Covid-19 như hiện nay.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/ton-giao--dan-toc/giao-hoi-phat-giao-viet-nam-kien-nghi-nha-nuoc-khong-quan-ly-thu-chi-tien-cong-duc-d158637.html