Giới trẻ đang "chìm mình" trong khói thuốc lá

09/04/2021 14:56

Kinhte&Xahoi Khi việc sử dụng, mua, bán thuốc lá thiếu sự kiểm soát, tình trạng học sinh hút thuốc lá diễn ra ngày càng phổ biến, khiến nhiều người không khỏi lo ngại về vấn đề hành vi, sức khỏe của con em mình.

Vô tư hút thuốc như chốn không người

Vào một ngày đầu tháng 3, khi đang ngồi tại một quán cà phê có tên T.D tại đường Phan Trung, TP Biên Hòa, chúng tôi bắt gặp một nhóm 3 em học sinh nữ trạc tuổi 13, 14 đang ngồi chơi ở bàn kế bên. Trong nhóm nữ sinh đó, một cô bé lấy ra chiếc máy nhỏ cỡ bàn tay, sau đó lắp đặt một số phần nhỏ rồi đưa lên miệng hút, rồi nhả làn khói nghi ngút.

Các em học sinh nữ vô tư hút thuốc tại 1 quán nước.

Hay như trong một quán trò chơi điện tử  trên đường Trương Định, TP Biên Hòa, mấy em trai mặt còn non nớt nhưng chuyền nhau hít hà điếu thuốc lá điện tử (hay còn được gọi là vape) khiến căn phòng ngập tràn trong làn khói với mùi thơm nồng gay mũi.

Một nhóm các cháu nhỏ vô tư hút thuốc trong một quán trò chơi điện tử.

Hoặc như cô bé kia vừa bước chân ra khỏi trường, gặp người bạn đang dựng xe máy chờ trước cổng, điều đầu tiên là họ trao cho nhau những điếu thuốc lá và ngay lập tức cô bé ấy rút bật lửa, châm thuốc hút ngay trước cổng trường.

Một em học sinh nữ hút thuốc ngay trước cổng trường.

Nhiều bậc phụ huynh vẫn lầm tưởng rằng, việc học sinh hút thuốc chỉ là những trường hợp cá biệt, là nam sinh, hoặc ít ra cũng phải từ 15-16 tuổi trở lên. Nhưng khi tận mắt thấy những hình ảnh, đoạn phim nữ sinh hoặc nhóm các em còn bé tập tành chia nhau hút thuốc, ai cũng lắc đầu trầm tư.

Chị Lê Thị Thu Thương (33 tuổi, ngụ phường Tân Tiến, TP Biên Hòa) ngạc nhiên: “Trước kia tôi chỉ nghĩ học sinh hút thuốc thường lét lút như nhà vệ sinh hoặc ở nơi góc khuất nào đó, chứ ở nơi đông người như vậy thì … cạn lời”.

Hay như một vụ phụ huynh có con đang theo học tại một trường cấp 3 trên địa bàn TP Biên Hòa lo ngại: “Nếu việc các em học sinh hút thuốc một cách công khai, thoải mái như vậy thì cần phải xem lại sự quản lý của gia đình, nhà trường và xã hội vì thuốc lá là một chất độc hại, dù thuốc lá truyền thống hay thuốc lá điện tử, nó gây ảnh hưởng rất xấu tới sự phát triển của trẻ em”.

Không có thuốc lá nào là không độc hại

Qua tìm hiểu, hiện nay trên thị trường, ngoài thuốc lá truyền thống (sử dụng nguyên liệu lá thuốc lá) còn có thuốc lá điện tử (là thiết bị chạy bằng pin, trong đó chất lỏng được đốt nóng tạo thành luồng hơi mà người dùng hít vào).

Theo anh Trần Văn Sáng (42 tuổi, ngụ phường Tân Tiến, TP Biên Hòa)  nguyên nhân dẫn tới hành vi hút thuốc lá ở lứa tuổi học sinh xuất phát từ thói quen bắt chước người lớn, một phần là do tính xốc nổi, thích thể hiện ở lứa tuổi mới lớn cho rằng hút thuốc là cách khẳng định bản thân mà không biết hút thuốc rất độc hại và có thể gây nghiện.

Bên cạnh đó, việc mua, bán thuốc lá điện tử được quảng cáo không nicotine, không gây hại tới sức khỏe cũng đang thay làm thay đổi nhận thức của giới trẻ về tác hại của thuốc lá. Hiện nay trên thị trường đang rao bán nhiều loại thuốc lá điện tử khẳng định, thuốc lá độc hại là do có chất nicotine: “Tinh dầu không nicotine được chế tạo dựa trên mùi hương của tinh dầu có nicotine nhưng hoàn toàn không có hóa chất độc hại, gây nghiện. Đó cũng là một trong những thế mạnh của tinh dầu điện tử không nicotine, vừa an toàn không độc hại lại vẫn mang lại cảm giác thoải mái, sảng khoái cho người sử dụng.”

Một bài quảng cáo thuốc lá không độc hại của một shop bán thuốc lá điện tử.

Tuy nhiên, các cơ quan y tế khẳng định, tất cả các loại thuốc lá đều độc hại và bất kỳ sự tiếp xúc nào với khói thuốc lá đều có thể gây tổn hại cho cơ thể. Không có mức độ an toàn khi tiếp xúc với khói thuốc lá, và không có thuốc lá an toàn.

Có luật nhưng thiếu sự quản lý

Theo Luật sư Nguyễn Tiến Hiểu- Đoàn luật sư TP HCM, từ lâu, tác hại của thuốc lá đã được các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam nhìn nhận và đánh giá chi tiết và cụ thể. Năm 2012, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá. Theo đó, Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá và nghị định hướng dẫn đã cụ thể hóa những quy định về các biện pháp giảm nhu cầu sử dụng thuốc lá, biện pháp kiểm soát nguồn cung cấp thuốc lá và điều kiện bảo đảm để phòng, chống tác hại của thuốc lá cụ thể: Điều 9 Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá nghiêm cấm các hành vi trong đó có quy định nghiêm cấm người dưới 18 tuổi sử dụng, mua, bán thuốc lá và Điều 11 Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá quy định những địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn gồm: Cơ sở y tế; Cơ sở giáo dục, trừ các cơ sở quy định tại điểm b khoản 2 Điều này (Trường cao đẳng, đại học, học viện- cấm hút thuốc lá hoàn toàn ở trong nhà); Cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; Cơ sở hoặc khu vực có nguy cơ cháy, nổ cao.

Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Bộ Y Tế quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế mới đây quy định: Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm. Trường hợp hút thuốc lá trên tàu bay thực hiện theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng. Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định xử phạt từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với việc không có chữ hoặc biểu tượng “cấm hút thuốc lá” tại địa điểm cấm hút thuốc lá theo quy định của pháp luật…;

“Hiện nay, thói quen hút thuốc lá của người Việt Nam vẫn còn nhiều và quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá về cơ bản đã chặt chẽ và rõ ràng. Mức chế tài đối với hành vi vi phạm quy định trong việc phòng, chống tác hại của thuốc lá cũng tương đối nghiêm khắc. Tuy nhiên, có thể do thiếu lực lượng giám sát và xử phạt nên vẫn còn rất nhiều trường hợp vi phạm mà chưa được xử lý”, Luật sư Hiểu chia sẻ.

 Khánh Toàn - Đình Thu - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/gioi-tre-dang-chim-minh-trong-khoi-thuoc-la-d152999.html