Giữ đà tăng trưởng xuất khẩu sang Trung Quốc

23/04/2024 08:05

Kinhte&Xahoi Trong bối cảnh nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới gặp khó khăn, gây tác động mạnh mẽ tới hoạt động ngoại thương của Việt Nam, xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn tiếp tục là điểm sáng.

Tuy nhiên, để giữ đà tăng trưởng, các doanh nghiệp trong nước cần tăng cường kết nối giao thương, nâng cao chất lượng hàng hóa bởi đây không còn là thị trường “dễ tính”.

Kiểm tra chất lượng sầu riêng xuất khẩu tại Công ty cổ phần Tập đoàn Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (tỉnh Bến Tre).

Thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam

Theo Bộ Công Thương, kết thúc quý I-2024, hoạt động xuất, nhập khẩu sang thị trường Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, tiếp tục phục hồi tích cực. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang Trung Quốc ước đạt 12,68 tỷ USD, tăng 5,2%, đứng thứ hai sau Mỹ. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc ước đạt 29,4 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước, tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Với vị thế dẫn đầu, năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc đạt xấp xỉ 171,2 tỷ USD, chiếm hơn 25% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước. Trung Quốc luôn giữ vị trí thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam với 14 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch, chiếm 61,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của cả nước.

Ngoài ra, còn có các nhóm ngành hàng đạt kim ngạch xuất khẩu cao như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; thực phẩm chế biến…

Giám đốc Kinh doanh xuất khẩu, Công ty cổ phần Thực phẩm Hữu Nghị Dương Thị Thủy cho biết, sau 16 năm xuất khẩu sang Trung Quốc cho thấy đây luôn là thị trường quan trọng, đóng góp 30% tổng doanh thu của công ty. Năm 2023, dù tình hình thị trường có nhiều khó khăn song xuất khẩu sang thị trường này của Hữu Nghị vẫn tăng 30%. Nhiều sản phẩm chế biến của công ty được các siêu thị, cửa hàng bán lẻ của Trung Quốc đón nhận, hoặc xuất khẩu qua các sàn thương mại điện tử.

Theo đại diện Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh (Trung Quốc) Lương Văn Tài, nền kinh tế Trung Quốc đang có những dấu hiệu phục hồi tích cực, nên nếu hàng hóa Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn sẽ rất thuận lợi để vào thị trường này. Đặc biệt, hợp tác thương mại Việt Nam - Trung Quốc được duy trì ổn định đã thúc đẩy thương mại song phương phát triển tốt đẹp.

Để có thể thâm nhập sâu hơn

Với lợi thế về quy mô thị trường, xu hướng tiêu dùng, vị trí địa lý, Trung Quốc luôn là thị trường trọng điểm của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam. Trong quá trình thực hiện cam kết về Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc, Trung Quốc đã giảm thuế cho hơn 8.000 mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh phí vận tải tàu biển tăng cao, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đã và đang tìm kiếm nguồn cung nhập khẩu tại các khu vực xung quanh. Các sản phẩm được doanh nghiệp Trung Quốc quan tâm nhiều thời gian qua là thực phẩm, bánh kẹo các loại, đồ uống, nước ép đóng chai, thủy sản, nông sản nhiệt đới, trong đó có các sản phẩm nông sản, trái cây chất lượng của Việt Nam.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Trung Quốc không còn là thị trường “dễ tính” như trước, đồng thời cũng là thị trường có tính cạnh tranh cao, nhất là với nông sản, trái cây đến từ Thái Lan, Campuchia... Để tận dụng được các lợi thế sẵn có, các bộ, ngành, địa phương và nhất là các doanh nghiệp cần thay đổi cách tiếp cận, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Theo đó, doanh nghiệp Việt Nam cần tuân thủ nghiêm quy định về chất lượng và truy xuất nguồn gốc các sản phẩm, hàng hóa để có thể thâm nhập sâu hơn vào thị trường lớn này, nhất là các khu vực nhiều tiềm năng ở phía Bắc, Đông Bắc của Trung Quốc. Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) khuyến nghị, cần chủ động trao đổi, kết nối thông tin về nhu cầu thị trường và các quy định, chính sách thương mại của Trung Quốc; tích cực tham dự các hội chợ, triển lãm quốc tế để kết nối trực tiếp, đẩy mạnh hoạt động giao thương, hợp tác kinh tế, thương mại ổn định, lâu dài, hiệu quả.

Theo Giám đốc Kinh doanh xuất khẩu, Công ty cổ phần Thực phẩm Hữu Nghị Dương Thị Thủy, cùng với tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, doanh nghiệp đang đẩy mạnh đầu tư công nghệ để gia tăng sản xuất bánh kẹo có khẩu vị phù hợp với thị trường Trung Quốc cùng sản phẩm hottrend (theo xu hướng) cho giới trẻ nhằm đa dạng thị trường và khách hàng. “Hiện công ty đã có gần 10 đại lý và hướng tới mỗi tỉnh của Trung Quốc sẽ có 1 tổng đại lý. Mục tiêu của chúng tôi năm nay sẽ giữ vững tăng trưởng xuất khẩu trên 130%”, bà Dương Thị Thủy nói.

Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Hoàng Minh Chiến thông tin, Bộ Công Thương đã và đang tổ chức nhiều đoàn doanh nghiệp Việt Nam giao dịch, làm việc tại các địa phương và hội chợ ở Trung Quốc để kết nối giao thương trực tiếp cũng như đón nhiều đoàn địa phương và doanh nghiệp Trung Quốc sang làm việc tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương phối hợp cùng các địa phương biên giới như Lào Cai tổ chức hội chợ thương mại quốc tế để tăng cường giao lưu thương mại giữa hai bên, đẩy mạnh tăng trưởng kim ngạch xuất, nhập...

Lam Giang - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/giu-da-tang-truong-xuat-khau-sang-trung-quoc-664348.html