Hà Giang: Doanh nghiệp thu lợi "khủng" nhưng vẫn nợ người dân hàng tỷ tiền dịch vụ môi trường rừng

14/08/2019 15:16

Kinhte&Xahoi Theo thống kê mới đây, các doanh nghiệp sản xuất điện tại tỉnh Hà Giang đang nợ của người dân hơn 3 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng.

Thực tế người dân tham gia bảo vệ rừng thuộc lưu vực các nhà máy thủy điện đã góp phần điều tiết, cung cấp nước sản xuất điện với sản lượng mỗi năm hàng tỷ KWh, đem lại nguồn lợi lớn cho nhà đầu tư.

Tuy nhiên, các công ty sản xuất điện tại Hà Giang lại nợ của người dân với tổng số tiền 3,084 tỷ đồng dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều hộ dân cung cấp dịch vụ làm giàu cho doanh nghiệp.

Công ty CP Sông Miện 5 - đơn vị đang nợ đọng tiền dịch vụ môi trường rừng của người dân.

Theo báo cáo đến 30/6, có 5 doanh nghiệp sản xuất điện đang nợ tiền DVMTR của người dân. Trong đó có: Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Nho Quế (nợ 1.019.536.632 đồng); Công ty Cổ phần thủy điện Sông Miện 5 (nợ 569.017.440 đồng); Công ty Cổ phần Somoco Hà Giang (nợ 70.107.768 đồng); Công ty TNHH Thanh Bình (nợ 1.305.176.580 đồng) và Công ty TNHH Miền Tây (nợ 117.054.121 đồng).

Trao đổi với phóng viên, ông Đinh Xuân Lượng, Giám Đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Giang) cho biết: “Đơn vị đã yêu cầu các doanh nghiệp nộp tiền nợ đọng, trường hợp cần thiết sẽ xử phạt vi phạm hành chính”.

Quyết định thu phí sử dụng dịch vụ môi trường rừng đối với các tổ chức, cá nhân có sử dụng nguồn lợi từ rừng để chi trả cho các chủ rừng của Chính phủ là tạo nguồn kinh phí hỗ trợ chủ yếu cho đồng bào các dân tộc miền núi, biên giới; Góp phần bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

Tỉnh Hà Giang cần kiên quyết xử lý đối với các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực thủy điện, để chấp hành nghiêm túc nộp phí dịch vụ rừng theo quy định của pháp luật.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Cần cảnh báo sớm cho doanh nghiệp Việt Nam

Báo cáo của Cục Phòng vệ thương mại (PVTM), Bộ Công Thương mới đây cho thấy có 2 vấn đề: xu thế bảo hộ đang gia tăng; tần suất các vụ kiện phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vẫn duy trì ở mức độ cao.

Nguồn: Pháp luật Plus