Hà Nội: Chỉ được mở cửa hàng thiết yếu, thực phẩm, còn lại phải đóng cửa

26/03/2020 11:16

Kinhte&Xahoi Chủ tịch UBND TP đề nghị trừ các cửa hàng thiết yếu như xăng dầu, thuốc, cửa hàng bán thức ăn, còn lại tất cả các cửa hàng dịch vụ đều phải đóng cửa trong vòng 2 tuần.

Chiều 25/3, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 của TP Hà Nội giao ban trực tuyến dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, Trưởng Ban chỉ đạo. Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý.

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nêu tình hình phức tạp trên thế giới với số ca dương tính với Covid -19 tăng nhanh. Nhiều nước đã có những biện pháp mạnh chưa có tiền lệ. Tại Việt Nam đã có 21 tỉnh TP có ca nhiễm Covid -19, nguy cơ lây nhiễm trong nội địa Việt Nam đang cao và đã có những ổ dịch diễn biến phức tạp như quán bar ở TP Hồ Chí Minh, Bình Thuận, bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nội. “Chúng ta đang phải đối phó với nguồn lây nhiễm ở rất nhiều nước” - Chủ tịch UBND TP nêu thêm.

 Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 của TP Hà Nội giao ban trực tuyến chiều 25/3

Chủ tịch UBND TP đánh giá, đến thời điểm này, tại Hà Nội đang có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng, các ổ dịch tiềm tàng đang phát triển và “cửa an toàn” ngày càng hẹp hơn. Bởi trên đường vẫn có nhiều người không đeo khẩu trang, vẫn tụ tập đi lễ, uống cà phê. Vẫn còn hội thảo, có quan bar vẫn hoạt động.

Theo Chủ tịch UBND TP, hiện nay có 4 nguồn lây nhiễm lớn: Thứ nhất, nguồn lây nhiễm chéo từ ổ dịch bệnh viện Bạch Mai. Thứ hai, nguồn lây nhiễm từ khách du lịch và người Việt Nam trở về nước trước 0h ngày 14/3, trước 0h ngày 18/3 và trước 0h ngày 21/3. Thứ ba, nguồn lây nhiễm từ những bệnh nhân đi trong nước nhưng chưa bùng phát. Thứ tư, nguồn lây từ nguồn y tá bác sĩ tham gia vào quy trình khám chữa bệnh và tổ chức cách ly mà hiện nay chưa được phát hiện.

Tại Hà Nội, qua việc tổ chức đồng bộ các biện pháp rà soát công dân Việt Nam và người nước ngoài đến Hà Nội trước ngày 10/3 cho đến 12h trưa ngày 25/3, có 3.042 người nhập cảnh qua sân bay Nội Bài. 

Trong số này, Hà Nội đã lấy mẫu được 2.128, có kết quả 993 trường hợp, và phát hiện có 4 trường hợp dương tính với SARS-Cov-2 (gây dịch bệnh Covid-19).
Nếu tính theo tỉ lệ này số ca dương tính được phát hiện qua rà soát như trên, có nghĩa là chúng ta còn ít nhất từ 8-12 trường hợp dương tính mà chưa kịp phát hiện khi đang chờ kết quả, ngoài ra vẫn còn 1.000 trường hợp nữa chưa lấy mẫu. Còn nếu theo tỉ lệ trung bình trên thế giới cứ 1 người lây nhiễm ra 2,4 người, chỉ tính riêng số người này đã có hơn 20 người dương tính mà đang lang thang trên địa bàn TP.

Chủ tịch UBND TP nêu rõ, việc tụ tập đông người dẫn đến lây lan, rồi tỏa ra các đường lây nhiễm là rất nguy hiểm và đặc biệt cảnh báo về việc ở bệnh viện Bạch Mai rất dễ có thêm nhiều ca lây nhiễm. Chủ tịch UBND TP dẫn chứng đã phát hiện thêm bệnh nhân nằm cạnh bệnh nhân số 133 ghi nhận dương tính. Theo thông tin từ Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, mỗi ngày có khoảng 6.000-8.000 người đến khám chữa bệnh, đến nay đã giảm 50% nhưng vẫn còn nhiều người đến bệnh viện trong thời gian qua. Các đơn vị cần theo dõi kỹ các trường hợp này. Nhất là khi ở đây có nhiều bệnh nhân cao tuổi khám chữa bệnh.

Trong thời gian qua Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư 2 mới điều trị cho 50 người, mà đã có 1 bác sĩ dương tính với Covid-19. Chủ tịch UBND TP cho rằng, nếu theo kịch bản TP có 1.000 người mắc Covid-19, nếu không chuẩn bị tốt sẽ hoàn toàn có thể có hàng chục y tá, bác sĩ bị nhiễm theo tỷ lệ này.

Chỉ rõ ưu điệm là tỷ lệ đeo khẩu trang của người dân ở Việt Nam cao hơn các nước nhưng vẫn đi lại, tụ tập nhiều hơn, không loại trừ sắp tới sẽ có thêm nhiều ca nhiễm trong cộng đồng, Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh: “Dù cánh cửa an toàn còn hẹp nhưng chúng ta vẫn trong thời gian vàng và còn cơ hội, nếu người dân đồng lòng, ở nhà vì chính mình, gia đình và xã hội để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Nếu vẫn cứ tụ tập đông người, vẫn không đeo khẩu trang dịch bệnh sẽ lây lan nhanh trong thời gian ngắn”.

Nhắc lại việc Hà Nội đã tiến hành xét nghiệm số mẫu chiếm 50% cả nước nên số ca dương tính cao là bình thường, Chủ tịch UBND TP khẳng định, TP sẽ tiếp tục xác định việc lấy mẫu xét nghiệm diện rộng là đặc biệt quan trọng và cho biết, TP đang tìm nguồn kít xét nghiệm nhanh để sắp tới sẽ triển khai các bốt xét nghiệm di động để mọi người có thể tự xét nghiệm xác suất trên đường.

TP sẽ chỉ để 20% xe buýt hoạt động, khuyến cáo người dân không sử dụng phương tiện giao thông công cộng trong lúc này. Người dân nên ở nhà, không nên ra ngoài trừ khi phải mua lương thực thực phẩm.

Chủ tịch UBND TP đề nghị trừ các cửa hàng thiết yếu như xăng dầu, thuốc, cửa hàng bán thức ăn, còn lại tất cả các cửa hàng dịch vụ đều phải đóng cửa trong vòng 2 tuần, đến ngày 5/4/2020. Chủ tịch cũng nhắc lại, các doanh nghiệp cam kết đủ các mặt hàng thực phẩm bán ra. 

Đồng thời, đề nghị mọi người khi ra ngoài đi làm đều phải đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn từ 2-3m.

Bên cạnh tất cả bệnh nhân nằm điều trị ở khoa Tim Mạch, Thần kinh, trung tâm nhiệt đới Bệnh viện Bạch Mai thời gian qua sẽ được bệnh viện chủ trì lấy mẫu xét nghiệm, TP sẽ đề nghị xét nghiệm thêm tất cả các nhân viên phục vụ, người vào bệnh viện Bạch Mai trong 10 ngày qua phải tự cách ly tại nhà, TP sẽ lấy mẫu xét nghiệm.

Chủ tịch UBND TP cho biết, TP đã họp và quyết định chuyển 312 trường hợp F1 đưa lên Hòa Lạc để cách ly phòng ngừa. Các bệnh viện của TP chuẩn bị tinh thần tiếp nhận các bệnh nhân dương tính khi Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư tiếp nhận tiếp nhận đủ số bệnh nhân. Chuẩn bị cơ sở vật chất, bác sỹ, y tá sẵn sàng vào bệnh viện công tác, chỉ rời khỏi bệnh viện khi bệnh nhân cuối cùng âm tính và cộng thêm cách ly 14 ngày, phấn đấu, không để người tử vong. Trung tâm CDC của Hà Nội hiện nay xét nghiệm được 2.500 – 3.000 mẫu, thời gian tới nâng lên 5.000 mẫu.

Nhắc lại yêu cầu toàn bộ người thân của những người đang cách ly tập trung không đến gửi quà, Chủ tịch UBND TP phân tích, ngoài việc tiếp xúc sẽ để lại lượng rác thải với nguy cơ trở thành nguồn lây nhiễm. Lực lượng chức năng sẽ không nhận quà và có biện pháp xử lý với các trường hợp cố tình vi phạm.
Như Thủ tướng nói, hai tuần tới là thời gian quyết định có chiến thắng dịch bênh hay không, nếu phong tỏa, hoạn chế được thấp nhất con đường lây lan của Covid-19, cửa an toàn của chúng ta sẽ mở rộng ra.

“Chỉ có sự tham gia của tất cả người dân với tinh thần trách nhiệm bảo vệ bản thân mình, gia đình, người thân và trách nhiệm với cộng đồng, thành phố, đất nước mới ngăn chặn được dịch. Nếu mọi người ra đường không đeo khẩu trang, tụ tập, uống cà phê, lúc đó, tỷ lệ lây lan sẽ rất nhanh”, Chủ tịch nhấn mạnh.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

'Đóng cửa' bầu trời: Hàng không liêu xiêu, bi đát

Trước tác động lây lan của dịch bệnh, hầu hết đường bay quốc tế của các hãng hàng không Việt Nam khai thác đã và sẽ phải tiếp tục tạm dừng. Điều này gây thiệt hại cho các hãng hàng không, doanh nghiệp mặt đất. Tất cả đều liêu xiêu, vì doanh thu, lợi nhuận và đời sống người lao động bị ảnh hưởng nặng nề.

Link bài gốc http://kinhtedothi.vn/ha-noi-chi-duoc-mo-cua-hang-thiet-yeu-thuc-pham-con-lai-phai-dong-cua-378833.html