Hà Nội: Phòng chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu trong tháng 8/2020

31/07/2020 16:12

Kinhte&Xahoi Trong tháng 8/2020, UBND TP Hà Nội yêu cầu các cấp, ngành Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã cần hết sức cố gắng, nỗ lực quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, trong đó, coi công tác phòng chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, bám sát, triển khai thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch trong tình hình mới.

Ngày 31/7, Văn phòng UBND TP Hà Nội phát đi thông cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng tháng 7, nhiệm vụ trọng tâm tháng 8 và các tháng cuối năm 2020.

Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả “nhiệm vụ kép”

Theo đó, ngày 29/7/2020, tại trụ sở HĐND - UBND Thành phố, đồng chí Nguyễn Đức Chung - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố đã chủ trì Hội nghị giao ban kiểm điểm kết quả công tác tháng 7, triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng 8 và các tháng cuối năm 2020 của UBND Thành phố. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới điểm cầu của các sở, ban, ngành, công ty, tổng công ty trực thuộc UBND Thành phố, 30 quận, huyện, thị xã và 579 xã, phường, thị trấn.

 Ngày 29/7/2020, tại trụ sở HĐND - UBND Thành phố, đồng chí Nguyễn Đức Chung - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố đã chủ trì Hội nghị giao ban kiểm điểm kết quả công tác tháng 7, triển khai nhiệm vụ trọng tâm tháng 8 và các tháng cuối năm 2020 của UBND Thành phố

Tập thể UBND Thành phố đánh giá, tháng 7 và 7 tháng năm 2020, các đơn vị của Thành phố đã bám sát và triển khai quyết liệt, toàn diện nội dung chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố về các nhiệm vụ phát triển KT-XH, đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn Thành phố, đặc biệt là thực hiện nghiêm túc, hiệu quả “nhiệm vụ kép” vừa phòng, chống dịch COVID-19 vừa thực hiện các chỉ tiêu KT-XH.

UBND Thành phố đã kịp thời ban hành và chỉ đạo triển khai Kế hoạch số 144/KH-UBND ngày 15/7/2020 về Chương trình hành động tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp kích cầu, phục hồi, phát triển nền kinh tế; đẩy mạnh tiêu dùng nội địa, tiêu thụ hàng hóa, nông sản, thực phẩm của các tỉnh, thành trên địa bàn Thành phố... Kết quả, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh tháng 7 tiếp tục tăng so với tháng 6. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, lũy kế 7 tháng đầu năm còn một số chỉ tiêu tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm 2019.

Thành phố triển khai quyết liệt các giải pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19 trong bối cảnh xuất hiện các ca nhiễm mới trong cộng đồng tại thành phố Đà Nẵng. Chủ tịch UBND Thành phố đã ký ban hành Công điện khẩn số 05/CĐ-UBND ngày 26/7/2020 của UBND Thành phố chỉ đạo các cấp, ngành Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã tập trung ứng phó các diễn biến của dịch bệnh; chủ trì 02 Hội nghị trực tuyến của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Thành phố tới các đơn vị trực thuộc.

Thực hiện Công điện của UBND Thành phố, các sở, ngành, đơn vị đã vào cuộc rất quyết liệt, khẩn trương xác minh, truy vết, sàng lọc đối tượng di chuyển từ thành phố Đà Nẵng về Hà Nội để tiến hành xét nghiệm, chẩn đoán, xác định các trường hợp mắc bệnh.

Nhìn chung, 6 tháng đầu năm 2020, KT-XH Thành phố bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, tháng 7 có khởi sắc song tăng trưởng vẫn hạn chế: một số khoản thu ngân sách từ các doanh nghiệp trung ương, doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp trong nước có dấu hiệu tụt giảm, mới đạt 73% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất, nhập khẩu giảm; các đơn hàng sản xuất chậm lại, nguồn cung nguyên vật liệu bị cản trở, gián đoạn; thị trường du học buộc phải hủy bỏ, ảnh hưởng lớn tới kế hoạch du học của nhiều học sinh cuối cấp THPT, các trường hợp nghiên cứu sinh; hoạt động của chuyên gia nước ngoài tại các công trường xây dựng trên địa bàn gặp nhiều khó khăn.

Phòng chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu

Về nhiệm vụ tháng 8 và các tháng cuối năm 2020, theo thông tin từ Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Việt Nam, tính đến ngày 29/7/2020, thế giới đã ghi nhận 16.893.293 ca mắc với 663.465 trường hợp tử vong tại 215 quốc gia/vùng lãnh thổ. Dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp trên thế giới và Việt Nam với số ca mắc liên tục ghi nhận ngoài cộng đồng trong thời gian ngắn; vi rút SARs-CoV-2 biến chủng khó lường; các ca bệnh mắc và tử vong trong tuần qua tăng cao hơn tuần trước, trong tuần có hơn 1,7 triệu người mắc, gần 43.000 trường hợp tử vong.

Tại Việt Nam, lũy tích đến 12h00 ngày 29/7/2020 có 446 ca mắc COVID-19 tại 36 tỉnh, thành phố, trong đó có 369 trường hợp đã được công bố khỏi bệnh và chưa có trường hợp tử vong. Tuy nhiên, từ ngày 24/7 đến sáng 29/7/2020 cả nước ghi nhận 30 trường hợp mắc mới tại cộng đồng (tập trung tại tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, thành phố Đà Nẵng). Tính đến sáng ngày 30/7/2020, Thành phố ghi nhận 2 ca nhiễm mới.

Về tình hình kinh tế, kinh tế toàn cầu tăng trưởng bấp bênh, tăng trưởng âm kéo dài và có thể giảm sâu hơn nếu dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng đến cuối năm 2020. Về thương mại - dịch vụ, các chuỗi cung ứng nguyên liệu, tiêu thụ hàng hóa bị đứt đoạn, thị trường quốc tế chưa có dấu hiệu hồi phục.

Tháng 8 và các tháng cuối năm 2020 dự báo kinh tế Thành phố sẽ tiếp tục chịu nhiều tác động tiêu cực, đòi hỏi các cấp, ngành Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã cần hết sức cố gắng, nỗ lực quản lý, điều hành.

Trong đó, coi công tác phòng chống dịch COVID-19 là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, bám sát, quán triệt triển khai thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch trong tình hình mới theo nội dung chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thành ủy, UBND Thành phố, tuyệt đối không chủ quan, mất cảnh giác.

Kích hoạt ngay các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trên toàn Thành phố

Tập thể UBND Thành phố thống nhất kích hoạt ngay các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trên toàn Thành phố như giai đoạn 1, giai đoạn 2 đã thực hiện; khởi động lại toàn bộ hoạt động của Ban chỉ đạo công tác phòng dịch các quận, huyện, thị xã và đội phản ứng nhanh tại cơ sở.

Trong đó, giao Sở Y tế (cơ quan thường trực Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Thành phố) chủ trì, chỉ đạo triển khai đồng bộ công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố trong giai đoạn 3 - giai đoạn phức tạp và khó khăn hơn các giai đoạn trước.

Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các trạm y tế, bệnh viện trên địa bàn; các sở, ngành, đơn vị liên quan, UBND các quận, huyện thị xã, đặc biệt là các quận, huyện phát hiện ca mắc mới trên địa bàn khởi động ngay các hoạt động phòng chống dịch COVID-19 quyết liệt, tập trung hơn nữa để kịp thời ứng phó, ngăn chặn hiệu quả các ca mắc mới, không để lây lan rộng trong cộng đồng; chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật lực, phương tiện, trang thiết bị đáp ứng công tác phòng dịch.

 Quang cảnh phiên họp

Giám sát chặt chẽ diễn biến dịch bệnh, lên phương án bố trí lực lượng, cán bộ thường xuyên ứng trực 24/24/7 để kịp thời xử lý các tình huống xảy ra. Các diễn biến mới của dịch bệnh cần xử lý bình tĩnh, kiên quyết với các biện pháp phù hợp. Phương châm hành động là Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn khi nhận thông tin yêu cầu xác minh từ các phường, xã khác thì tự động tiếp nhận, triển khai kịp thời, không báo cáo cấp quận, huyện xong mới thực hiện hoặc các quận, huyện, thị xã tiếp nhận thông tin từ các quận, huyện, thị xã khác thì chỉ đạo triển khai ngay, không cần báo cáo về sở mới thực hiện.

Giao Sở Giáo dục và Đào tạo khởi động lại toàn bộ công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong các nhà trường như trang bị dụng cụ đo thân nhiệt, dung dịch sát khuẩn, đảm bảo vệ sinh môi trường và các trang thiết bị học tập. Khai thác thông tin từ phụ huynh để rà soát tất cả các trường hợp học sinh di chuyển từ thành phố Đà Nẵng, Huế, tỉnh Quảng Nam về Thành phố từ ngày 01/7/2020 đến nay, báo cáo UBND Thành phố.

Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về tình hình, diễn biến dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống dịch và khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác, chủ động và tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như đeo khẩu trang nơi công cộng, trên các phương tiện giao thông công cộng, hạn chế tụ tập đông người khi không cần thiết, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn… thường xuyên cập nhật thông tin và ủng hộ thực hiện tốt các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Thành ủy, UBND Thành phố.Các nội dung công việc cụ thể hơn UBND Thành phố sẽ kết luận chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 chiều ngày 29/7/2020 do Chủ tịch UBND Thành phố-Trưởng Ban Chỉ đạo Thành phố chủ trì.

Đảm bảo các chỉ tiêu phát triển KT-XH

Cùng với đó, tập trung chỉ đạo, điều hành, đảm bảo các chỉ tiêu phát triển KT-XH. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành; mở rộng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Tập trung rà soát, sắp xếp bộ máy quản lý nhà nước các cấp đảm bảo hoạt động tinh gọn, hiệu quả. Nâng cao chất lượng thẩm tra, thẩm định các đề án, dự án, văn bản đảm bảo đúng nguyên tắc, quy trình, thẩm quyền. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Coi trọng, hỗ trợ hiệu quả các thủ tục, hồ sơ cho doanh nghiệp. Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI.

Thực hiện tốt công tác quản lý, điều hành ngân sách, chi ngân sách hiệu quả. Đôn đốc thu nợ thuế, tiền thuê đất; khai thác các khoản thu, nhất là từ đất và đấu giá đất, tiền thuê đất nộp một lần. Cơ cấu cân đối nguồn lực của Thành phố ưu tiên đầu tư phát triển các lĩnh vực trọng tâm, đầu tư phát triển hạ tầng các huyện xa trung tâm, hạ tầng kết nối liên quận/huyện và 5 huyện chuẩn bị phát triển thành quận. Tập trung rà soát công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hoàn thành các hồ sơ, thủ tục đẩy nhanh các dự án, đảm bảo tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của Thành phố năm 2020.

Triển khai có hiệu quả các cam kết của Thành phố sau Hội nghị Hà Nội 2020 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển. Đôn đốc đẩy nhanh tiến độ, khẩn trương hoàn thành công tác GPMB và tổ chức động thổ, khởi công, gắn biển các công trình chào mừng kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, Đại hội Đảng bộ Thành phố... Khẩn trương hoàn thiện danh mục các dự án đầu tư công 2021 - 2025 trình HĐND Thành phố.

Xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội (có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2020).

Tổ chức tăng ca, tăng nhân lực, vật lực thi công các công trình, dự án trên địa bàn Thành phố, rút ngắn thời gian thi công nhưng phải đảm bảo chất lượng công trình, vệ sinh môi trường tại khu vực. Giao UBND quận Hoàn Kiếm đẩy nhanh tiến độ kè hồ thuộc dự án xây dựng, cải tạo, chỉnh trang khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm.

Tập trung các giải pháp phát triển chăn nuôi lợn, đẩy mạnh tái đàn gia súc, gia cầm, thủy sản, thúc đẩy sản xuất đảm bảo mục tiêu tăng trưởng ngành nông nghiệp năm 2020 đạt từ 4% trở lên. Thực hiện tốt công tác phòng chống thiên tai; đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hệ thống đê điều, các hồ chứa nước trên địa bàn.

Chỉ đạo rà soát, điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội. Tăng cường kiểm tra, giám sát trật tự xây dựng, giải quyết dứt điểm các vi phạm. Hoàn chỉnh Đề án cải tạo xây dựng mới chung cư cũ. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các dự án cấp nước sạch. Đầu tư, triển khai lắp đặt Hệ thống camera giám sát. Tăng cường đầu tư, lắp đặt hệ thống chiếu sáng bằng hệ thống đèn LED sử dụng năng lượng gió kết hợp năng lượng mặt trời. Chăm sóc, duy tu, thường xuyên kiểm tra, cắt tỉa cây xanh trong mùa mưa bão. Thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường; thu gom, xử lý rác thải, không để xảy ra tình trạng ngăn cản việc vận chuyển rác.

Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với người có công, bảo trợ xã hội và người dân bị ảnh hưởng dịch COVID-19; cơ chế, nội dung, mức chi đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19. Đảm bảo tốt các điều kiện khám chữa bệnh; chủ động phòng chống dịch bệnh; kiểm soát chặt chẽ vệ sinh an toàn thực phẩm. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Chú trọng xử lý tốt các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự, không để phát sinh điểm nóng; rà soát, xử lý triệt để các vụ khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài. Đẩy mạnh đấu tranh trấn áp tội phạm, đặc biệt là ngăn chặn, xử lý các loại tội phạm cướp giật, cướp ngân hàng, …

Thực hiện tốt công tác phát ngôn, chủ động cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí. Đẩy mạnh tuyên truyền hoạt động chỉ đạo - điều hành của chính quyền các cấp trên các lĩnh vực; tuyên truyền về Đại hội Đảng các cấp nhằm tạo phong trào thi đua trong toàn đảng, toàn dân, hướng đến Đại hội Đảng bộ lần thứ XVII Thành phố, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Tích cực phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến và những việc làm tốt của các tập thể, cá nhân để kịp thời khen thưởng, động viên tích cực xây dựng phong trào bảo vệ an ninh tổ quốc, xây dựng và phát triển Thủ đô.

Khẩn trương hoàn công tác xét tuyển giáo viên hợp đồng

Thành phố giao Sở Nội vụ khẩn trương hoàn công tác xét tuyển giáo viên hợp đồng theo kế hoạch. Tăng cường kiểm tra công vụ. Đôn đốc các sở, ngành, đơn vị triển khai quyết liệt các kế hoạch của UBND Thành phố về tăng cường cải cách hành chính, nâng cao các chỉ số PAPI và SIPAS năm 2020.

Giao Sở Xây dựng điều hòa mạng lưới cung cấp nước sạch. Đôn đốc công tác thu gom, xử lý rác thải; tăng cường duy tu, duy trì, chăm sóc, cắt tỉa cây xanh.

Giao Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hoàn thành cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở đối với các dự án đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính trên địa bàn theo tinh thần thống nhất giữa thành phố Hà Nội với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng. Đẩy nhanh tiến độ thu tiền, tính tiền sử dụng đất và thuê đất; đôn đốc UBND các quận, huyện đẩy nhanh tiến độ đấu giá quyền sử dụng đất. Tập trung triển khai các dự án lắp đặt các trạm quan trắc môi trường cố định trên địa bàn Thành phố. Đẩy nhanh tiến độ giao đất cho các dự án đã được Thành phố trao quyết định đầu tư tại Hội nghị Hà Nội 2020 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển.

Giao Cục thuế Thành phố đôn đốc thu hồi nợ đọng đất và triển khai các biện pháp đảm bảo thu thuế đạt mức cao nhất trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn do tác động của dịch COVID-19.

Giao Sở Công Thương tiếp tục triển khai các biện pháp kích cầu tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh kết nối cung cầu hàng hóa, tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của Thành phố và liên kết các vùng. Đôn đốc UBND các quận, huyện tiến hành triển khai cắm mốc GPMB, hoàn thiện thủ tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các cụm công nghiệp đã được UBND Thành phố phê duyệt Quyết định thành lập, phấn đấu sớm khởi công một số công trình từ nay đến cuối năm 2020.

Giao Sở Y tế chủ trì, đôn đốc tập trung công tác phòng chống dịch COVID-19 gắn với việc chủ động phòng, chống các loại bệnh: sốt xuất huyết, tay chân miệng, bạch hầu,...; đẩy mạnh khoanh vùng rà soát, dập dịch, không để phát sinh thành dịch lan rộng trên địa bàn Thành phố, dịch chồng dịch.

Giao Sở Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị mọi điều kiện tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia trên địa bàn Thành phố. Công tác tuyển sinh trực tuyến đầu cấp lớp 01, lớp 6. Tuyên truyền, hướng dẫn vận hành hiệu quả phần mềm HaNoiEdu phục vục quản lý giáo dục của Thành phố năm học 2020 - 2021

Giao Sở Văn hóa và Thể thao tiếp tục xây dựng, chuẩn bị các đề án tổ chức tốt hoạt động kỷ niệm các sự kiện, ngày lễ lớn của đất nước và Thủ đô trong năm 2020: Lễ kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, Đại hội Thi đua yêu nước Thành phố giai đoạn 2020 - 2025; Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 90 năm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; kỷ niệm 60 năm Hà Nội - Huế - Sài Gòn; chào mừng Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII... trình UBND Thành phố để báo cáo Thường trực Thành ủy. Phối hợp chuẩn bị tốt các điều kiện đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ SEA Games 31 và ASEAN Para Games 11 năm 2021.

Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tiếp tục phối hợp với UBND các quận, huyện vận động nông dân tích cực lao động, sản xuất, phát triển nông nghiệp, không bỏ ruộng hoang. Đảm bảo công tác phòng chống dịch gia súc, gia cầm. Đôn đốc hoàn thiện hồ sơ công nhận các xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới, báo cáo UBND Thành phố để trình Trung ương phê duyệt.

 Công Thọ - Thuỷ Tiên - KTĐT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Eximbank bị tố cáo vi phạm quyền cổ đông

Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) vừa bị tố cáo có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 và công bố thông tin.

Các tập đoàn Nhà nước đầu tư ra nước ngoài lãi lỗ ra sao?

Mới đây, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã có Báo cáo tình hình đầu tư ra nước ngoài được gửi Thủ tướng. Theo đó, đến hết năm 2019 có 114 dự án đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Nhà nước với tổng vốn đăng ký hơn 13,8 tỷ USD, vốn thực hiện khoảng 6,7 tỷ USD

Link bài gốc http://kinhtedothi.vn/ha-noi-phong-chong-dich-covid-19-la-nhiem-vu-trong-tam-hang-dau-trong-thang-82020-391613.html