Hà Nội: Triển khai một số nhiệm vụ cấp bách phòng, chống dịch Covid-19

28/05/2021 18:21

Kinhte&Xahoi Ngày 28/5, UBND TP Hà Nội ban hành văn bản số1639 /UBND-KGVX về việc triển khai thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, để đảm bảo yêu cầu lãnh đạo trúng, đúng, kịp thời, hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn Thành phố theo kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy tại Thông báo số 309-TB/TU ngày 26/5/2021, Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu Giám đốc/Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, cơ quan đơn vị sự nghiệp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã và Chủ tịch các Hội đồng thành viên, Tổng công ty, Công ty, doanh nghiệp trực thuộc Thành phố tập trung thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 với nội dung sau:

 Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh chủ trì phiên họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP

1. Các Sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan thuộc Thành phố; Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã phải xác định nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách hàng đầu trong thời điểm hiện nay, tiếp tục thực hiện nghiêm các quan điểm, nguyên tắc, phương châm:

a) Quán triệt sâu sắc nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, tuyệt đối không hoang mang, lo lắng, thái quá, đặc biệt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân với quan điểm “chống dịch như chống giặc”; thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế, Ban Thường vụ Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Thành phố. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, tăng tốc thực hiện các biện pháp phát hiện sớm nguồn lây, truy vết thần tốc, cách ly kịp thời, khoanh vùng nhanh gọn, xét nghiệm nhanh, dập dịch triệt để.

b) Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải gương mẫu, tích cực tham gia và đi đầu trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

c) Thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch đảm bảo sức khỏe nhân dân được an toàn, đồng thời tập trung quyết liệt thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2021 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân Thành phố.

d) Người đứng đầu chính quyền, cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn và đơn vị; chủ động rà soát, xây dựng bổ sung các kịch bản, phương án phòng chống dịch theo nguyên tắc “3 lớp”, “3 trước” (nhận diện trước; chuẩn bị phương án, lực lượng, vật tư trước; phát hiện, hành động, xử lý trước) và “4 tại chỗ” trong mọi cấp độ, tình huống của dịch bệnh, kể cả mức cao nhất; chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng các phương án, kịch bản, diễn tập sẵn sàng đáp ứng công tác phòng chống dịch tại chỗ và chi viện các đơn vị, địa phương khi có yêu cầu của Thành phố và Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 Thành phố.

2. Tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19

a) Tuyên truyền, vận động người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch: Bắt buộc đeo khẩu trang khi ra ngoài, không tập trung đông người, thực hiện khai báo y tế theo quy định; khi có dấu hiệu ho, sốt, khó thở... phải đến ngay cơ quan y tế để được hướng dẫn và khám, điều trị kịp thời.

b) Thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 tại hộ gia đình, khu chung cư, khu nhà ở của công nhân, ký túc xá sinh viên, trụ sở làm việc, hội họp, trên phương tiện giao thông, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối, chợ dân sinh, khu công nghiệp, nhà máy... theo hướng dẫn của cơ quan y tế.

d) Hạn chế tổ chức các cuộc họp, hội nghị đông người chưa cần thiết; khuyến khích họp trực tuyến và sử dụng công nghệ thông tin; các đơn vị căn cứ số lượng công việc và mức độ lây lan dịch bệnh để tổ chức phương án làm việc phù hợp, khuyến khích các đơn vị tổ chức cho cán bộ, nhân viên làm việc luân phiên (trừ các lực lượng vũ trang, y tế và các lực lượng khác theo quy định) nhưng không để đình trệ công việc nhất là các công việc có thời hạn, thời hiệu theo quy định của pháp luật, các dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Đối với sự kiện phục vụ mục đích chính trị, kinh tế - xã hội thực sự cần thiết phải tổ chức thì do cấp ủy, chính quyền địa phương quyết định và thực hiện các biện pháp phòng, chống lây nhiễm như: Phòng họp phải thông thoáng và khử khuẩn trước khi tổ chức, hạn chế dùng điều hòa trung tâm, đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, ngồi giãn cách.

e) Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các xã, phường, thị trấn rà soát lại Tổ Covid cộng đồng và phối hợp Công an Thành phố kiện toàn lại Tổ Covid cộng đồng như sau: 01 Tổ Covid cộng đồng thành lập từ 10 - 20 nhóm Covid cộng đồng tùy theo tình hình thực tế của địa phương do người đứng đầu địa phương quyết định, phải đảm bảo các thành phần: (Công an cơ sở làm Tổ trưởng Tổ Covid cộng đồng; Tổ trưởng Tổ dân phố/Trưởng Ban công tác Mặt trận/Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ/Chi hội trưởng Chi hội cựu chiến binh/Bí thư Chi đoàn/Trưởng Ban Quản trị tòa nhà làm Trưởng nhóm; lực lượng bảo vệ dân phố/dân phòng và các đoàn thể chính trị - xã hội làm thành viên nhóm Covid cộng đồng).

Tổ Covid cộng đồng ứng trực 24/24/7 để thực hiện rà soát, nhắc nhở, đôn đốc công tác phòng, chống dịch tới từng khu chung cư, từng hộ gia nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế đảm bảo thật hiệu quả.

Người đứng đầu chính quyền địa phương chỉ đạo các lực lượng và chịu trách nhiệm về việc kiểm soát các khu cách ly tập trung trên địa bàn, giám sát tất cả những trường hợp nhập cảnh hết thời gian cách ly tập trung và đang được giám sát, theo dõi sức khỏe tại nhà; những người đi qua vùng dịch hoặc đi từ vùng dịch trở về; những công nhân làm việc trong các nhà máy, khu công nghiệp tại các tỉnh có dịch và các tỉnh lân cận theo thông báo của cơ quan y tế; rà soát các địa điểm để thành lập các khu cách ly tập trung (lưu ý mở rộng tại các huyện ngoại thành của Thành phố), tham mưu đề xuất, báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố.

3. Sở Y tế

- Căn cứ vào đặc điểm, tính chất, cơ chế lây bệnh của chủng virus trên địa bàn Thành phố, chỉ đạo phương án khoanh vùng, cách ly, quyết định việc xét nghiệm theo ưu tiên mức độ cấp thiết phù hợp với từng đối tượng, khu vực (lưu ý xét nghiệm công nhân tại các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp và sàng lọc tại các khu vực có nguy cơ cao).

- Hướng dẫn, phối hợp Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã chỉ đạo, kiểm tra, thực hiện kịp thời, có hiệu quả công tác phát hiện, cách ly, khoanh vùng triệt để khi phát hiện ca lây nhiễm, xuất hiện ổ dịch mới trên địa bàn. Khi phát hiện ca bệnh dương tính khẩn trương bao vây khoanh vùng, khử khuẩn những địa điểm liên quan theo quy định.

Đồng thời, tổ chức truy vết “thần tốc”, xác định nhanh nhất những trường hợp liên quan đến tiếp xúc với ca bệnh để tiến hành lấy mẫu xét nghiệm và cách ly y tế theo quy định; cương quyết, dồn mọi nguồn lực, bằng mọi giải pháp xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh, tuyệt đối không được để ổ dịch lan rộng.

- Chỉ đạo và tăng cường kiểm tra các bệnh viện, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong và ngoài công lập trên địa bàn Thành phố trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện phương án phân luồng, khám sàng lọc, tăng cường xét nghiệm theo hướng dẫn của Bộ Y tế để phát hiện kịp thời ca bệnh, tuyệt đối không để lây lan dịch bệnh trong bệnh viện, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Có phương án bảo đảm an toàn đối với cán bộ, nhân viên y tế, người tham gia công tác phòng, chống dịch, người bệnh, đặc biệt lưu ý người cao tuổi, người có bệnh lý nền; thực hiện nghiêm Bệnh viện an toàn và phòng khám an toàn theo đúng quy định của Bộ Y tế.

- Rà soát, chuẩn bị nguồn lực, kể cả kế hoạch dự kiến huy động đội ngũ chuyên gia, lực lượng sinh viên ngành y, y bác sỹ nghỉ hưu trên địa bàn (khi cần thiết). Triển khai thực hiện việc mua sắm trang thiết bị, dụng cụ, vật tư y tế cần thiết đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

- Chủ trì, phối hợp Bộ Tư lệnh Thủ đô và Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã rà soát các địa điểm để làm cơ sở cách ly tập trung của Thành phố.

4. Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội chủ trì, phối hợp Sở Y tế, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã thực hiện tốt công tác tổ chức cách ly tập trung tại các cơ sở do Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội quản lý; quản lý các cơ sở cách ly tập trung dân sự do Thành phố thành lập; tuyệt đối không được để lây chéo dịch bệnh trong các khu cách ly tập trung và lây chéo từ các khu cách ly tập trung ra bên ngoài cộng đồng.

5. Công an Thành phố

- Phối hợp Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã chỉ đạo Công an cơ sở tham gia vào Tổ Covid cộng đồng để hoạt động có hiệu quả; quyết liệt việc truy vết tiếp xúc, quản lý chặt chẽ các trường hợp sau cách ly, theo dõi y tế tại nhà; quản lý tạm vắng, tạm trú, kịp thời phát hiện trường hợp nhập cảnh trái phép về cộng đồng, người về từ vùng dịch không khai báo y tế theo quy định.

- Chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, phát hiện xử lý nghiêm những trường hợp nhập cảnh trái phép, các trường hợp đưa thông tin không đúng sự thật, không khai báo y tế, khai báo không trung thực, vi phạm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

6. Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp các đơn vị và Ủy ban nhân dân các quận huyện, thị xã đề xuất khen thưởng động viên kịp thời cho các tổ chức, cá nhân có sáng tạo, thành tích xuất sắc; đồng thời xem xét đề xuất xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có vi phạm trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu các đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện nội dung nêu trên để đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố.

Công Thọ - Theo KTĐT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sẽ xuất khẩu 1.000 tấn vải tươi sang Nhật Bản?

Theo Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, sau một năm Nhật Bản chính thức mở cửa thị trường cho mặt hàng vải thiều tươi của Việt Nam, tình hình xuất khẩu và tiêu thụ quả vải thiều Việt Nam tại thị trường Nhật Bản năm 2021 hiện đang có rất nhiều điều kiện thuận lợi.

Nhà thầu PCC5: Trúng thầu sát giá vẫn lãi 'mỏng' đến bất ngờ

Chiếm tỷ trọng lớn trong doanh thu hàng năm của Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư và Xây lắp điện số Năm là các hợp đồng từ hoạt động đấu thầu. Trong khi thường xuyên trúng thầu với tỷ lệ giảm giá vô cùng thấp, doanh nghiệp lại có biên lợi nhuận "mỏng" đến bất ngờ.

link bài gốc http://kinhtedothi.vn/ha-noi-trien-khai-mot-so-nhiem-vu-cap-bach-phong-chong-dich-covid-19-421437.html