Hàng loạt tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, sử dụng đất tại Nam Định

14/02/2023 10:45

Kinhte&Xahoi Vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã có thông báo kết luận chỉ rõ hàng loạt những sai phạm, tồn tại trong công tác quản lý về đất đai của UBND tỉnh Nam Định.

Khuyết điểm, tồn tại

Trong những năm qua, Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định đã cùng với các ngành, cấp trong hệ thống chính trị của tỉnh có nhiều cố gắng trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng; công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản và quản lý, sử dụng đất đai. Bên cạnh đó, các công tác này vẫn còn tồn tại một số tồn tại, hạn chế.

Cụ thể, thông báo Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ thể hiện, đối với công tác quản lý, sử dụng đất, việc phân tích đánh giá nhu cầu sử dụng đất để đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương này còn chậm, chưa sát thực tế.

Việc thực hiện một số chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch đất đạt tỷ lệ thấp. Số liệu thống kê, kiểm kê đất đai ở một số huyện còn nhầm lẫn, chưa đúng với hiện trạng sử dụng, việc cập nhật, chỉnh lý biến động hồ sơ địa chính chậm và chuyển thông tin biến động đất đai chưa được liên thông giữa các cấp.

Một góc TP Nam Định.

Có 6 dự án thuê đất với tổng diện tích 1,77ha, chủ đầu tư đã sử dụng đất nhưng chưa ký hợp đồng thuê đất và chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất; Còn có dự án xác định vị trí, gửi thông tin để tính tiền thuê đất không đúng với hiện trạng của thửa đất. UBND tỉnh chậm triển khai thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước. Hiện có 17 doanh nghiệp được cổ phần hoá đang sử dụng khoảng 57,52ha đất nhưng chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý như lập, phê duyệt phương án sử dụng đất, ký hợp đồng thuê đất.

Trong giai đoạn 2011 – 2015, có một số diện tích đất đã được UBND huyện/thành phố cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nhưng không có trong kế hoạch sử dụng đất; giai đoạn 2015 – 2018 đã cho phép các hộ gia đình, cá nhân chuyển mục đích sử dụng từ đất ao vườn sang nhà ở không có trong kế hoạch sử dụng đất. Có một số dự án sử dụng dưới 10ha đất lúa không có Nghị quyết của HĐND tỉnh cho phép. Ngoài ra, còn có một số dự án đầu tư công (xây dựng hạ tầng giao thông) sử dụng 27,5ha đất trồng lúa nhưng chưa xin ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài ra, công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại tỉnh còn chậm; việc thu nộp, quản lý, sử dụng nguồn thu từ đất trồng lúa chưa được các cơ quan chức năng quan tâm đúng mức; công tác thanh tra, kiểm tra về quản lý, sử dụng đất đai chưa được thực hiện thường xuyên. Việc xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm ở các huyện, thành phố cũng chưa kiên quyết dẫn đến tình trạng lấn, chiếm, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất vẫn còn diễn ra.

Kết quả thanh tra 3 dự án, Thanh tra Nhà nước chỉ ra rằng ở dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp dệt may Rạng Đông và dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp Yên Dương, việc xác định tiền thu đất theo phương pháp thặng dư của cơ quan chức năng còn nhiều lúng túng, có một số khoản doanh thu, chi phí của dự án được xác định chưa phù hợp. Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp Yên Dương đã xây dựng nhà điều hành, cụm bể nước thải trên ô đất hạ tầng kỹ thuật chưa được cơ quan chức năng bàn giao đất và tính tiền thuê đất.

Trong khi đó, dự án đầu tư xây dựng nhà máy đóng tàu Thịnh Long, huyện Hải Hậu đã giao khoảng đóng tàu Thịnh Long thực hiện dự án thiếu thủ tục quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất; Chủ đầu tư không tổ chức lập, điều chỉnh dự án và điều chỉnh quy hoạch chi tiết khi diện tích đất dự án giảm còn 418.028m2 theo quyết định của UBND huyện Hải Hậu; triển khai san lấp mặt bằng và đầu tư một số hạng mục công trình năm 2007-2008 khi chưa được giao đất và cấp phép xây dựng; chậm triển khai dựa từ năm 2013 nhưng không làm thủ tục điểu chỉnh, gia hạn tiến độ thực hiện dự án.

Xử lý vi phạm, khắc phục kinh tế gần 68 tỷ đồng

Đề xuất phương án khắc phục, Tổng thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng giao Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định chỉ đạo Sở Tài Chính phối hợp với Sở Tài Nguyên môi trường hoàn thành việc thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước theo quy định; Chỉ đạo Giám đốc Sở Tài Nguyên Môi trường đôn đốc 17 doanh nghiệp được cổ phần hoá khẩn trương hoàn thành các thủ tục pháp lý về đất đai, yêu cầu chủ đầu tư 6 dự án chậm ký hợp đồng thuê đất thực hiện hợp đồng và nghĩa vụ tài chính; rà soát, truy thu tiền thuê đất không để thất thoát ngân sách nhà nước và xử lý nghiêm trách nhiệm và có hình thức xử lý các tổ chức, cá nhân có liên quan các thiếu sót, vi phạm.

Toàn cảnh buổi công bố Kết luận thanh tra diễn ra tại trụ sở UBND tỉnh Nam Định.

Lãnh đạo UBND tỉnh cũng có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan chuyên môn hoàn thiện thủ tục trình Chính phủ chấp thuận việc chuyển mục đích sử dụng 27,5ha đất lúa để thực hiện các dự án đầu tư công; Tổ chức rà soát lại và chịu trách nhiệm trong việc xác định tiền thuê đất đối với dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp dệt may Rạng Đông và dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp Yên Dương; Tiến hành đánh giá lại việc quản lý, sử dụng đất của công ty Thịnh Long, căn cứ năng lực, khả năng thực hiện dự án của chủ đầu tư để có phương án xử ký theo đúng quy định của pháp luật.

Thông báo nêu, Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định tổ chức rà soát xử lý về kinh tế tổng số tiền tạm tính là 67.614,077 triệu đồng. Trong đó, yêu cầu chủ đầu tư dự án xây dựng hạ tầng khu đô thị thị trấn Ngô Đồng, huyện Giao Thủy nộp ngay tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa theo quy định số tiền tạm tính gần 2.196 triệu đồng; Chỉ đạo Cục thuế tỉnh yêu cầu 106 tổ chức, cá nhân nộp tiền thuê đất còn nợ hơn 24.312 triệu đồng và tiền chậm nộp tiền thuê đất khoảng 2.207 triệu đồng…

Trong buổi làm việc với đoàn công tác của Tổng Thanh tra Chính phủ, ông Phạm Đình Nghị - Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho biết, ngay sau khi có kết luận thanh tra, UBND tỉnh Nam Định đã chỉ đạo các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố để tiến hành thực hiện kết luận cũng như những tồn tại mà đoàn thanh tra đã chỉ ra. Đến nay, UBND tỉnh Nam Định đã cơ bản thực hiện những kiến nghị tại kết luận thanh tra.

Phàn Họ - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Bình Dương vươn lên vị trí thứ hai cả nước về thu hút vốn FDI

Hạ tầng phát triển bài bản, nhiều tuyến giao thông mới được triển khai cùng với đó là quá trình cải cách hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nước ngoài thực hiện các thủ tục pháp lý đã khiến Bình Dương trở thành điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài.

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/nha-nuoc-va-phap-luat/hang-loat-ton-tai-han-che-trong-cong-tac-quan-ly-su-dung-dat-tai-nam-dinh-d190069.html