Hàng triệu lao động mất việc tạm thời vì dịch COVID -19

03/04/2020 09:39

Kinhte&Xahoi Báo cáo công bố tình hình sản xuất công nghiệp quý I, được Bộ Công Thương công bố ngày 1/ 4 cho thấy, hàng loạt ngành công nghiệp trọng điểm của Việt Nam đang trong tình trạng báo động vì chịu tác động kéo dài của dịch COVID-19. Theo các hiệp hội, doanh nghiệp, sẽ có thêm hàng triệu lao động mất việc tạm thời trong vài tuần tới.

Hàng triệu lao động trong các ngành sản xuất sẽ mất việc tạm thời trong thời gian tới Ảnh: Nguyễn Bằng

Nhiều ngành sản xuất có nguy cơ tê liệt

Theo Bộ Công Thương, trong những tháng đầu năm 2020, dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại, dịch vụ và xuất nhập khẩu của Việt Nam. Đáng chú ý, sản lượng công nghiệp giảm với tốc độ nhanh nhất trong hơn sáu năm qua.Trong đó, ngành chế biến, chế tạo là ngành chịu tác động nhiều nhất.

Đáng lo ngại, trong các ngành công nghiệp được coi là xương sống và mạch máu của nền sản xuất Việt Nam, sản xuất máy móc, thiết bị giảm 15,4%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 10,4%. Các số liệu từ doanh nghiệp, ngành hàng cho thấy, dịch COVID-19 kéo dài làm cho hoạt động của hàng loạt doanh nghiệp sản xuất đồ uống tê liệt, suy giảm hoạt động với tổng mức giảm chung của cả ngành là 9%. Trong đó, sản xuất bia giảm 18,9% với doanh số bán bia của các doanh nghiệp bị giảm trên 30%.

Đại diện một số doanh nghiệp sản xuất bia tại Việt Nam xác nhận, từ hơn 2 tuần nay đã phải cho hàng nghìn nhân viên, người lao động giảm 50% thời gian làm việc. Tình trạng cắt giảm lương, chỉ duy trì lương cơ bản cũng được áp dụng tại nhiều đơn vị. Lãnh đạo một số đơn vị phòng ban, đơn vị sản xuất cùng với giảm lương, có thể chọn hình thức duy trì công việc cho người lao động ở mức tối thiểu 3 ngày/tuần.

Với hoạt động dịch vụ hỗ trợ và khai thác mỏ, quặng, các số liệu cũng cho thấy đã suy giảm 8,2%; sản xuất ô tô giảm 10,4%, chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa giảm 4,2%. Ngành sản xuất trang phục chịu tác động nặng nhất từ dịch COVID-19 với mức giảm 3%, đây cũng là lần đầu tiên ngành này sụt giảm.

Cùng với sản xuất suy giảm, tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tính đến ngày 31/3 tăng 24,9%. Tồn kho ngành sản xuất chế biến thực phẩm tăng 27%; dệt tăng 36%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 45%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 47%; sản xuất kim loại tăng 48,8% hay như sản xuất xe có động cơ tăng 122%.

Hàng triệu lao động khó khăn vì mất việc

Theo Bộ Công Thương, ngành hàng như dệt may, da giày, đồ gỗ đang hứng chịu tác động kép từ dịch COVID-19. Xu hướng chính của các đối tác là giãn thời gian giao hàng trong tháng 3, hoãn đơn hàng trong tháng 4, 5 và tạm chưa đàm phán đơn hàng từ tháng 6 trở đi.

Dịch kéo dài cũng khiến hoạt động của ngành điện, điện tử- ngành thu về gần 5 tỷ USD trong quí 1/2020- sẽ đối mặt rất ít khó khăn do không có đơn hàng mới. Đặc biệt, đơn vị xuất khẩu lớn nhất tại Việt Nam trong ngành là Samsung Việt Nam dự kiến giảm mục tiêu xuất khẩu năm nay lên đến gần 6 tỷ USD xuống còn khoảng 45,5 tỷ USD trong năm 2020 so với 51,3 tỷ USD năm 2019.

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, do dịch COVID-19, cả 5 thị trường xuất khẩu chính gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam gồm Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc với trên 90% thị phần xuất khẩu liên tiếp thông báo giãn, hoãn các đơn hàng đặt mua với đối tác Việt Nam. Riêng với thị trường Mỹ và châu Âu, từ giữa tháng 3 cho tới nay, các nhà mua hàng đã thông báo dừng mua hàng, hủy đơn hàng và giãn đơn hàng khiến các DN chế biến gỗ Việt Nam sụt giảm 80% đơn hàng. Các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc cũng giảm 60-80.

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, đáng báo động nhất là ngay tuần tới, ngành gỗ sẽ phải cắt giảm 70% công suất chỉ duy trì chế độ làm luân phiên. Và sau khoảng 3 - 4 tuần tới, hầu hết các doanh nghiệp trong ngành sẽ ngừng hẳn sản xuất vì không còn việc để làm.

Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam vừa có báo cáo gửi Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết đến cuối tháng 4/2020 sẽ có khoảng 1,2 triệu lao động trong ngành sẽ mất việc tạm thời do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Đến cuối tháng 3 có khoảng 50% doanh nghiệp dừng việc, khoảng 600 ngàn lao động bị ảnh hưởng. Đến giữa tháng 4 có khoảng 70-80% doanh nghiệp và khoảng 800 ngàn lao động và đến cuối tháng 4 thì toàn bộ doanh nghiệp trong ngành dừng hoạt động với khoảng 1,2 triệu lao động bị ảnh hưởng. 

Theo ước tính của Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam, nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài tại Mỹ và châu Âu, gần như 100% các doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng. Dự kiến số lượng đơn hàng trong tháng 4, tháng 5 của ngành sẽ bị giảm khoảng 70%. Các đơn hàng mới từ tháng 6 trở đi sẽ chưa được đàm phán và khả năng phục hồi đến cuối năm 2020 sẽ rất chậm.

Gần 2 triệu lao động dệt may có thể mất việc

“Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần nhanh chóng đưa vào thực thi trước khi quá muộn...” là kiến nghị của ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam khi nói về áp lực đang đè nặng lên các doanh nghiệp ngành dệt may. Theo ông Trường, nếu không có sự điều chỉnh về chính sách, khả năng nhiều DN sẽ mất khả năng thanh khoản vào cuối tháng 4/2020.

Theo thống kê của Tập đoàn Dệt May Việt Nam, ngay trong tháng 4 sẽ có trên 30% lao động của ngành thực sự thiếu việc làm. Tháng 5, 6 tới đây, việc cam kết nhận hàng, tổ chức sản xuất của các khách hàng đều chưa rõ ràng. Điều này đồng nghĩa công ăn việc làm của gần 2 triệu lao động trong ngành sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Đại diện của ba hiệp hội ngành dệt may, da giày, thủy sản với kim ngạch xuất khẩu gần 80 tỷ USD năm 2019 vừa ký văn bản kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng và các bộ, ngành về tháo gỡ khó khăn cho DN trong lĩnh vực do ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19.

Cả ba hiệp hội cũng kiến nghị hỗ trợ hạ lãi suất cho các khoản đã vay trước năm 2020; giãn các khoản nợ đến hạn trong năm 2020 mà không tính lãi suất chậm trả nợ. Các kiến nghị cũng đề cập việc cần giảm giá điện, nước 30% trong năm 2020; đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu giảm 30% phí BOT từ năm 2020.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đáp ứng các dịch vụ bưu chính phục vụ nhu cầu thiết yếu

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành công văn số 1115/BTTTT-BC ngày 31-3-2020 yêu cầu doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính, đặc biệt là doanh nghiệp được Nhà nước chỉ định duy trì, quản lý mạng bưu chính công cộng, cung ứng dịch vụ bưu chính công ích phải nhanh chóng thích ứng trước tình huống khó khăn.

Nguồn: Tiền Phong/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/hang-trieu-lao-dong-mat-viec-tam-thoi-vi-dich-covid-19-d120948.html