Hô hào trồng rừng nhưng lại cho khởi công các đại dự án ngay lõi rừng

03/11/2020 14:48

Kinhte&Xahoi Đây là thực trạng được Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Dũng chỉ ra trong phiên thảo luận sáng 3/11 tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu.

Cho biết vừa trở về từ miền Trung, Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) cho rằng, thiên tai thảm họa có thể xảy ra ở bất kỳ nơi nào trên đất nước, nếu chúng ta không thay đổi.

“Chúng ta hô hào trồng rừng nhưng vẫn cho phép các đại dự án khởi công ngay trong những lõi rừng, hay những thủy điện “cóc” vẫn được duy trì hoạt động, thậm chí cấp giấy phép mới”, Đại biểu Hiếu nhấn mạnh.

Theo Đại biểu, chúng ta phải thay đổi cách làm, phải nhận thấy những sai lầm trong quá khứ, điều này thật khó vì thay đổi trong văn bản, nghị quyết thì chúng ta đã làm nhưng thay đổi trong tư duy thì không dễ.

Đơn cử trong đầu mỗi người vẫn nghĩ gỗ tự nhiên tốt hơn gỗ công nghiệp, vẫn khoe với khách đến nhà cái cầu thang, cái tủ, cái bàn làm từ giáng hương, lim, sến, rồi huyễn hoặc rằng gỗ này được nhập từ Lào, từ Miến, không phải phá rừng đặc dụng Việt Nam.

Philippines là quốc gia chịu nhiều bão nhất Đông Nam Á, họ giữ rừng già, giữ những ngọn núi cao còn hơn cả con ngươi của mắt mình, vì họ biết đây chính là thành trì quan trọng nhất để bảo vệ đất nước, con người trước sự giận dữ của thiên nhiên. Cơn bão số 10 đập vào dãy núi và rừng già của Philippines đã được giảm cấp là một ví dụ rất rõ ràng.

Để tạo ra bức tường phải bắt đầu tư duy, mà tư duy phải nhờ giáo dục mà có. Với cách giáo dục như hiện nay, việc hình thành tư duy mạch lạc, năng động và hướng thiện là vô cùng khó khăn.

Chúng ta hình dung một cháu bé vào lớp 1 với quyển sách giáo khoa chưa qua kiểm định rõ ràng, đang học lại thay đổi, bổ sung, sửa chữa, đính chính, một nền giáo dục loay hoay tìm triết lý sẽ tạo ra những sản phẩm định hướng không rõ ràng, chỉ biết cóp nhặt, a dua...

“Làm sao chúng ta dạy được con cháu mình những điều tưởng đơn giản nhưng sẽ là nền móng sự phát triển của đất nước vững chắc trong tương lai”, Đại biểu lo lắng nhưng vẫn tin rằng Việt Nam sẽ có rất nhiều những người trẻ tuổi thông minh, tài giỏi, đầy khát vọng nhưng cũng ngập tràn lòng trắc ẩn như cặp vợ chồng Công Vinh – Thủy Tiên, hình ảnh mà ông gặp thường xuyên ở những nơi khó khăn, gian khổ trên khắp đất nước.

Tinh thần bác ái, tương thân là bản chất, là truyền thống của dân tộc ta, nhưng phải nghĩ đến việc tổ chức tốt hơn để lòng tốt không bị lãng phí, người thật sự khó khăn sẽ nhận được sự giúp đỡ chí công và lòng yêu thương của con người sẽ ngày càng được nhân rộng.

Bão lụt chắc chắn sẽ còn xảy ra hàng năm như một quy luật của thiên nhiên, như vậy không thể dùng lòng tốt để khắc phục được hậu quả bão lụt từ năm này sang năm khác, chúng ta cần có chiến lược lâu dài để giảm hậu quả nặng nề của bão lụt.

Chiến lược đó cần phải được bàn bạc cẩn thận cấp quốc gia, với sự đóng góp của nhiều chuyên gia trên nhiều lĩnh vực, từ vấn đề vĩ mô như thảo luận của các nước nước ở thượng nguồn của nhiều dòng sông đổ vào Việt Nam, hạn chế các nước Lào, Trung Quốc, Campuchia hay Thái Lan xây và vận hành các thủy điện mới cũ, đến việc cấp thiết hiện nay như cập nhật bản đồ sạt lở ở các tỉnh, thành; xây nhà chống lũ, trang thiết bị cứu hộ, hệ thống cảnh báo lũ sớm hiệu quả hơn, hay có sẵn những khu tập trung người dân bị nạn khi lũ lụt.

Hoàng Thư - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/ho-hao-trong-rung-nhung-lai-cho-khoi-cong-cac-dai-du-an-ngay-loi-rung-d139708.html