Hòa Phát của ông Trần Đình Long "lãi đậm" từ bán trứng gà, nuôi bò, nuôi heo

28/04/2020 10:26

Kinhte&Xahoi Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) vừa công bố BCTC hợp nhất quý I/2020 với doanh thu đạt 19.233 tỷ đồng, tăng 29% cùng kỳ.

“Gánh” khoản nợ vay lên tới hơn 41.000 tỷ đồng, Hòa Phát của ông Trần Đình Long bình quân phải chi tới 5,3 tỷ lãi vay mỗi ngày. Tuy nhiên, lợi nhuận của Hòa Phát quý I/2020 vẫn tăng trưởng hai con số. Trong đó, lợi nhuận từ mảng nông nghiệp bao gồm bán trứng gà, nuôi heo, nuôi bò “đột biến”, tăng hơn 420% so với cùng kỳ.

Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) vừa công bố BCTC hợp nhất quý I/2020 với doanh thu đạt 19.233 tỷ đồng, tăng 29% cùng kỳ. Biên lãi gộp tăng từ mức 17,52% lên 19,57%. Lợi nhuận gộp quý I/2020 đạt 3.763 tỷ đồng, tăng trưởng 44% so với cùng kỳ năm 2019.

Mảng nông nghiệp mang về cho Tập đoàn Hòa Phát của ông Trần Đình Long 482 tỷ lợi nhuận quý I/2020, tăng hơn 420%

 "Đột biến" lợi nhuận từ bán trứng gà, nuôi bò và nuôi heo

Chi tiết về doanh thu, Thép đóng góp hơn 81% vào tổng doanh thu. Tiếp đến mảng nông nghiệp chiếm hơn 14%, phần còn lại từ sản xuất công nghiệp và kinh doanh bất động sản.

Xét về tốc độ tăng trưởng doanh thu, trong quý I/2020, doanh thu của Thép đạt 15.591 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ, trong khi đó, mảng nông nghiệp tăng 59% lên 2.779 tỷ đồng; mảng sản xuất công nghiệp khác và kinh doanh bất động sản sụt giảm.

Chính vì vậy, kinh doanh Thép vẫn mang lại lợi nhuận chủ yếu cho Hòa Phát của ông Trần Đình Long với 2.872 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2019; Lợi nhuận từ mảng nông nghiệp đạt 482 tỷ đồng, gấp hơn 5 lần cùng kỳ năm trước.


 
Báo cáo tài chính quý I/2020 của Tập đoàn Hòa Phát

Cùng với sự gia tăng về doanh thu, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lần lượt tăng 34% và 26% so với cùng kỳ năm 2019.

Đáng chú ý là trong quý I năm nay, chi phí tài chính của Hòa Phát tăng mạnh tới 240% so với cùng kỳ năm trước. Riêng chi phí lãi vay tăng 160%, từ mức 241 tỷ đồng lên 481 tỷ đồng. Cùng với đó, lỗ chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện 283 tỷ đồng. Trong khi đó, doanh thu từ hoạt động này chỉ tăng trưởng 19%, mang về 109 tỷ đồng cho Hòa Phát.

Kết thúc quý I/2020, Hòa Phát của Chủ tịch Trần Đình Long báo lãi trước thuế 2.636 tỷ đồng, tăng 22% và lợi nhuận sau thuế xấp xỉ 2.305 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ nă 2019. Lãi ròng hơn 2.285 tỷ đồng và cũng là mức cao nhất kể từ quý III/2018.

Theo Hòa Phát, lợi nhuận tăng mạnh trong quý I/2020 là do sản lượng bán thép tăng, giá vốn tốt và mảng nông nghiệp bắt đầu tạo lợi nhuận khả quan.

Được biết, trong quý I/2020, Hòa Phát của ông Trần Đinh Long đã cung cấp cho thị trường trên 732.000 tấn (chưa bao gồm sản lượng phôi thép) chiếm 31,9% thị phần tiêu thụ toàn thị trường, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Trong đó, lượng thép thành phẩm xuất khẩu gần 135.000 tấn, tăng 74,8% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, lượng phôi thép Hòa Phát cung cấp cho thị trường đạt khoảng 350.000 tấn, chủ yếu là xuất khẩu. Thị trường xuất khẩu phôi thép chính là Trung Quốc, các nước Đông Nam Á.

Với sản phẩm ống thép, Hòa Phát đã cung cấp cho thị trường gần 145.000 tấn, tiếp tục giữ thị phần vượt trội với 31,1%. Ống thép Hòa Phát tiếp tục xuất khẩu tới nhiều nước trên thế giới với sản lượng tăng đột biến, gấp 2,8 lần so với cùng kỳ 2019.


Ở mảng nông nghiệp, doanh thu của lĩnh vực này năm 2019 đạt 175% so với 2018, trong đó sản lượng cung cấp bò Úc, trứng gà sạch của Hòa Phát thuộc top đầu của thị trường. Trong đó, sản lượng tiêu thụ bò Úc chiếm trên 50% thị phần toàn quốc. Sản lượng trứng gà cũng dẫn đầu trong số các doanh nghiệp cung cấp trứng gà phía Bắc với sản lượng 450.000 quả/ngày.

Đối với lĩnh vực chăn nuôi heo, với hệ thống trại ở cả 2 miền, giá heo hơi trên thị trường tăng mạnh trong năm 2019 cũng góp phần tăng trưởng doanh thu cho mảng chăn nuôi heo của Hòa Phát.

Năm 2020, Hòa Phát đặt mục tiêu tăng trưởng vượt bậc trong nông nghiệp khi đạt công suất tối đa 600.000 tấn thức ăn chăn nuôi/năm, 450.000 đầu heo thương phẩm/năm, 150.000 bò thịt và 300 triệu trứng gà sạch mỗi năm.

Nợ vay vượt 41.300 tỷ, "gánh" hơn 5 tỷ lãi vay/ngày

Tới thời điểm 31/3/2020, tài sản ngắn hạn của Hòa Phát ghi nhận hơn 34.134 tỷ đồng, gia tăng 21% so với hồi đầu năm.

Trong đó, tiền và tương đương tiền tăng 35,5% thời điểm đầu năm, đạt 6.157 tỷ đồng; khoản đầu tư tài chính ngắn hạn tăng 23% lên 1.617 tỷ đồng

Tại thời điểm cuối kỳ, khoản phải thu của Hòa Phát cũng tăng đáng kể 43% lên 5.012 tỷ đồng, hàng tồn kho duy trì ở mức 19.554 tỷ đồng.

Trong khi đó, chi phí xây dựng dở dang của Tập đoàn này giảm đáng kể từ 36.685 tỷ đồng xuống 23.811 tỷ đồng, chủ yếu giảm trong dự án khu liên hợp Gang thép Dung Quất, từ 33.098 tỷ đồng xuống 21.797 tỷ đồng.

Tổng nguồn vốn tính đến cuối kỳ của Hòa Phát đạt hơn 107.000 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận chưa phân phối đạt 18.133 tỷ đồng. Tổng nợ vay của Hòa Phát "vượt" 41.300 tỷ đồng, tăng hơn 4.600 tỷ đồng so với đầu năm và chiếm 38.6% tổng nguồn vốn. Trong đó, vay nợ ngắn hạn thêm 4.263 tỷ đồng, tăng lên 21.100 tỷ đồng; nợ dài hạn cũng tăng thêm 401 tỷ đồng lên 20.243 tỷ đồng. Điều này phần nào lý giải việc chi phí lãi vay trong quý I/2020 của Hòa Phát tăng mạnh lên 481 tỷ đồng. Như vậy bình quân mỗi ngày, Hòa Phát của ông Trần Đình Long chi hơn 5,3 tỷ đồng để trả lãi vay.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội: Nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép”

Khi dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp thì việc thực hiện “mục tiêu kép” vừa bảo đảm chống dịch, vừa nỗ lực sản xuất, kinh doanh không chỉ giúp doanh nghiệp trụ vững mà còn giữ đà tăng trưởng kinh tế của Thủ đô. Trên tinh thần "Chung sống an toàn với dịch Covid-19" các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội đang triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đạt hiệu quả cao nhất.

Theo Dân Việt/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/kinh-te-cong-nghe/hoa-phat-cua-ong-tran-dinh-long-lai-dam-tu-ban-trung-ga-nuoi-bo-nuoi-heo-d123162.html