Để phòng, chống dịch hiệu quả rất cần ý thức trách nhiệm của mỗi người.

Người phương Tây dạy con độc lập, ý thức phối hợp. Người Việt thường dạy con theo kiểu nuông chiều, “máu chảy ruột mềm”. Văn hóa riêng biệt, buộc phải chấp nhận nhưng phương pháp giáo dục hiện đại thì phải tiếp cận.

Làm bố mẹ, ai cũng thương con, cũng hy sinh mọi thứ vì con. Điều đó là chính đáng, thuộc tâm lý người Việt. Trong lúc dịch bệnh hoành hành khắp nơi, mong muốn đứa con về nước tránh dịch, được ở bên gia đình cũng là chính đáng. Tuy nhiên, thương con đến mức tụ tập, chen chúc tiếp tế đã và đang gây khó khăn cho công tác quản lý, hỗ trợ người về cách ly tập trung; đồng thời là nguy cơ làm lây lan dịch bệnh. Thương con như thế bằng mười hại con, hơn thế làm hại cộng đồng. Đó là một trong những biểu hiện của “hội chứng đám đông” của người Việt, luôn hành động cảm tính.

Rất may, rút kinh nghiệm tại một cơ sở cách ly ở TP HCM, hôm 23/4, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung tuyên bố: “Khu cách ly không nhận đồ ăn, đồ dùng mà người nhà gửi cho người đang cách ly”. Đó là quyết định đúng đắn vì cộng đồng.

Cũng rất may, hôm qua Chủ tịch UBND TP HCM đã yêu cầu quận Thủ Đức siết chặt quản lý, không để tái diễn tình trạng tụ tập đông người ở khu vực cách ly. Phải khẳng định lại lần nữa, những người từ vùng dịch về đang được cách ly đã và đang được phục vụ, chăm sóc chu đáo.

Covid-19 thành “thảm họa toàn cầu”, phá vỡ nhiều cấu trúc vốn có, buộc phải thay thế bằng cấu trúc mới. Trách nhiệm cá nhân với cộng đồng của người Việt cũng buộc phải thay đổi, thích ứng; không thể vì sự ích kỷ của cá nhân gây bất an cho xã hội.

“Cuộc chiến chống dịch Covid-19 bước sang giai đoạn 3”, đó là nội dung Thông báo 122/TB-VPCP kết luận mới nhất của Thủ tướng Chính phủ. Đây là giai đoạn có ý nghĩa quyết định, thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các biện pháp phòng, chống dịch; kiên trì các nguyên tắc ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch, điều trị khỏi.

Thủ tướng yêu cầu lực lượng chức năng quyết liệt, chặt chẽ hơn trong chỉ đạo, điều hành, quyết tâm không để dịch bệnh lây lan không kiểm soát. Để tránh lây lan ra cộng đồng, Thủ tướng yêu cầu tạm thời đóng cửa các cơ sở kinh doanh dịch vụ không cần thiết, hạn chế tối đa việc tụ tập đông người, trừ các cơ sở kinh doanh dịch vụ mặt hàng thiết yếu. Ngay cả việc tập trung đông người tại các đám cưới, đám hiếu cũng phải hạn chế. Các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự không tổ chức các nghi lễ và hoạt động có tập trung đông người. Điều này là cần thiết.

Để đẩy lùi Covid-19, rất cần trách nhiệm công dân của mỗi người.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Dịch Covid-19: Chung tay cùng hộ kinh doanh vượt khó!

Sau hơn 3 tháng hoành hành, dịch Covid-19 đã và đang tác động mạnh đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó những thực thể bị ảnh hưởng ngay và trực tiếp là các doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn Hà Nội. Để cắt lỗ, nhiều hộ kinh doanh buộc phải tìm đủ cách xoay xở, chuyển hướng hoạt động, thậm chí chấp nhận sang nhượng, trả lại mặt bằng… Trong bối cảnh đó, cùng với sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, nhiều người cho thuê mặt bằng đã chung tay giúp đỡ khách thuê vượt qua khó khăn, trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/hoi-chung-dam-dong-d120157.html