Hốt hoảng với giá thịt lợn, không giảm mà còn tăng giá

05/04/2020 11:26

Kinhte&Xahoi Nhiều bà nội trợ hốt hoảng khi giá thịt lợn không những không giảm mà còn tăng dù Thủ tướng Chính Phủ, Bộ Nông nghiệp chỉ đạo quyết liệt giảm giá thịt lợn.

Sau "lệnh" yêu cầu giảm giá thịt lợn để bảo đảm cân bằng hài hòa lợi ích của nhà sản xuất, phân phối và người tiêu dùng, kiểm soát CPI, nhất là trong bối cảnh nước đang chung tay chống đại dịch Covid-19, ngày 1/4 hàng loạt các doanh nghiệp chăn nuôi lớn như C.P, Mavin, Japfa, Dabaco… đã thông báo giảm giá lợn hơi xuất chuồng về mức 70.000 đồng/kg. Các trang trại nhỏ cũng bắt đầu giảm giá, tại miền Bắc, giá lợn hơi đã về mức 72.000-78.000 đồng/kg.

Giá thịt lợn của doanh nghiệp này được điều chỉnh tăng từ tháng 4

Những tưởng giá lợn hơi giảm thì giá thịt lợn đến tay người tiêu dùng sẽ được giảm theo nhưng thực tế khảo sát tại các chợ dân sinh, siêu thị, giá thịt lợn vẫn giữ nguyên, dao động từ 140.000 đến hơn 200.000 đồng/kg. Đáng chú ý, có doanh nghiệp còn tăng giá bán trong thời điểm này.

Chị Hà (Linh Đàm, Hà Nội) cho biết, ngày hôm qua chị vừa mua 3 lạng thịt bắp giò lợn không xương của MeatDeli, lúc về nhìn lại hóa đơn mới giật mình hốt hoảng khi giá thịt lợn đã được doanh nghiệp điều chỉnh tăng so với cách đây ít ngày, tăng 55.000 đồng/kg, từ 204.900 lên mức 259.900 đồng/kg.

Chị Hảo (Phạm Văn Đồng, Hà Nội) cũng thắc mắc: “Tôi nghe thời sự, báo đài nói thịt lợn giảm giá từ 1/4, đang mừng vì nghĩ sắp được mua thịt lợn với giá rẻ hơn nhưng ai ngờ không thấy giảm mà lại còn tăng giá, không hiểu tại sao lại như vậy?”.

Theo khảo sát của phóng viên tại siêu thị, ngày 4/4, sản phẩm thịt lợn sạch MeatDeli của Tập đoàn Masan đã được điều chỉnh tăng cao so với thời điểm cuối tháng 3.

Chẳng hạn thịt ba rọi từ 236.900 tăng lên 274.900 đồng/kg (tăng 38.000 đồng/kg); sụn từ 254.900 đồng/kg tăng lên 309.900 (tăng 55.000 đồng/kg); sườn thăn tăng từ 251.900 đồng/kg lên 295.900 đồng/kg (tăng 44.000 đồng/kg); thịt lợn xay đặc biệt từ 164.900 tăng lên 189.900 đồng/kg (tăng 25.000 đồng/kg); thăn chuột từ 174.900 đồng/kg tăng lên 192.900 (tăng 18.000 đồng/kg)….

Trả lời thắc mắc của khách hàng vì sao giá bán của doanh nghiệp lại tăng cao như vậy, nhân viên chăm sóc khách hàng của hệ thống Meat Deli cho biết, trong thời gian qua mặc dù chi phí sản xuất gia tăng, công ty đã cố gắng hết sức kiềm chế việc tăng giá bán đến người tiêu dùng. Tuy nhiên do giá lợn hơi-cấu thành sản phẩm- vẫn không ngừng tăng cao, vượt qua ngưỡng cho phép nên công ty buộc phải điều chỉnh tăng giá bán sản phẩm thịt sạch MeatDeli cho phù hợp với tương quan thị trường và để duy trì tính bền vững kinh doanh.

“Thật sự giá lợn hơi thực tế trên thị trường khác với giá niêm yết và các đối tác vẫn bán ra với giá tăng cao cho doanh nghiệp. Tính ra mức giá hiện tại của thịt sạch MeatDeli so với thị trường chỉ hơn 3-4 nghìn đồng/người/bữa ăn mà lại đảm bảo chất lượng bữa ăn ngon, an toàn cho gia đình”, nhân viên giải thích thêm.

Trong bối cảnh Thủ tướng, Bộ NN&PTNT đang nỗ lực hạ giá thịt lợn để bình ổn xã hội, các doanh nghiệp lớn đến trang trại nhỏ cũng đã chung tay hạ giá thịt lợn. Mặt khác, dịch Covid-19 đang tác động tiêu cực đến nền kinh tế, ảnh hưởng đến đời sống của người dân thì việc chung tay của cộng đồng doanh nghiệp, người dân là rất quan trọng. Từ cụ già, em nhỏ cũng tham gia hưởng ứng lời kêu gọi ủng hộ chống dịch… thì hành động tăng giá thịt lợn (một mặt hàng quan trọng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, chiếm 70% cơ cấu tiêu dùng thực phẩm) trong thời điểm này thật khó chấp nhận được.

Tại cuộc họp ngày 30/3 với các doanh nghiệp chăn nuôi lớn về các giải pháp bình ổn giá thịt lợn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã nhấn mạnh, việc giảm giá thịt lợn ở mức hợp lý không chỉ là trách nhiệm về mặt kinh tế mà còn chính trị, văn hóa, đạo đức đối với người dân. 

Trước đó, Chính phủ, Ban điều hành giá yêu cầu các bộ ngành liên quan cần phải kiểm tra, kiểm soát doanh nghiệp trong việc chấp hành pháp luật về độc quyền, cạnh tranh, để công khai minh bạch chi phí giá thành sản xuất, chăn nuôi lợn, xử lý nghiêm nếu có hiện tượng lợi dụng dịch bệnh để găm hàng, thao túng giá và làm rõ trách nhiệm của việc tăng giá.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ngành hàng hải lùi thời hạn kiểm tra tàu biển để phòng dịch COVID-19

Cục Hàng hải Việt Nam vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị trực thuộc tăng cường các giải pháp thực hiện phòng, chống dịch COVID-19. Đáng chú ý, tại văn bản này, Cục Hàng hải Việt Nam đề nghị các cảng vụ hàng hải lùi thời hạn kiểm tra thực tế tàu biển để ngăn ngừa sự lây nhiễm của dịch COVID-19.

Theo Infonet/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/kinh-te-cong-nghe/hot-hoang-voi-gia-thit-lon-khong-giam-ma-con-tang-gia-d121120.html