'Hững hờ' vàng, lại 'hám' đầu tư tiền ảo?

12/02/2020 08:51

Kinhte&Xahoi Giá vàng đã lập đỉnh cao nhất trong 10 năm qua, với mức trên 45 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, không còn cảnh đổ xô đi mua vàng. Người dân và giới đầu tư dường như không mặn mà với vàng như trước. Trong khi đó, thị trường tiền ảo có dấu hiệu sôi động trở lại.

Mặc dù chưa được cấp phép nhưng thị trường tiền ảo vẫn “âm thầm” sôi động lại. Ảnh minh hoạ

Giá vàng tăng nóng, thị trường vẫn nguội

Thời điểm cuối năm 2019 và 2 tháng đầu năm 2020, thị trường vàng tăng nóng trở lại. Có thời điểm, giá vàng miếng trong nước vượt ngưỡng 45,1 triệu đồng/lượng, mức giá cao nhất trong 10 năm gần đây. Bắt đầu dịp Nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 cũng là thời điểm dịch viêm phổi do virus corona bùng phát ở Trung Quốc và lan rộng sang nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Đầu năm Canh Tý 2020, các công ty vàng miếng trong nước mở cửa phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán sát dịp Ngày Vía Thần tài - khi nhu cầu mua sắm vàng của người dân tăng cao. Những năm trước đây, Ngày Vía Thần tài, người dân xếp hàng từ mờ sáng đến hết cả ngày để chờ mua vàng cầu may. Các tuyến phố nơi có cửa hàng vàng mở cửa liên tục tắc nghẽn từ sáng sớm đến chiều.

Tuy nhiên, năm nay lo ngại dịch cúm, các cửa hàng vàng thưa vắng. Khoảng 8h sáng - giờ cao điểm người dân xếp hàng mua vàng của các năm trước, năm nay đều thưa vắng. Trước cửa hàng vàng chỉ có đội múa lân, nhân viên cửa hàng mặc áo Thần tài khua trống gõ chiêng….

Theo các chuyên gia, trước đây, khi Ngân hàng Nhà nước chưa có quy định siết chặt thị trường vàng, mỗi khi vàng đột ngột tăng giá sẽ khiến giá vàng trong nước tăng phi mã. Người dân xếp hàng dài mua vàng “lướt sóng” kiếm lời. Nhưng hiện nay, thị trường vàng đã thay đổi.

Nhu cầu mua vàng của người dân tại các thời điểm vàng tăng giá cao nhất cũng không tăng lên nhiều.  Khảo sát của Tiền Phong tại các phố vàng nổi tiếng ở Hà Nội như Hà Trung (Hoàn Kiếm), Trần Nhân Tông (Hai Bà Trưng), Cầu Giấy thưa thớt người mua, không còn cảnh chen chúc mua bán, gọi điện hỏi giá vàng mỗi khi tăng giá. Các công ty vàng và cửa hàng vàng cũng không tự ý ra giá vàng như trước mà bám theo sát giá vàng niêm yết tại các công ty vàng lớn như Bảo Tín Minh Châu, Phú Quý, Doji.

Có mặt tại cửa hàng vàng Phú Quý trên đường Trần Nhân Tông, bà Nguyễn Thu Hạnh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, đầu năm bà mua tượng chuột vàng lấy may chứ không có nhu cầu mua vàng tích trữ như trước. Theo bà Hạnh, trước đây, nếu không muốn giữ vàng tại nhà có thể gửi ngân hàng nhận lãi và có thể thế chấp vay tiền. Nhưng đến nay ngân hàng không còn huy động vàng, giao dịch cũng khó hơn do số điểm giao dịch vàng miếng được cấp phép ít hơn trước.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đánh giá, trước đây các ngân hàng có quỹ vàng dồi dào từ nguồn huy động của người dân. Nhưng sau khi Nghị định 24/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có hiệu lực vào năm 2012 đã chấm dứt tình trạng đầu cơ vàng

Tiền ảo “âm thầm” sôi động lại

Sau thời gian sôi động, năm 2019, nhiều đồng tiền ảo trên các sàn giao dịch thế giới rớt giá thê thảm. Thậm chí nhiều loại tiền ảo biến mất khỏi thị trường. Nhiều người đầu tư thiết bị đào tiền ảo cũng rơi cảnh “xếp xó”, phủ bụi. Tuy nhiên, bước sang năm 2020, thị trường tiền ảo có dấu hiệu sôi động trở lại, kéo một lượng không nhỏ các nhà đầu tư cá nhân vào cuộc.

Trên trang giao dịch Coinmarketcap ngày 9/2, đa số các đồng tiền ảo tăng giá từ 25 - 56%. Trong đó, đồng Bitcoin SV (BSV) đạt hơn 9.700 USD/BTC, tăng tới 200% so với đầu năm 2019. Bitcoin đã từng đạt đỉnh 19.000 USD/BTC vào tháng 12/2017 trước khi lao dốc thảm hại xuống hơn 3.200 USD/BTC năm 2019. Đồng Ethereum đã đạt 218 USD/ETH, tăng gần 20% chỉ trong vòng 1 tuần. So với thời điểm đầu năm, đồng tiền ảo này đã tăng tới gần 68%, giá trị vốn hóa thị trường đạt tới 23,8 tỷ USD, chỉ đứng sau Bitcoin.

Tại Việt Nam, việc giao dịch tiền ảo không hợp pháp tuy nhiên giới đầu tư vẫn rỉ tai nhau về một số sàn giao dịch tiền ảo. Tiêu biểu như Sàn BitcoinVN. Ngày 9/2, sàn này niêm yết giá Bitcoin ở mức 246,8 triệu đồng/Bitcoin (tăng gần 20 triệu đồng so với phiên giao dịch ngày 7/2). Các đồng tiền ảo khác cũng tăng giá như 5,7 triệu đồng/1 Ethereum; 1,94 triệu đồng/Litecoin…

Theo các chuyên gia, nỗi lo suy giảm kinh tế do dịch viêm phổi virus corona bùng phát, bất ổn chính trị ở nhiều khu vực là nguyên nhân khiến tiền ảo tăng giá trở lại. Tuy nhiên, giới đầu tư tiền ảo của Việt Nam có thể mất trắng do việc giao dịch tiền ảo ở Việt Nam vẫn chưa được cấp phép. Tuy nhiên, có dấu hiệu dân đầu tư vẫn “ham" sẵn sàng rót những khoản không nhỏ vào tiền ảo và mong sinh lời thật này (?!)

“Việc mua bán vàng trên thị trường không rộng cửa như trước khiến người dân và nhà đầu tư không còn mặn mà với vàng. Vì vậy, nhiều thời điểm giá vàng tăng nóng nhưng thị trường vàng vẫn nguội”, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long
 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Lĩnh vực sản xuất sẽ gặp khó thời gian tới

Dịch nCoV đang có những tác động đến nền kinh tế Việt Nam, dự báo 1-2 tháng tới sẽ thấy rõ những ảnh hưởng này. Nhiều ngành hàng đã lên tiếng lo lắng về tình hình thiếu nguyên liệu sản xuất, có nguy cơ phải dừng sản xuất.

Nguồn: Tiền Phong/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/kinh-te-cong-nghe/hung-ho-vang-lai-ham-dau-tu-tien-ao-d117128.html