Khắc phục tình trạng chậm trễ trong việc bảo tồn, chống xuống cấp di tích

10/08/2022 16:57

Kinhte&Xahoi Thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu Chính phủ, trình Quốc hội tập hợp nguồn lực của Trung ương và địa phương để chống xuống cấp các di tích.

Nguồn lực đầu tư cho tu bổ, giữ gìn di sản văn hóa vẫn còn hạn chế

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Đoàn Bến Tre) cho biết, thời gian qua, các di tích lịch sử quốc gia, đặc biệt là các khu di tích lịch sử cách mạng đã góp phần rất lớn trong việc giáo dục truyền thống, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Tuy nhiên, hiện nay nhiều di tích đã bị xuống cấp cần được trùng tu, tôn tạo, mở rộng để tương xứng với ý nghĩa và giá trị. Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng có giải pháp thu hút nguồn lực cho nhiệm vụ này cũng như các giải pháp nhằm phát huy giá trị của di tích?

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi đặt câu hỏi từ điểm cầu tỉnh Bến Tre

Về ý kiến một số đại biểu cho rằng, vẫn còn tình trạng chậm trễ trong việc bảo tồn, chống xuống cấp di tích, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, nội dung này đã được quy định rõ trong Luật Di sản văn hóa, Nghị đinh 166/2018/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, nguồn lực đầu tư cho tu bổ, giữ gìn di sản văn hóa còn hạn chế. Những năm qua, ngân sách Nhà nước hàng năm đều cấp cho mục tiêu bảo tồn, chống xuống cấp di tích nhưng còn thấp so với nhu cầu thực tế; còn nhiều di tích quốc gia bị hư hỏng qua thời gian nhưng chưa được cấp kinh phí tu bổ.

Việc triển khai lồng ghép các chương trình ở một số địa bàn tỉnh, thành phố còn thiếu tính đồng bộ, còn tâm lý trông chờ ỷ lại nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương.

Trong thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Đồng thời tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò của di sản văn hóa đối với sự phát triển bền vững đất nước, tuân thủ và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật để bảo vệ nghiêm ngặt các yếu tố gốc cấu thành di tích, bảo tồn và phát huy giá trị của di tích.

Làm rõ tình trạng di tích bị biến dạng được làm mới sau khi trùng tu, cải tạo

Đại biểu đánh giá cao và chia sẻ những khó khăn của ngành văn hóa, thể thao và du lịch trong thời gian qua, đặc biệt là trong lĩnh vực bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử dân tộc. Tuy nhiên, đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) cho rằng, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chưa thông tin cụ thể về tình trạng di tích bị biến dạng được làm mới sau khi trùng tu, cải tạo. Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, tới đây Bộ sẽ có quản lý, giám sát, kiểm tra và xử lý như nào với những trường hợp trên?

Trả lời phần tranh luận của đại biểu Dương Khắc Mai về việc không làm trẻ hóa, biến dạng di tích sau khi trùng tu, ông Hùng cho biết, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch chỉ có vai trò thẩm định, xác định việc có xâm hại hay không xâm hại. Các nội dung khác trách nhiệm chính là địa phương.

"Về các sai trái trước đây, Bộ cũng có chấn chỉnh để phát hiện uốn nắn, sửa chữa. Nếu sai phạm lớn, Bộ sẽ đề nghị xử lý và phải có cam kết sẽ tu bổ trả về nguyên trạng. Nếu địa phương nào làm sai sẽ xử lý theo Luật Di sản và quy định hiện hành khác", ông Hùng nói.

Đang trình cấp có thẩm quyền phân bổ 1.428 tỉ đồng để chống xuống cấp di tích

Trả lời câu hỏi về việc di tích lịch sử xuống cấp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, theo thống kê, cả nước có 40.000 di tích, những di tích này đang được rà soát để có phương án bảo tồn, phát triển.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng

Gần 3.600 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia và quốc gia đặc biệt, 8 di sản được UNESCO ghi nhận và nhiều di sản được cấp tỉnh ghi nhận.

Ông Hùng cho biết ở nhiệm kỳ Quốc hội trước, đã có nguồn kinh phí khoảng 245 tỉ đồng phục vụ bảo tồn, trùng tu di tích. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã điều tiết số tiền này cho khoảng 400 di tích. Tuy nhiên, nguồn ngân sách này cũng chưa đủ sức để phục hồi tất cả di tích của cả nước.

Thời gian tới, Bộ tham mưu Chính phủ, trình Quốc hội tập hợp nguồn lực của Trung ương và địa phương để chống xuống cấp các di tích.

Các địa phương đề xuất phải trên 5.000 tỉ để thực hiện công việc này nhưng nguồn lực của Trung ương là không đủ.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang trình cấp có thẩm quyền phân bổ 1.428 tỉ đồng để chống xuống cấp di tích. Khi nhận được nguồn lực này, Bộ sẽ chuyển xuống cho các địa phương trùng tu, tôn tạo.

 Diệu Linh - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/khac-phuc-tinh-trang-cham-tre-trong-viec-bao-ton-chong-xuong-cap-di-tich-203193.html