'Khát vọng vươn xa thương hiệu Việt' nhưng nhiều sản phẩm Sunhouse có nguồn gốc Trung Quốc

26/06/2019 11:13

Kinhte&Xahoi Lâu nay, nhiều người vẫn nhầm tưởng sản phẩm của Tập đoàn Sunhouse là do Việt Nam hoặc Hàn Quốc sản xuất. Thực tế không phải vậy...

Sản phẩm của Sunhouse từng đạt nhiều giải thưởng

Công ty Cổ phần Tập đoàn Sunhouse là một doanh nghiệp có tiếng tại Việt Nam trong lĩnh vực hàng gia dụng, điện gia dụng, thiết bị nhà bếp, thiết bị điện công nghiệp, máy lọc nước, thiết bị chiếu sáng...

Sau 16 năm đi vào hoạt động, Tập đoàn Sunhouse đã sở hữu nhiều giải thưởng như“Thương hiệu mạnh Việt Nam 2013”; “Top 100 thương hiệu – nhãn hiệu hàng đầu Asean 2014”, “Hàng Việt Nam chất lượng cao” do người tiêu dùng bình chọn các năm 2012, 2014, 2015; “Doanh nghiệp tiêu biểu Thủ đô năm 2015”; Sản phẩm công nghiệp chủ lực Thủ đô các năm 2014, 2015…

Trong năm 2015, Sunhouse cũng là doanh nghiệp duy nhất trong lĩnh vực sản xuất và phân phối đồ gia dụng lọt Top 100 Thương hiệu tiêu biểu Việt Nam 2015.

Sản phẩm của Sunhouse được bày bán tại nhiều siêu thị có xuất xứ từ Trung Quốc 

Tại mục giới thiệu trên trang thông tin của doanh nghiệp, Sunhouse cho biết là một trong những Tập đoàn tư nhân lớn mạnh, có chiến lược phát triển bền vững cùng tiềm lực hội nhập quốc tế, làm nên những điều kỳ diệu để tôn vinh thương hiệu Việt. Trên nền tảng những thành tích đã đạt được; bằng sự đoàn kết, nỗ lực của toàn bộ CBCNV; niềm tự hào thương hiệu Việt và khát vọng vươn xa, Tập đoàn Sunhouse đặt mục tiêu trở thành tập đoàn trên 5.000 tỷ vào năm 2020, mở rộng thị trường phục vụ 350 triệu dân; khẳng định tên tuổi trên bản đồ gia dụng thế giới với doanh thu xuất khẩu đạt 10 triệu USD.

Tập đoàn này cho biết còn có cả cụm nhà máy sản xuất đồ gia dụng tại Khu công nghiệp km 21 đường Láng Hòa Lạc diện tích hơn 6 ha.

Là doanh nghiệp đạt nhiều giải thưởng liên quan đến thương hiệu Việt; luôn đề cao, tôn vinh thương hiệu Việt rồi lại có cả nhà máy sản xuất đồ gia dụng nên người tiêu dùng khi sử dụng những sản phẩm của Sunhouse thì đều nhầm tưởng tất cả là hàng Việt Nam và do Sunhouse sản xuất. Tuy nhiên, thực tế không phải vậy, không ít sản phẩm được bày bán trong các siêu thị lớn dưới mác Sunhouse lại có xuất xứ từ Trung Quốc.

Sản phẩm Sunhouse trước đến nay vẫn được nhiều người tin dùng.

Theo tìm hiểu, xuất xứ hàng hóa là nước hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hóa trong trường hợp có nhiều nước hoặc vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất ra hàng hóa đó.

Mục đích của xuất xứ hàng hóa ngoài để xác định sản phẩm nhập khẩu được hưởng ưu đãi về thuế suất hay không thì đây cũng là một trong những chỉ tiêu quan trọng đánh giá chất lượng hàng hóa.

Xuất xứ hàng hóa giúp chúng ta hình dung được nguồn gốc, quê hương, nơi sản xuất của hàng hóa, từ đó có thể nhìn nhận hay đánh giá được chất lượng của hàng hóa đó. Điều này đã được chứng thực ở nhiều quốc gia, chẳng hạn nói đến Pháp người ta nghĩ ngay đến đất nước của rượu vang đỏ được chiết xuất từ những cánh đồng nho bạt ngàn, hay nói đến Braxin người ta nghĩ ngay đến quê hương của cà phê với chất lượng nổi tiếng thế giới. Ở Việt Nam, những thương hiệu đến từ Nhật Bản và gần đây là Hàn Quốc, Thái Lan để lại ấn tượng tốt trong tâm trí của nhiều người như là chuẩn mực cho chất lượng.

Như vậy có thể coi việc xác định xuất xứ hàng hóa cũng là một trong những chỉ tiêu quan trọng đánh giá chất lượng hàng hóa.

Dĩ nhiên, không phải cứ sản phẩm nguồn gốc Trung Quốc là chất lượng tồi. Nhưng có một thực tế phải thừa nhận là sản phẩm có xuất xứ Trung Quốc ít được người tiêu dùng Việt Nam đánh giá cao. Trừ quần áo, giày dép ra thì hầu hết những bà nội trợ khi được hỏi đều cho biết không muốn xài hàng Trung Quốc. Có lẽ tâm lí "sợ hàng Tàu" đã ăn sâu vào trong tiềm thức mỗi người dân Việt.

Quay trở lại câu chuyện của Sunhouse. Câu hỏi được nhiều người tiêu dùng Việt quan tâm hiện nay là tất cả những sản phẩm mang thương hiệu Sunhouse bán tại thị trường Việt Nam, có bao nhiêu % xuất xứ từ Trung Quốc, bao nhiêu % do doanh nghiệp tự làm ra?

Hơn 50% hàng của Sunhouse nhập từ Trung Quốc

Trao đổi với báo chí, bà Trịnh Thị Vân – Cán bộ phụ trách truyền thông Công ty Cổ phần Tập đoàn Sunhouse cho biết, hiện Tập đoàn có hơn 500 mặt hàng gia dụng, trong đó, tỷ lệ đồ điện gia dụng (nồi cơm điện, ấm siêu tốc, máy xay sinh tố…) chiếm hơn 50% hàng bên Trung Quốc.

"Khi đặt hàng tại Trung Quốc, các xưởng sản xuất đều được chúng tôi kiểm định rất rõ ràng. Riêng mặt hàng gia dụng (nồi niêu, xoong, chảo...) phần nhiều sản xuất trong nước, tỷ lệ lên tới hơn 90% hàng tự sản xuất… Còn như về máy xay sinh tố của chúng tôi 100% là hàng của Trung Quốc", bà Vân nói.

Sản phẩm của Sunhouse ghi rõ nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc.

Theo cán bộ truyền thông của Sunhouse thì xu hướng của các doanh nghiệp bây giờ là tập hợp chất xám của các nơi, cộng thêm nơi cung cấp được nguồn lực sản xuất tốt và có giá thành rẻ nhất thì sẽ thực hiện.

"Vì vậy, nơi nào đáp ứng được chất lượng sản phẩm và có giá thành gia công rẻ hơn thì chúng tôi oem hàng (oem là viết tắt của cụm từ Original Equipment Manufacturer - Có thể hiểu là hàng chính hãng nhưng các bộ phận máy móc được nhập khẩu riêng từ nhà máy sản xuất theo từng bộ phận rồi mới được tiến hành thi công lắp ráp – PV)", bà Vân cho hay.

Phóng viên đặt câu hỏi: "Chất lượng và giá thành hàng sản xuất từ Trung Quốc của Sunhouse so với các hàng sản xuất từ nước khác thì như thế nào?", bà Vân nêu quan điểm: "Nếu bạn muốn mua nồi cơm điện nhập khẩu từ Hàn Quốc thì giá lên tới 4 triệu đồng, còn với sản phẩm nồi cơm điện có giá 499.000 đồng thì chắc chắn phải là hàng Trung Quốc, không thể có hàng Hàn Quốc với mức giá như vậy được. Người tiêu dùng có thể lựa chọn sản phẩm nào hợp túi tiền của mình thì sử dụng.

Về việc đánh giá chất lượng, họ sẽ làm theo mẫu chúng tôi yêu cầu, các kỹ sư của chúng tôi sẽ thiết kế mẫu và đưa cho bên sản xuất Trung Quốc. Qua quá trình test của nhiều đơn vị, chúng tôi sẽ lựa chọn đơn vị nào đáp ứng được nhu cầu của chúng tôi thì chúng tôi sẽ thực hiện sản xuất".
 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nhức nhối hàng Trung Quốc đang "đội lốt" hàng Việt Nam: Từ Asanzo đến Sunhouse

Những ngày qua, câu chuyện sản phẩm gia dụng của Asanzo bị "tố" hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt đã khiến dư luận “dậy sóng” và nhiều người tiêu dùng có lý do để lo ngại về thương hiệu hàng Việt khi bị các đối tượng làm ăn bất chính lợi dụng. Câu chuyện của Asanzo không phải là duy nhất bởi trên thị trường vẫn còn nhiều thương hiệu bán ra thị trường đang "mập mờ" về nguồn gốc, xuất xứ.

Nguồn: Hoà Nhập