“Khoảng tối” ở Coma

10/12/2018 09:20

Kinhte&Xahoi Kinh doanh bết bát, nợ phải tính đến hết năm 2017 là hơn 1.000 tỷ đồng, nhưng những con số này vẫn chưa phải là kết thúc ở Coma.

Ẩn số Dự án Golden west

Xin nhắc lại câu chuyện lùm xùm tại dự án Golden west (số 2 Lê Văn Thiêm, Hà Nội – lô đất 2.5 HH) năm 2017, khi mà cư dân tại khu chung cư này buộc lòng phải căng băng rôn tố chủ đầu tư.

Từ chuyện chủ đầu tư tự ý đổ kín sàn tại các ô thông tầng khi xây dựng dự án, đến chuyện bàn giao nhà chưa được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy… khiến cư dân từ bất an chuyển sang bức xúc.

Nhưng mấy ai biết rằng, câu chuyện Công ty CP phát triển thương mại Việt Nam (Vietradico) và Tổng Công ty Cơ khí xây dựng (Coma) đã bắt tay để phát triển dự án Golden west một cách “âm thầm” ra sao!.

Trở lại năm 2007, UBND TP Hà Nội thời điểm đó đã chỉ định cho Coma huy động vốn để xây dựng Cung trí thức TP Hà Nội theo hình thức BT.

Đổi lại, Coma được Hà Nôi chấp thuận chuyển giao lô đất 2.5 HH Lê Văn Thiêm với diện tích hơn 8.700m2 đất để phát triển dự án. Hiện nay, Cung trí thức TP Hà Nội đã đi vào sử dụng.

Xin nhớ rằng, Coma hiện là Công ty Cổ phần (từ tháng 11/2016) đến nay, với số vốn Nhà nước chiếm trên 98%.

Vậy, để có tiền thực hiện dự án 2.5HH Lê Văn Thiêm, Coma đã phải vay Vietradico 150 tỷ đồng để phát triển dự án. Với điều kiện 2 bên thỏa thuận hợp tác kinh doanh cùng phát triển dự án kể trên. Hợp đồng số 469/HĐHTKD ngày 23/7/2008 là cái “bắt tay” lịch sử của Coma và Vietradico.

Căng thẳng tại chung cư Golden West đã kéo dài do vi phạm của chủ đầu tư không được giải quyết. Ảnh Trần Kháng.

Ngay sau đó, hai đơn vị này thành lập Công ty Comaland để triển khai dự án trên ô đất 2.5HH Lê Văn Thiêm, vốn điều lệ 160 tỷ đồng (Coma – 10 tỷ đồng; Vietradico – 150 tỷ đồng được hình thành bằng số tiền Coma vay của Vietradico).

Một thời gian sau, Vietradico đã tiến hành mua lại toàn bộ cổ phần của Coma tại Comaland.

Coma và Vietradico đã ký hợp đồng số 430/HĐCNCP-COMALAND ngày 11/8/2010, chuyển nhượng toàn bộ 1 triệu cổ phần thuộc sở hữu của Coma tại Comaland cho Vietradico với giá 140 tỷ đồng tương ứng với giá bán 140.000đ/cổ phần.

Đến ngày 5/4/2013, Coma và Vietradico ký biên bản thanh lý hợp đồng chuyển nhượng cổ phần số 430/HĐCNCP-COMALAND, xác nhận Vietradico còn nợ Coma số tiền chuyển nhượng cổ phần là 46 tỷ đồng (đã trả 94 tỷ đồng).

Nói cho dễ hiểu, khi tôi vay của anh tiền, đến hạn tôi có thanh lý hợp đồng với anh. Như vậy, là câu chuyện kết thúc. Nhưng chuyện “ly kì” lại bắt đầu tiếp diễn với những con số khó lường.

Đã có những văn bản đã thể hiện, sau đó, Coma và Vietradico lại ký phụ lục 02 Hợp đồng đã thanh lý (430/HĐCNCP-COMALAND) và lại ký biên bản thanh lý hợp đồng này (lần 2) điều chỉnh giá bán cổ phần. Cuối cùng, Vietradico chỉ còn nợ Coma số tiền chuyển nhượng cổ phần là hơn 15 tỷ đồng.

Vậy, những giấy tờ này có xác thực hay ko? Những thông trên liệu có là sự thật? Có đúng là Coma và Vietradico đã cùng nhau thực hiện các văn bản ký phụ lục nêu trên?

Vậy khi tiến hành ký hợp đồng với Vietradico, Coma có thực hiện định giá tài sản theo đúng quy định của pháp luật hay không? Thời điểm chuyển nhượng, dự án chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, liệu các bên có vi phạm các quy định?

Trụ sở Tổng Công ty cơ khí xây dựng (Coma) tại số 125D Minh Khai, Hà Nội.


Để khách quan thông tin, PV đã chủ động có buổi làm việc với Tổng Công ty cơ khí xây dựng (Coma) để xác minh những thông nêu trên.

Tại trụ sở Coma ngày 26/11, Chủ tịch HĐQT Coma ông Lê Minh Hải và Tổng Giám đốc Coma ông Dương Văn Hồng đã có những thông tin sơ lược với phóng viên.

Qua trao đổi nội dung cần thông tin, Tổng Giám đốc Coma - ông Dương Văn Hồng cho hay: “Thứ nhất: Vấn đề đó, như các anh muốn tìm hiểu, muốn xem, mà chúng tôi cho rằng rất mất thời gian.

Còn cái thứ 2: Chính thức mà nói, Bộ Công an đang điều tra vấn đề này,

Chúng tôi sẽ gửi anh báo cáo mà Coma gửi Bộ Công an. Hoặc chờ cơ quan công an có kết luận thì chúng tôi sẽ gửi các anh.

…Cuối năm 2013, Bộ Xây dựng đã có văn bản đồng ý cho Coma chuyển nhượng dự án.

Về việc định giá: Tôi sẽ kiểm tra lại vì nhiều văn bản quá”.

Cuối buổi làm việc, vị Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc Coma đều nói rằng, phía cơ quan truyền thông báo chí gửi Công văn sang đề nghị cung cấp tài liệu chúng tôi sẽ cung cấp, và hẹn làm việc vào ngày 30/11 (thứ 6).

Tuy nhiên, đến ngày 30/11 khi phóng viên chủ động điện thoại về buổi làm việc thì vị Tổng Giám đốc Coma cho rằng đang làm việc với cơ quan công an điều tra vì vậy không làm việc với Phóng viên được.

Vài ngày sau, một buổi làm việc giữa cơ quan báo chí và lãnh đạo Coma được diễn ra, tuy nhiên, Tổng giám đốc Coma và nhiều Thành viên HĐQT Coma vắng mặt.

Biên bản Thanh lý Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần số 430 giữa Coma và Vietradico.


Có dấu hiệu làm thất thoát tài sản Nhà nước!

Theo Luật sư Vi Văn Diện – Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiên Minh thì vụ việc này rất phức tạp, có nhiều dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước.

Có dấu hiệu vi phạm điều 13 Pháp lệnh giá số 40/2002/UBTVQH10 ngày 26/4/2002 và điểm 11 mục A Thông tư 24/2007/TT - BTC ngày 27/3/2007 khi không tổ chức định giá trong việc ký hợp đồng số 469/HĐHTKD ngày 23/7/2008 và không tổ chức định giá giá trị cổ phần của ComaLand (đơn vị được giao dự án BĐS 2.5 HH Lê Văn Thiêm).

Có dấu hiệu vi phạm quy định nêu tại Khoản 4.4 Điểm 4 Điều 6 Mục I, Chương II, Thông tư 117/2010/TT - BTC ngày 05/08/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn cơ chế tài chính đối với Công ty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu, thể hiện quy định về chuyển nhượng các khoản đầu tư tài chính, tự thỏa thuận về giá so với Hợp đồng ban đầu không có thẩm định giá của các cơ quan chức năng tại thời điểm ký hợp đồng số 430/HĐCNCP - COMALAND về việc chuyển nhượng cổ phần tại ComaLand khi không thuê tổ chức tài chính trung gian định giá, thực hiện bán cổ phần không qua đấu giá công khai mà tự thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần.

Có dấu hiệu vi phạm quy định tại Điểm 6, Điều 1, Nghị định số 189/2013/NĐ - CP ngày 20/11 /2013 sửa đổi bổ sung 1 số điều của Nghị định số 59/2011/NĐ - CP ngày 18/7/2011 trong việc Coma chuyển nhượng dự án không đúng đối tượng trong quá trình cổ phần hóa.

Có dấu hiệu vi phạm quy định tại Điều 49, Mục 2, Chương II, Luật số 66/2014/QH13 ngày 251/1/2014 về kinh doanh bất động sản trong việc Coma chuyển nhượng dự án khi chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.

Tổng công ty Cơ khí Xây dựng - Công ty Cổ phần được thành lập năm 1995 thuộc Bộ Xây dựng. Tổng công ty thực hiện cổ phần hoá và chuyển đổi sang hoạt động Công ty cổ phần theo quyết định của Thủ tướng. Ngành nghề kinh doanh chính của công ty là sản xuất thùng, bể chưa và dụng cụ chưa đựng bằng kim loại; Gia công cơ khí; Giám sát thi công xây dựng công trình đường bộ, tư vấn, môi giới, đấu giá bất động sản…

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017, tổng tài sản của Coma đến ngày 31/12/2017 là 1.263 tỷ đồng; Vốn chủ sở hữu 188,9 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả 1.074 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn 1.063 tỷ đồng, nợ dài hạn 11,3 tỷ đồng. Doanh thu năm 2017 đạt 457 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế âm 37,5 tỷ đồng. 


Theo Phapluatplus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM