Không siết chặt việc cấp giấy đi đường, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh sẽ rất lớn

24/08/2021 15:57

Kinhte&Xahoi Mặc dù Hà Nội vẫn đang tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội nhưng trên một số tuyến đường của Thủ đô lại khá đông đúc. Nếu tình trạng này vẫn tiếp tục tái diễn sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác phòng chống dịch Covid-19.

"Lãng phí giãn cách" nếu cấp giấy đi đường tràn lan

 Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trên địa bàn, thành phố Hà Nội đã quyết định giãn cách xã hội thêm 2 tuần (đến 6h ngày 6/9) và kiên quyết yêu cầu người dân “ai ở đâu thì ở đó” nhằm khống chế sự lây lan của dịch bệnh. Tuy nhiên trong những ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội đợt 3, một số con phố vẫn tấp nập người qua lại.

Theo ghi nhận của phóng viên, trong ngày 23 và sáng 24/8, tại một số tuyến phố như: Láng, Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng, Nguyễn Trãi... lượng người ra đường đông hơn so với những ngày đầu của đợt giãn cách trước. Người dân dừng đèn đỏ san sát nhau khiến việc giãn cách khó đảm bảo an toàn về phòng, chống dịch.

Mặc dù Hà Nội vẫn đang tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội nhưng trên một số tuyến đường của Thủ đô lại khá đông đúc

Theo Công an thành phố Hà Nội, trong ngày đầu của đợt giãn cách thứ 3, hơn 700 trường hợp vi phạm phòng chống dịch đã bị lực lượng chức năng xử phạt với số tiền gần 1,1 tỷ đồng - số xử phạt không hề thuyên giảm so với những ngày đầu tiên Hà Nội thực hiện giãn cách.

6 tổ công tác liên ngành về tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm, triệt để các hành vi vi phạm về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và các vi phạm pháp luật khác đã kiểm soát 1.824 trường hợp; Trong đó, phát hiện, xử lý vi phạm hành chính 27 trường hợp (13 trường hợp ra đường không có lý do chính đáng; 14 trường hợp không có giấy đi đường) với số tiền 54.150.000 đồng. Thậm chí, có trường hợp không có giấy đi đường, còn dùng lời lẽ xúc phạm và chống đối cán bộ chốt kiểm soát.

Đặc biệt, lực lượng chức năng đã xử phạt nhiều trường hợp ra đường không có lý do chính đáng, thậm chí người ra đường không mang giấy đi đường vẫn ra ngoài với đủ lý do.

Đại úy Trần Ngọc Lực, Đội Cảnh sát giao thông số 3 (Công an thành phố Hà Nội) cho biết: Quá trình kiểm tra cho thấy, lượng người ra đường vẫn khá đông, phương tiện lưu thông nhiều và hầu hết đều có giấy đi đường của doanh nghiệp, cơ quan.

“Bất cập hiện tại cho lực lượng kiểm soát là việc cấp giấy đi đường quá tràn lan, không thể kiểm soát hết. Trong quá trình kiểm tra, trường hợp dạng nghi vấn, chúng tôi sẽ chụp lại để sau đó về xác minh lại giấy đi đường này có đảm bảo hay không? Hay họ tự cấp, tự phát cho người đi đường”, Đại uý Lực nói.

Hà Nội yêu cầu người dân “ai ở đâu thì ở đó”

 Trong thời điểm hiện tại, việc người dân "ai ở đâu ở yên đó" là vô cùng quan trọng, giúp thành phố khống chế sự lây lan, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng và kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh.

Trong Công điện số 19, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu người dân thực hiện nghiêm các quy định giãn cách xã hội để phòng chống dịch; Kiên quyết yêu cầu người dân “ai ở đâu thì ở đó"

Người dân dừng đèn đỏ san sát nhau khiến việc giãn cách khó đảm bảo

Hà Nội tiếp tục giãn cách xã hội đợt 3 và khẳng định đây là thời điểm then chốt, quyết định đến hiệu quả công tác phòng chống dịch. Trong 2 tuần này, Công an thành phố tổ chức triển khai kịp thời các giải pháp tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc chấp hành của người dân khi ra đường và các phương tiện tham gia giao thông; Việc cấp giấy đi đường của các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn; Xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm không đúng quy định.

Đồng thời, Hà Nội yêu cầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn chấp hành nghiêm quy định giãn cách xã hội. Siết chặt việc cấp và quản lý giấy đi đường cho cán bộ công chức, viên chức, người lao động của đơn vị, đảm bảo đúng đối tượng và quy định của thành phố.

Người dân, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp cần tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định giãn cách xã hội để phòng chống dịch tại Chỉ thị số 17 của Chủ tịch UBND thành phố theo nguyên tắc người cách ly với người, gia đình cách ly với gia đình, khu phố cách ly với khu phố; Thôn xóm cách ly với thôn xóm; Xã, phường cách ly với xã, phường; Quận, huyện cách ly với quận, huyện; Thành phố cách ly với tỉnh... Thành phố kiên quyết yêu cầu người dân “ai ở đâu thì ở đó” nhằm khống chế sự lây lan, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng và kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trong thời gian giãn cách xã hội.

Lực lượng chức năng kiểm tra giấy đi đường

Lãnh đạo TP Hà Nội lưu ý đây là thời điểm then chốt, quyết định đến hiệu quả công tác phòng chống dịch, mỗi người dân Thủ đô là một chiến sĩ, mỗi gia đình, tổ dân phố, thôn, xóm, cơ quan, doanh nghiệp… là một "pháo đài" chống dịch.

Trong thời gian giãn cách xã hội, thành phố yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như: Mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, khám chữa bệnh, tiêm chủng và các trường hợp khẩn cấp khác; Đi công tác công vụ, làm việc tại cơ quan, công sở, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu được phép hoạt động. Thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp, không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và nơi công cộng...

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, nguy cơ dịch bệnh tại Thủ đô vẫn còn tiềm tàng, khó lường. Do đó, từ nay đến ngày 6/9, Hà Nội cần tiếp tục làm nghiêm, hạn chế việc người dân ra đường, thực hiện xét nghiệm đối tượng có nguy cơ… nếu không sẽ rất lãng phí thời gian giãn cách, triệt để giải quyết đẩy lùi dịch bệnh.

 Thanh Hà - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/khong-siet-chat-viec-cap-giay-di-duong-nguy-co-lay-nhiem-dich-benh-se-rat-lon-174792.html