Kinh tế Việt Nam diễn biến tích cực nhưng cần đề phòng ''gió ngược''

19/05/2023 11:06

Kinhte&Xahoi Ngày 19-5, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã công bố báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 5-2023, trong đó cảnh báo một số rủi ro mà nền kinh tế nước ta cần chủ động ứng phó.

Ảnh minh họa

Báo cáo ghi nhận, kinh tế Việt Nam giai đoạn hiện nay chứng kiến nhiều diễn biến tích cực. Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 4 tăng nhẹ 0,5% so với tháng 3. Doanh số bán lẻ trong tháng 4 ghi nhận tốc độ tăng trưởng 11,5% so với tháng trước đó. Doanh số ngành dịch vụ tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ, chủ yếu do sự mở rộng của dịch vụ du lịch, khách sạn, ăn uống.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tiếp tục giảm từ 3,4% trong tháng 3 xuống còn 2,8% trong tháng 4, với thực phẩm và nhà ở là hai yếu tố đóng góp chính. Lạm phát cơ bản giảm từ 4,9% trong tháng 3 xuống 4,6% trong tháng 4.

Tuy nhiên, WB cảnh báo, nền kinh tế đang phải đối mặt với những cơn "gió ngược" bên ngoài khi nhu cầu bên ngoài suy yếu tiếp tục tạo áp lực giảm xuất khẩu, dẫn đến sản xuất công nghiệp giảm. 

Điều này thể hiện rõ ở việc, xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa giảm lần lượt 17,1% và 20,5% (so với tháng trước đó) vào tháng 4-2023. Sức cầu suy yếu, đặc biệt là ở Mỹ và EU, khi xuất khẩu sang hai thị trường này tương ứng giảm 22,1% và 14,1% trong 4 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái.

Báo cáo cũng chỉ ra, dù tiêu dùng trong nước vẫn mạnh nhưng tăng trưởng tín dụng chậm lại, phản ánh nhu cầu tín dụng yếu. Bất chấp việc nới lỏng chính sách và cắt giảm lãi suất cho vay của Ngân hàng Nhà nước vào tháng 3 và thanh khoản thị trường dồi dào, tăng trưởng tín dụng ước tính đã giảm xuống 9,2% vào tháng 4, từ mức 9,9% vào tháng 3 và 12,2% vào tháng 2, đây là tín hiệu cho thấy một nền kinh tế đang chậm lại. 

Trong bối cảnh đó, WB lưu ý Việt Nam theo dõi xu hướng thắt chặt hơn nữa các điều kiện tài chính toàn cầu, điều này đòi hỏi việc quản lý ngoại hối phải linh hoạt để thích ứng với các điều kiện bên ngoài.

WB cho rằng, đẩy nhanh giải ngân đầu tư công có thể hỗ trợ tổng cầu và tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, đồng thời đảm bảo đầu tư vào nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng xanh, có khả năng phục hồi để giúp thúc đẩy phát triển kinh tế trong dài hạn. 

 Hoàng Linh - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Hà Nội mới http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Kinh-te/1064753/kinh-te-viet-nam-dien-bien-tich-cuc-nhung-can-de-phong-gio-nguoc