Tình trạng quá tải hàng hóa tại Cảng Cát Lái được các cơ quan chức năng liên quan kịp thời tháo gỡ.
Sau hơn 1 tháng TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội, lượng hàng tồn bãi tại Cảng Cát Lái chạm mức tối đa. Theo Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (viết tắt là Tân Cảng Sài Gòn), sản lượng container xuất nhập tàu thông qua cảng giảm lần lượt theo các tuần là 0,2%, 18,03% và 5,4%; sản lượng giao container hàng nhập, nhận container hàng xuất giảm lần lượt 4,78%, 10,48% và 18,13%; lượt xe ra vào cảng giao nhận giảm lần lượt 3,14%, 10,05% và 15,59%.
Từ đó khiến dung lượng tồn bãi tại Cảng Cát Lái luôn chạm mức hết công suất, đặc biệt dung lượng dành cho hàng nhập luôn chạm ngưỡng trên 100% công suất.
Tổng Giám đốc Tân Cảng Sài Gòn Ngô Minh Thuấn cho hay, do nhiều nhà máy, doanh nghiệp xuất nhập khẩu dừng hoạt động, cắt giảm sản lượng nên không thể tiếp nhận khiến container bị lưu lại cảng nhiều gây ùn tắc. Mặt khác, nhân lực để duy trì hoạt động liên tục cho cảng cũng giảm xuống khoảng 50%, nhất là công nhân xếp dỡ tàu ngày càng thiếu trầm trọng.
Theo Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Nguyễn Xuân Sang, Cục đã thống nhất với Tân Cảng Sài Gòn cùng các đơn vị liên quan, giao Chi cục Hàng hải tại thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với doanh nghiệp khai thác cảng làm việc cụ thể với từng chủ hàng có hàng tồn tại cảng để cùng tháo gỡ các vướng mắc, sớm nhận hàng để tăng năng lực giải phóng hàng; giao Tân Cảng Sài Gòn điều chỉnh chất, xếp container giữa các khu vực bãi container hàng nhập, hàng xuất, rỗng để tăng khả năng tiếp nhận cho container hàng nhập; tạm thời ngưng chuyển container hàng nhập từ các cảng thuộc khu vực Cái Mép, Cảng Hiệp Phước về Cảng Cát Lái...
Cục trưởng Cục Hải quan thành phố Đinh Ngọc Thắng cho hay, hiện Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 1 đang phối hợp để hỗ trợ Tân Cảng Sài Gòn thực hiện vận chuyển container hàng tồn đọng trên 90 ngày ở Cảng Cát Lái về lưu giữ tại Cảng Hiệp Phước.
Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thanh lý, xử lý hàng tồn đọng, buộc tái xuất đối với các lô hàng không đủ điều kiện nhập khẩu ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Đối với việc thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu, ứng dụng công nghệ thông tin để bảo đảm hoàn thành thông quan hàng hóa nhanh nhất, giúp doanh nghiệp lấy hàng hóa kịp thời.
Về phía doanh nghiệp, Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ thương mại vận tải Minh Liên (quận Bình Thạnh) Đỗ Xuân Phú, cũng đồng tình và góp ý: "Cảng Cát Lái nên ưu tiên xử lý hàng cho các doanh nghiệp còn hoạt động, còn doanh nghiệp nào tạm ngưng nên cho lưu hàng ở các cảng khác".
Cùng với các bộ, ngành và cơ quan chức năng liên quan của thành phố Hồ Chí Minh, Tân Cảng Sài Gòn thống nhất quy trình với khách hàng, hãng tàu, cơ quan hải quan trước các đợt vận chuyển từ Cảng Cát Lái đến các cảng cạn/ICD lân cận, nhằm giải quyết lượng hàng hóa nhập khẩu tồn bãi.
Tổng Giám đốc Tân Cảng Sài Gòn Ngô Minh Thuấn cho biết, Tân Cảng Sài Gòn cũng đã triển khai kế hoạch vận chuyển hàng hóa nhập khẩu tồn bãi trên 15 ngày đang lưu giữ tại Cảng Cát Lái đến cảng biển khác trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và các cảng cạn/ICD thuộc hệ thống như Long Bình, Nhơn Trạch, Sóng Thần, Hiệp Phước. Ngoài ra, tối ưu hóa hiệu quả sử dụng bãi cảng…
Song song đó, Tân Cảng Sài Gòn cũng tổ chức hội thảo “Đối thoại khách hàng” ở quy mô lớn theo hình thức trực tuyến, trực tiếp làm việc với từng khách hàng nhằm có giải pháp và chính sách hỗ trợ phù hợp để khách hàng nhanh chóng giải phóng container hàng nhập ra khỏi cảng.
Thời gian tới, Tân Cảng Sài Gòn tiếp tục triển khai các nhóm giải pháp kịp thời tháo gỡ những nguy cơ gây đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất. Sau hơn 1 tuần xử lý, lượng hàng hóa tồn trong ngày tại Cảng Cát Lái chỉ chiếm khoảng 85% dung lượng bãi, hoạt động tại cảng dần ổn định và thông suốt trở lại.
Gia Bảo - Hà Nội mới