Kỳ tích tăng trưởng GDP

01/01/2021 17:18

Kinhte&Xahoi Với mức tăng 2,91%, năm 2020, Việt Nam thuộc nhóm nước có mức tăng trưởng GDP cao nhất thế giới. Nhiều dự báo cho thấy tăng trưởng GDP của Việt Nam tiếp tục bứt phá mạnh mẽ trong năm 2021, khi đại dịch Covid-19 được nhận định vẫn tiếp tục hoành hành thế giới.

Nông nghiệp tiếp tục khẳng định là “bệ đỡ” của nền kinh tế Việt Nam.

“Bệ đỡ” của nền kinh tế

Năm 2020, thế giới đảo lộn vì đại dịch Covid-19. Nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới đã chao đảo vì loại vi rút chưa từng có trong lịch sử. Trong bối cảnh đó, Việt Nam cũng không phải ngoại lệ.

Sản xuất kinh doanh đình trệ, doanh nghiệp dừng sản xuất, thu ngân sách giảm sút trong khi vẫn phải chi ra hàng nghìn tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch…

Tuy nhiên, với việc khống chế thành công Covid-19 ở cả hai đợt dịch bùng phát, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ trong việc thực hiện mục tiêu “kép”, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, kinh tế Việt Nam đã vượt đáy ngoạn mục và kết thúc năm với mức tăng trưởng xấp xỉ 3%; trong khi kinh tế thế giới dự kiến suy giảm ít nhất 4%.

Theo nhận định của Ngân hàng Thế giới (WB) trong báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam “Điểm lại”,  Việt Nam có kết quả đó là nhờ khả năng chống chịu của cả khu vực kinh tế trong nước và kinh tế đối ngoại. Không những kiềm chế được đại dịch bằng những biện pháp sớm, quyết liệt và sáng tạo, Chính phủ còn sử dụng các chính sách tài khóa và tiền tệ để tháo gỡ khó khăn cho khu vực tư nhân và thúc đẩy phục hồi.

Trong khi nhiều ngành kinh tế gặp khó khăn vì đại dịch thì nông nghiệp nổi lên là một điểm sáng khi tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành khoảng 2,65%, gần bằng tốc độ tăng trưởng GDP chung.

Đặc biệt năm 2020 vừa qua là một năm “khó khăn chồng chồng chất khó khăn” của ngành nông nghiệp khi vừa chịu tác động của dịch Covid-19 , dịch tả lợn châu Phi, vừa gồng mình với lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra ở cả 3 miền với mức độ nghiêm trọng. 

“Trong bối cảnh đặc biệt khó khăn đó, ngành nông nghiệp một lần nữa cho thấy vai trò sống còn trong đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, một lần nữa khẳng định tiếp tục làm bệ đỡ của nền kinh tế quốc dân…”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh tại Hội nghị triển khai công tác năm 2021 của ngành nông nghiệp. 

Người đứng đầu Chính phủ cũng đánh giá cao khi năm 2020, ngành nông nghiệp đã thích ứng tốt khi chống chọi với đại dịch, thiên tai; sản xuất nông lâm thủy sản vẫn duy trì, phát triển, đảm bảo đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho tiêu dùng của gần 100 triệu dân và phục vụ xuất khẩu (XK). Đó là cơ sở Thủ tướng giao chỉ tiêu XK cao hơn cho ngành kinh tế “bệ đỡ” này trong năm 2021.

“Đòn bẩy” từ các FTA

Cho đến thời điểm hiện tại Việt Nam đã tham gia 14 hiệp dịnh thương mại tự do (FTA), trong đó  Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) vừa ký tháng 11/2020 dự kiến có hiệu lực vào đẩu năn 2021 sau khi được Quốc hội phê chuẩn.

Trong một báo cáo  có tựa đề “Nền kinh tế Việt Nam vẫn vững vàng bất chấp những thách thức do Covid-19”, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã đánh giá triển vọng kinh tế của Việt Nam trong trung hạn và dài hạn vẫn rất tích cực; và việc Việt Nam tham gia một số lượng lớn các FTA song phương và đa phương sẽ giúp nền kinh tế của đất nước phục hồi. 

Theo ADB, các FTA như EVFTA, CPTPP và mới đây là RCEP đã và sẽ là những kênh đầu tư - thương mại quan trọng để Việt Nam có thể tối đa hóa những lợi ích từ sự dịch chuyển và cơ cấu lại các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị của dòng thương mại và đầu tư toàn cầu cũng như trong khu vực.

Thực tế ngay sau khi EVFTA có hiệu lực từ 1/8/2020, XK nông sản sang Châu Âu (EU) đã tăng vọt. Trong hai tháng sau khi EVFTA chính thức có hiệu lực, kim ngạch XK nông sản của Việt Nam vào EU đã đạt 766,3 triệu USD.

Giá trị kim ngạch XK nông sản sang EU trong tháng 8 tăng tới 11,9% so với tháng 7/2020; sang tháng 9, giá trị kim ngạch XK nông sản sang EU tăng tới 35% so với tháng 8. Nhờ đó kim ngạch XK của nông sản Việt Nam trong năm 2020 đã đạt trên 41,2 tỷ USD, tăng 2,5% so với 2019. 

Năm 2020, XK cũng là điểm sáng của kinh tế Việt Nam khi kim ngạch XK hàng hóa đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5%; nhập khẩu hàng hóa đạt 262,4 tỷ USD, tăng 3,6%. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2020 ước tính xuất siêu 19,1 tỷ USD, mức cao nhất trong 5 năm liên tiếp xuất siêu kể từ 2016.

Theo chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu & Cạnh tranh, cùng với đầu tư công và đầu tư của khu vực tư nhân, trong đó đặc biệt đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thì sản xuất và XK là động lực quan trọng duy trì tăng trưởng cho nền kinh tế.

Còn theo TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Việt Nam đã thành công trong mục tiêu kép đẩy lùi dịch bệnh vừa phát triển sản xuất kinh doanh, đối với mục tiêu kinh tế cũng đạt cả ba yêu: cầu ổn định, tăng trưởng và kết nối.

Do đó, theo Chủ tịch VCCI, việc tận dụng các cơ hội đến từ những hiệp định thế hệ mới vừa được ký kết sẽ là động lực quan trọng để làm “đòn bẩy” cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2021 và những năm tiếp theo.

Kỳ vọng bứt phá 

Với nhận định năm 2021 đại dịch Covid-19 tiếp tục tác động tiêu cực trên nhiều mặt đến kinh tế thế giới và trong nước, Nghị quyết số 124/2020/QH14 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 đã đưa ra nhiều chỉ tiêu kinh tế vĩ mô, trong đó có tỷ lệ tăng trưởng GDP 6%.

Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, khả năng Việt Nam đạt được mức tăng trưởng cao hơn mức 6% mà Quốc hội đưa ra.

Trong báo cáo “Điểm lại”, WB nhận định trong thời gian tới, triển vọng của Việt Nam được cho là tích cực khi nền kinh tế được dự báo tăng trưởng ở mức khoảng 6,8% trong năm 2021 và sẽ ổn định quanh mức 6,5% các năm tiếp theo.

Còn Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh trong năm 2021 với dự báo tăng trưởng khoảng 6,5%, trong điều kiện nền kinh tế sẽ tiếp tục duy trì trạng thái bình thường mới. “Đây là điều kiện để hoạt động của các doanh nghiệp được duy trì, tiêu dùng và đầu tư từng bước phục hồi. Bên cạnh đó, XK của Việt Nam tiếp tục đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh nhu cầu trên toàn cầu đang tăng lên”, ông Francois Painchaud, đại diện thường trú IMF tại Việt Nam nói.

Khối Nghiên cứu kinh tế toàn cầu HSBC đưa ra dự báo kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng 2,6% trong năm 2020, từ đó tạo đà phát triển để đạt mức 8,1% trong năm 2021.

Theo đại diện HSBC, bước sang năm 2021, Việt Nam sẽ tiếp tục đà hồi phục nhờ được hưởng lợi từ sự phục hồi của tiêu dùng trong nước, tăng trưởng thương mại ổn định và nhờ vào dòng vốn FDI. Trong khi đó, với bối cảnh tiêu dùng chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh, lạm phát sẽ tiếp tục được kiểm soát ở dưới mức bình quân 4% mà Quốc hội đề ra. 

Tuy nhiên, thách thức với Việt Nam trong năm 2021 và các năm tiếp theo không phải không có. Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam  cho rằng, Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt để phục hồi sau Covid-19.

Do đó, Việt Nam đang có cơ hội để chọn con đường phát triển xanh hơn, thông minh hơn và bao trùm hơn và nhờ đó trở nên vững vàng hơn trước những cú sốc trong tương lai do cả đại dịch và hay thảm họa thiên nhiên. Tuy nhiên, đại diện WB lưu ý, Việt Nam phải xử lý những thách thức về khí hậu và môi trường với tinh thần khẩn trương như đã làm với Covid-19.

“Cái giá phải trả từ việc không hành động ngày càng tăng và khó có thể đảo ngược. Đợt bão lụt lịch sử tại miền Trung vừa qua và ô nhiễm không khí tăng lên ở các thành phố lớn trong nước là minh chứng rõ rệt về sự mong manh dễ tổn thương này”, bà Carolyn Turk nhấn mạnh.

Điểm đến đầu tư hấp dẫn!

“Các FTA đã kết thúc đàm phán, đã được ký hay đã có hiệu lực như UKVFTA, EVFTA hay RCEP sẽ tiếp tục là tiền đề vững chắc để thúc đẩy tăng trưởng cho lĩnh vực XK, đẩy mạnh thặng dư thương mại. Trong khi đó, với nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc và khả năng đẩy lùi dịch bệnh, không khó để thấy Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến đầu tư sáng giá trong khu vực, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử-công nghệ…”.

(Ông Tim Evans, TGĐ Ngân hàng HSBC Việt Nam)

“Những phản ứng nhanh chóng, hệ thống truy vết rộng khắp, và sự truyền thông hiệu quả của Chính phủ cũng như sự tuân thủ của cộng đồng đã giúp Việt Nam giảm thiểu thiệt hại từ loại virus chết người Covid-19.

Thành công trong việc phòng chống dịch bệnh đã giúp Việt Nam sớm bắt đầu công cuộc phục hồi kinh tế và trong bối cảnh các công ty liên tục điều chỉnh chuỗi cung ứng toàn cầu, sự ứng phó hiệu quả của Chính phủ Việt Nam đối với đại dịch sẽ càng nâng tầm vị thế của Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn. Chúng tôi vẫn lạc quan rằng năm 2020 sẽ kết thúc tốt đẹp tạo tiền đề cho một năm 2021 thật vững chắc”.

(Bà Virginia B. Foote, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam)

“Trước khi đại dịch bùng phát, Việt Nam đã là một điểm sáng trên bản đồ đầu tư và nhiều nhà đầu tư đã đến Việt Nam để tìm hiểu rõ hơn về cơ hội tại đây. Tuy nhiên, nhiều người mới chỉ dừng lại ở bước nghiên cứu về tính khả thi mà chưa tiến hành đầu tư.

Thời điểm này, Việt Nam là điểm đến đáng đầu tư nhất. Việt Nam thu hút sự chú ý nhờ công tác ứng phó rất tốt với dịch Covid-19 và chúng ta có thể tận dụng điều này để đẩy mạnh quảng bá đất nước tới các nhà đầu tư lớn từ nước ngoài”.

(Bà Châu Tạ, Chủ tịch Phòng Thương mại Úc - ASEAN)


 

 Thanh Thanh - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Vietnam Airlines báo lỗ ít hơn dự kiến

Lỗ hợp nhất dự kiến của VNA năm 2020 ở mức 14.445 tỷ đồng, trong đó số lỗ của công ty mẹ dự kiến ở mức hơn 12.000 tỷ đồng, giảm lỗ 2.420 tỷ đồng so với kế hoạch.

Thêm cơ hội thu hút vốn FDI vào Việt Nam

Khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra là cơ hội để kiểm tra lại phương pháp thu hút và duy trì hiệu quả các dự án đầu tư nước ngoài (FDI), đồng thời tạo liên kết kinh tế giữa khu vực FDI và khu vực kinh tế trong nước.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/kinh-te-cong-nghe/ky-tich-tang-truong-gdp-d144919.html