Làm ăn thời khó, tỷ phú Việt tạo dựng cỗ máy 'in tiền' tỷ USD

01/03/2021 11:24

Kinhte&Xahoi Nhiều tỷ phú Việt vừa trải qua một năm giông bão nhưng cũng là năm tập trung để tạo nền tảng cho tập đoàn và chờ thời bứt phá. Khó khăn giúp các doanh nhân thấy được những lỗ hổng cần lấp vá.

Năm vượt khó 

Chỉ trong vài tháng cuối 2020, cổ phiếu MSN Công ty CP Tập đoàn Masan của ông Nguyễn Đăng Quang tăng gần gấp đôi, có lúc lên tới 95.000 đồng/cp (hồi giữa tháng 11/2020). Tới cuối tháng 1/2021, mức giá có lúc lên tới gần 100.000 đồng/cp. 

Tài sản của tỷ phú - chủ tịch Masan Group tăng thêm hàng trăm triệu USD, các cổ đông khác cũng có thêm khoảng 2 tỷ USD nhờ giá cổ phiếu tăng tương ứng.

Diễn biến này được cho là bất ngờ bởi giống như các doanh nghiệp khác, Masan gặp khó vì đại dịch Covid-19 và doanh nghiệp cần thời gian để thay đổi, phát triển bền vững trong tương lai.

Đáng chú ý là chiến lược tích hợp mảng tiêu dùng bán lẻ bắt đầu gặt hái những thành công đầu tiên sau khi VinCommerce đạt lợi nhuận ngay trong quý IV/2020. Trong quý IV/2020, VinCommerce đã đạt EBITDA (thu nhập trước lãi vay, thuế, khấu hao và khấu trừ) dương. Với ngành hàng tiêu dùng, công ty con Masan Consumer Holdings (MCH) ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu gần 30%.

Doanh nghiệp của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang vượt khó trong năm 2020.

Doanh thu của Masan (MSN) năm 2020 tăng mạnh, gấp hơn 2 lần so với năm trước lên trên 77,2 nghìn tỷ đồng; lợi nhuận ròng 1.234 tỷ đồng. Còn Masan Consumer Holdings lần đầu đạt doanh thu 1 tỷ USD.

Trong một năm Covid đầy biến động, Tập đoàn Vingroup (VIC) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng vẫn ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 110 nghìn tỷ đồng (khoảng 5 tỷ USD).  

Kết quả đánh dấu một bước chuyển của Vingroup với trọng tâm là công nghệ, công nghiệp và dịch vụ. Doanh thu từ mảng sản xuất ô tô và điện thoại tăng mạnh, trong khi thu từ bất động sản vẫn lớn lên nhờ việc bàn giao nhiều tại ba đại dự án Vinhomes. Doanh thu VinSmart/VinFast tăng gấp đôi, lên 18 nghìn tỷ đồng.

Lĩnh vực công nghiệp của ông Phạm Nhật Vượng ghi dấu ấn khi VinFast đã bán ra tổng cộng 31.500 xe ô tô trong năm 2020, trong đó VinFast Fadil, VinFast Lux A và VinFast Lux SA trở thành mẫu xe bán chạy nhất trong các phân khúc tương ứng.

VinSmart cũng giữ vững vị thế trong top thương hiệu điện thoại thông minh bán chạy nhất quý IV và bắt đầu triển khai các giải pháp nhà thông minh (Smarthome) tại hai Đại đô thị Vinhomes Ocean Park và Vinhomes Smart City tại Hà Nội.

Tập đoàn Hòa Phát (HPG) của tỷ phú USD Trần Đình Long là doanh nghiệp có mảng sản xuất là cốt lõi. Doanh nghiệp này ghi nhận lợi nhuận sau thuế trong 2020 tăng tới 80% so với năm trước lên 13,5 nghìn tỷ đồng.

HPG là doanh nghiệp "lội ngược dòng" ngoạn mục. Ngành thép trong năm 2020 gặp rất nhiều khó khăn khi nguyên liệu đầu vào đều tăng mạnh, giá quặng sắt cuối năm tăng vọt. Nhưng năm qua, HPG ghi nhận doanh thu đạt gần 91,3 nghìn tỷ đồng, tăng 41% so với 2019. Sản xuất thép tiếp tục đóng vai trò đầu tàu. Thị phần thép HPG vươn lên mức 32,5%.

CTCP Sữa Việt Nam - Vinamilk (VNM) cũng đạt kết quả kinh doanh ấn tượng trong năm 2020 nhờ đưa các doanh nghiệp sau M&A tăng trưởng mạnh mẽ và ghi nhận tin tức tích cực về xuất khẩu đến các Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore và nhiều nước khu vực Đông Nam Á cũng như phát triển thị trường mới tại khu vực châu Phi.

Cả năm, VNM ghi nhận doanh thu đạt hơn 59,6 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng dương so với 2019 và hoàn thành 100% kế hoạch năm. Doanh thu thuần xuất khẩu của VNM tăng trưởng trong bối cảnh đầy thách thức cho thấy các chiến lược của doanh nghiệp đang phát huy hiệu quả.

Nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo

Tạo nền tảng, chờ thời bứt phá

Không chỉ tăng trưởng, nhiều tập đoàn lớn đã tạo được nền tảng trong năm khó khăn 2020 để chờ thời cơ bứt phá.

Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang cho biết, năm 2021, Masan đặt mục tiêu chuyển đổi VCM từ điểm mua sắm thuần túy trở thành nền tảng phục vụ các nhu cầu thiết yếu - Point of Life: nền tảng cung cấp các sản phẩm và dịch vụ thiết yếu chiếm hơn 50% chi tiêu tiêu dùng bao gồm hàng FMCG, thực phẩm tươi sống, các sản phẩm, dịch vụ tài chính, và các dịch vụ giá trị gia tăng. 

Năm qua, mảng thịt lợn của Masan thắng lớn khi giá thịt lợn ở mức cao và giá bán các sản phẩm MeatDeli luôn ở mức cao so với mặt bằng chung nhờ nhu cầu mua thực phẩm có chất lượng tốt tăng lên. Masan MEATLife (MML) đạt hơn 16,1 nghìn tỷ đồng, tăng 17% so với năm trước. 

Với Tập đoàn Hòa Phát, mảng thép ngày càng được củng cố sau khi Nhà máy Dung Quất đi vào hoạt động. Doanh nghiệp của tỷ phú Trần Đình Long cũng tăng cường đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và bất động sản công nghiệp.

HPG ghi nhận tăng trưởng ngoạn mục trong lĩnh vực nông nghiệp. Thị phần bò Úc chiếm 50%, trứng gà sạch đã đạt sản lượng 700.000 quả/ngày, góp mặt trong những doan nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực chăn nuôi heo với gần 400.000 con (gồm cả heo thịt và heo giống).

Chủ tịch Hòa Phát cho biết doanh nghiệp đặt mục tiêu triển khai dự án khu liên hợp thép Dung Quất giai đoạn mở rộng (Dung Quất 2) từ tháng 1/2022 và có thể đi vào hoạt động sau 3 năm. Dự án có công suất 5 triệu tấn/năm, được đầu tư để đáp ứng nhu cầu HRC và kỳ vọng giúp doanh thu, lợi nhuận năm tăng 80% từ mức hiện tại.

Với Vingroup, sản xuất ô tô là mảng được tỷ phú Phạm Nhật Vượng ưu tiên. Gần đây, VinFast đã công bố kế hoạch trình làng 3 ô tô chạy điện vầ dự kiến hòa vốn EBITDA trong 5 năm tới nhờ việc tăng sản lượng để gia tăng thị phần cũng như giảm chi phí sản xuất.

VinFast cũng bắt đầu vận hành xe buýt điện VinBus từ năm 2021, nhắm mục tiêu 30% thị phần ôtô tại Việt Nam.

Ông lớn ngành hàng không Vietjet Air (VJC) của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo gặp nhiều khó khăn trong năm 2020 do đại dịch Covid-19 nhưng cũng là một tập đoàn tạo được nền tảng vững chắc, giữ vững để phát triển trong dài hạn.

Trong quý cuối 2020, VietJet Air thậm chí đạt lợi nhuận sau thuế hợp nhất 995 tỷ đồng, giúp hãng hàng không thị phần số 1 Việt Nam cả năm đạt lợi nhuận sau thuế 70 tỷ đồng. Đây là một trong số ít các hãng hàng không trên thế giới không sa thải nhân viên và hoạt động có lợi nhuận trong năm 2020. Báo cáo tài chính của Vietjet ghi nhận cơ cấu doanh thu phụ trợ đạt gần 50%, cho thấy hãng đã tăng cường các dịch vụ phụ trợ để bù đắp doanh thu vé máy bay.

Chuyên gia Phan Văn Nhân đến từ CTCK Sài Gòn cho rằng, các tập đoàn có quy mô lớn hơn, sức chống chịu tốt và thích ứng nhanh. Các doanh nghiệp trên sàn ít bị tác động hơn. Một số ngành được hưởng lợi đặc thù riêng như ngành thép do giá đầu ra tăng.

Một năm khó khăn trôi qua, nhiều tỷ phú đã vượt qua giông tố, ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng, tạo nền tảng và chờ thời bứt phá. Các tập đoàn lớn trở thành những doanh nghiệp dân tộc dẫn đầu cho cộng đồng doanh nghiệp và cũng là trụ đỡ trên thị trường chứng khoán.

 V. Hà - Theo Vietnamnet

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Khách sạn Melia Hà Nội: "Vén" màn bí mật nhờ... cổ tức

Chủ sở hữu của khách sạn Melia Hà Nội không phải là công ty đại chúng nên không phải công bố thông tin. Vì vậy, không dễ để biết được hiệu quả của khách sạn này nếu không dựa vào con số cổ tức mà các cổ đông nhận được trong những năm qua.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/doanh-nghiep-doanh-nhan/lam-an-thoi-kho-ty-phu-viet-tao-dung-co-may-in-tien-ty-usd-d149701.html