Làm thêm mùa dịch

17/06/2021 11:19

Kinhte&Xahoi Câu chuyện ra văn bản chấn chỉnh nhân viên không được làm thêm trong mùa dịch cho thấy sự khó khăn của không ít doanh nghiệp (DN) khi đối mặt với “cơn bão” COVID-19.

Một DN nhà nước nhắc nhở các đơn vị, yêu cầu người lao động không làm thêm những công việc có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 như shipper, taxi công nghệ.

Trong văn bản gửi các đơn vị trực thuộc ngày 14/6, một DN nhà nước chuyên kinh doanh các mặt hàng xăng dầu nhắc nhở các đơn vị, yêu cầu người lao động không làm thêm những công việc có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 như shipper, taxi công nghệ, bán hàng... Nếu thực sự có nhu cầu phải làm thêm các công việc này, thì có thể làm đơn xin nghỉ việc để TCty, đơn vị xem xét hỗ trợ một lần theo quy định.

Yêu cầu này được đưa ra sau khi phát hiện có nhân viên của DN này làm thêm lái xe taxi công nghệ vô tình chở F0, làm nhiều người trong đơn vị và gia đình trở thành F1, F2... phải cách ly, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh và cuộc sống nhiều người liên quan.

Ngay lập tức, văn bản này gặp phải “làn sóng” phản đối của dư luận. Người cho rằng yêu cầu như vậy là vi phạm quyền lao động, người cho rằng đây là chỉ đạo “củ chuối” nhằm sa thải người lao động. Ngay trong đêm 14/6, Cty mẹ của đơn vị này đã yêu cầu DN rút lại văn bản trên. Sáng 15/6, văn bản bị thu hồi.

Trong thư ngỏ gửi người lao động sau đó, ban lãnh đạo DN đã có những tâm tình thuyết phục. Cty cho biết khẳng định tôn trọng quyền tự do cá nhân của người lao động. Song Cty kêu gọi nhân viên tuân thủ khuyến cáo nguyên tắc 5K của Chính phủ, nhất là cân nhắc một cách có trách nhiệm mọi hành động để bảo vệ sức khỏe bản thân, không làm ảnh hưởng đến gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, đơn vị cũng như cộng đồng.

Chia sẻ với người lao động, lãnh đạo Cty cho biết đang từng bước khắc phục khó khăn để vừa bảo đảm sản xuất kinh doanh, vừa phòng, chống dịch hiệu quả. “Bằng khả năng, TCty đang cố gắng tạo mọi điều kiện để người lao động có việc kinh doanh và cuộc sống ổn định bình thường nhất”, văn bản của DN này nêu.

Trả lời báo chí sau đó, một lãnh đạo DN cho hay văn bản trên đưa ra không phải với mục đích sa thải người lao động. “Khó khăn thực sự nhưng tới giờ chúng tôi vẫn đảm bảo thu nhập cho người lao động, chưa sa thải bất kỳ ai và chưa nợ lương của anh em đồng nào. Chúng tôi muốn nhắc nhở, chấn chỉnh người lao động trước diễn biến rất phức tạp của dịch bệnh, khi trong hệ thống đã có nhiều F1, F2 phải cách ly, ảnh hưởng lớn tới chuỗi sản xuất, kinh doanh. Đây là việc bảo vệ sức khoẻ của tập thể, số đông người lao động trong hệ thống”, ông giải thích. Nhiều người tin rằng đó là những tâm sự thật lòng.

Cũng cần phải nói thêm, từ nhiều năm nay, DN trên có hệ thống bán lẻ xăng dầu có tiếng là bán sản phẩm chất lượng “chuẩn”, không bơm gian dối, nhận sự tín nhiệm từ nhiều người tiêu dùng.

Trước đó, ý thức được 2021 là năm đầy biến động và khó khăn đối với các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, đơn vị này đã nỗ lực thực hiện các chiến lược dài hạn nhằm phát triển ổn định, bền vững; đưa ra kịch bản phù hợp với từng giai đoạn trước những biến động từ đại dịch; tích hợp nhiều hình thức thanh toán điện tử cho khách….

Thế nhưng “ông lớn” cũng đang phải chịu tác động nặng nề từ COVID-19. Đợt dịch lần thứ tư bùng phát từ cuối tháng 4 đã khiến DN này sụt giảm 40% sản lượng bán do nhiều tỉnh, thành phải giãn cách xã hội, nhu cầu đi lại giảm, tiêu thụ xăng dầu sụt giảm theo. Có lẽ phải xót xa chứng kiến cảnh nhân viên của mình nay phải đi làm thêm ngoài giờ, đơn vị này mới vội ra văn bản chưa được “mềm mỏng”, khéo léo như trên.

Không có ai đúng, ai sai trong câu chuyện trên. Chỉ còn đọng lại vấn đề đại dịch đã đang và sẽ gây khó khăn cho nhiều DN, nhiều người lao động. Lúc này, tiết kiệm, sẻ chia, thông cảm cho nhau mới là quan trọng nhất, để cùng sớm vượt qua khó khăn.

Minh Khang - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tăng trưởng 6 tháng cuối năm phải đạt từ 6 - 7%

Sau khi làn sóng Covid-19 thứ 4 đổ bộ, đã có một số tổ chức hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam. Thời điểm trước đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, Oxford Economics, IMF, World Bank, HSBC nhận định kinh tế Việt Nam tăng trưởng ở mức 6,6 % - 6,8%, đến nay, các mức này đều hạ so với dự báo trước đó.

Hàng không bên bờ vực phá sản

''Các hãng hàng không đang dần hết nguồn lực tài chính, thậm chí có hãng đang đứng bên bờ vực phá sản'' - đây là những thông tin được Bộ KH&ĐT nêu ra trong dự thảo báo cáo Thủ tướng về tình hình phát triển doanh nghiệp năm 2020 và 5 tháng đầu năm 2021.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/lam-them-mua-dich-d158426.html