“Khi đi làm việc ở nước ngoài, mọi người chỉ hỏi về mức lương, tiền gửi về được bao nhiêu. Không ai biết rằng chúng em phải làm những công việc nặng nhọc. Đi xuất khẩu lao động cũng là đi làm, nhưng về nước lại không được đánh giá như những người thu nhập cao ở trong nước”, chị Nguyễn Thị T. , quê ở huyện Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, hiện đang là công nhân điện tử tại Đài Loan chia sẻ.
Nhiều người trong chúng ta hoặc ngay cả các cơ quan báo chí truyền thông, tổ chức xã hội, cơ quan chức năng đã quen với việc gọi người lao động ra nước ngoài làm việc là đi “xuất khẩu lao động”.
Song, theo khuyến nghị của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), cách gọi này nên được dùng là “lao động di cư” - định nghĩa để chỉ người di cư từ một quốc gia đến một quốc gia khác với mục đích được tuyển dụng chứ không phải chỉ vì cá nhân và bao gồm bất kỳ người nào được công nhận hợp pháp là người di cư tìm việc.
5
Ảnh minh hoạ.
Hiện nay vẫn còn phổ biến nhiều quan niệm tiêu cực về lao động di cư và phụ nữ bị bạo lực trong xã hội.
Việc sử dụng ngôn ngữ trong các tài liệu và truyền thông khác nhau cũng tạo ra vị thế và ấn tượng riêng, đôi khi còn tồn tại định kiến. Bởi vậy yêu cầu đối với những người đưa tin cũng cần phải nâng cao nhận thức của chính mình và sự hiểu biết chung, nhằm hướng tới tôn trọng quyền lợi của tất cả mọi người cũng như công nhận tiếng nói, sự lựa chọn và tính tự quyết của phụ nữ.
Trong bộ tài liệu giải thích thuật ngữ dành cho cho giới truyền thông về “Phụ nữ lao động di cư và xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ” do Chương trình Di cư An toàn và Bình đẳng (Safe and Fair) cung cấp, tài liệu khuyến nghị cần tránh sử dụng các thuật ngữ như “người di cư bất hợp pháp” vì những thuật ngữ như vậy cho rằng người di cư là tội phạm, và do vậy cần chuyển sang sử dụng các thuật ngữ trung lập hơn theo luật quốc tế, chẳng hạn như “người di cư không có đủ giấy tờ”.
Tương tự, lựa chọn thuật ngữ “người trải qua bạo lực”, thay vì “nạn nhân bị bạo lực” khi nói về phụ nữ bị bạo lực nhằm củng cố tính tự quyết và nâng cao vị thế của phụ nữ. Cách lựa chọn từ ngữ sẽ góp phần định hướng dư luận một cách tích cực về phụ nữ lao động di cư cũng như phụ nữ bị bạo lực.
Một số cụm từ khác như “Xuất khẩu/ nhập khẩu lao động” có thể thay bằng “Di cư lao động”; sử dụng thuật ngữ “Bảo vệ quyền của phụ nữ” thay vì “Bảo vệ phụ nữ”; tránh dùng “người ở, người giúp việc, hoặc người hầu” nói lên sự phân biệt giai cấp và bất công xã hội và nên sử dụng các khái niệm như “lao động giúp việc gia đình”.
Về phía Việt Nam, Phòng di cư Quốc tế, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao cũng đã đưa ra một số khuyến nghị về đưa tin trong lĩnh vực này, bao gồm lưu ý lựa chọn từ ngữ theo hướng tôn trọng phẩm giá của người di cư; tránh những vấn đề có khả năng tạo nhìn nhận tiêu cực về người di cư; cân bằng trong đưa tin, tránh làm trầm trọng hóa hoặc đơn giản hóa sự việc; tăng cường diễn ngôn báo chí…
Thanh Tâm - Pháp luật Plus