Lình xình ở dự án đấu giá quyền sử dụng đất tại huyện Sóc Sơn: Công dân có quyền khởi kiện ra Toà

27/11/2020 15:41

Kinhte&Xahoi Đây là nhận định của Luật sư Phạm Thị Hương xung quanh vấn đề pháp lý mà công dân đang gặp phải tại dự án nêu trên.

Hiện nay, việc triển khai Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật để đấu giá quyền sử dụng đất tại thôn Dược Thượng, xã Tiên Dược và tổ 5 thị trấn Sóc Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) đang vấp phải nhiều phản đối của người dân. Nhân dân không đồng tình với cách “hành xử” của chính quyền huyện Sóc Sơn, trong việc xác minh nguồn gốc đất và việc liên tục ra Thông báo cưỡng chế công trình xây dựng trên đất.

Khu đất được người dân sử dụng ổn định, nay liên tục bị chính quyền đốc thúc cưỡng chế tháo dỡ.

Báo cáo... có nội dung không chính xác

Pháp luật Plus đã từng đăng tải bài viết, phản ánh về những “lình xình” đang diễn ra tại Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất để đấu giá quyền sử dụng đất tại thôn Dược Thượng, xã Tiên Dược và tổ 5 thị trấn Sóc Sơn, huyện Sóc Sơn.

Sau khi bài viết được đăng tải, Pháp luật Plus nhận được nhiều ý kiến, phản ánh của người nhân về việc không đồng tình đối với cách “hành xử” của chính quyền huyện Sóc Sơn trong việc xác minh nguồn gốc đất và liên tục ra Thông báo cưỡng chế công trình xây dựng trên đất.

Qua xác minh hồ sơ, phóng viên nhận thấy, tại Văn bản số 84/HĐND-TT ngày 26/6/2018 của Hội đồng Nhân dân huyện Sóc Sơn về phê duyệt chủ trương đầu tư tại mục 1 có nội dung: Trong đó toàn bộ là đất nông nghiệp, đất công, đất khác do UBND xã, thị trấn đang quản lý, không có đất thổ cư. Chính vì báo cáo của UBND huyện Sóc Sơn không chính xác, thiếu minh bạch dẫn đến chủ trương của Hội đồng nhân dân huyện Sóc Sơn cũng có vấn đề?

Để chứng minh cho nội dung trên, bà Phan Thị Bình xuất trình cho phóng viên bản gốc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00266 đã được UBND huyện Sóc Sơn cấp, do ông Nguyễn Đức Trí - Phó Chủ tịch UBND huyện ký ngày 24/12/2003 thuộc tờ bản đồ số 01, số thửa 151, đất ở lâu dài với diện tích 81m2 tại tổ 5 thị trấn Sóc Sơn.

Cùng chung cảnh ngộ, ông Nguyễn Thế Thành bức xúc nói: Nhìn nguồn lợi dự án, tôi nghĩ chính quyền huyện Sóc Sơn muốn lấy khu đất của tôi bằng được; cả đời chúng tôi chỉ biết lao động rồi tạo công ăn việc làm cho con em địa phương, mấy hôm nay chính quyền liên tục gửi Thông báo tháo dỡ công trình trên đất, việc này đang đẩy gia đình tôi vào cảnh phá sản, công nhân mất việc.

Liên quan đến nội dung này, được biết UBND thị trấn Sóc Sơn đã nhiều lần đứng ra vận động, tuyên truyền với hộ bà Phan Thị Bình.

Qua tìm hiểu Pháp luật Plus được biết, hiện mảnh đất nhà bà Bình đã được UBND huyện Sóc Sơn cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, còn mảnh đất nhà ông Thành đã được Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội - Chi nhánh huyện Sóc Sơn xác nhận tại văn bản 136.TT/GXN-VPĐKĐĐ ngày 09/6/2017 phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (trước thời điểm chính quyền huyện Sóc Sơn thực hiện dự án).  

Trao đổi với một số hàng xóm của ông Thành và bà Bình, đa số người dân cho rằng: “Tôi là hàng xóm của ông Thành, tôi nhận thấy ông Thành là một trong những công dân tốt, đi đầu trong phát triển kinh tế tư nhân huyện nhà; chuyên cung cấp dịch vụ kinh doanh xe máy, đáp ứng nhu cầu dân sinh trên địa bàn huyện; đóng góp cho ngân sách địa phương hàng năm; tạo công việc ổn định thu nhập cao cho con, em, nhân dân huyện nhà. Là một người biết “làm giàu cho bản thân và làm giàu cho xã hội”; đặc biệt như năm nay 2020 cả nước “chống dịch như chống giặc” nhiều người dân mất việc làm; nhiều doanh nghiệp, công ty thua lỗ, phá sản. Tôi mong chính quyền huyện có cách nhìn nhận thấu đáo để người dân không bị đẩy vào cảnh lầm tham khi chính quyền đứng ra thực hiện dự án”.

Công dân có quyền khởi kiện ra Toà

Trao đổi với phóng viên, Luật sư Phạm Thị Hương - Công ty Luật TNHH Thiện Minh Long cho biết: "Nếu ông Nguyễn Thế Thành không đồng ý với Quyết định của UBND huyện Sóc Sơn về việc cưỡng chế, buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả do có hành vi vi phạm hành chính, thì ông Thành có quyền khiếu nại hành chính đến Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn hoặc khởi kiện ra Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội để các cơ quan này xem xét giải quyết theo quy định của Luật khiếu nại; Luật tố tụng hành chính; Luật xử lý vi phạm hành chính; Luật đất đai và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Trong quá trình cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại hoặc tố tụng, ông Thành có quyền yêu cầu Người giải quyết khiếu nại/Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là “Tạm đình chỉ thi hành Quyết định hành chính”.

Luật sư Phạm Thị Hương nhìn nhận: Đối với vụ việc của bà Phan Thị Bình thì phức tạp hơn nhiều, bởi liên quan đến diện tích đất của bà Bình đã được UBND huyện Sóc Sơn cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; liên quan đến quá trình quản lý, chỉ đạo điều hành thực hiện dự án; đặc biệt ảnh hưởng đến quyền lợi của công dân bởi, quản lý đất đai là một lĩnh vực hết sức nhạy cảm; ảnh hưởng đến nơi ăn ở, kinh doanh, nơi trao gửi tình cảm của người dân… bà Bình có thể viết Đơn khiếu nại hành vi hành chính, Quyết định hành chính đối với ông Chủ tịch  UBND huyện Sóc Sơn.

“Từ sự việc này, theo cách đánh giá của cá nhân tôi, nếu chính quyền huyện Sóc Sơn, đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu là Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn không chủ động giải quyết thì sự việc sẽ đi xa hơn, bà Bình có thể viết Đơn gửi Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội kiện về hành vi hành chính, quyết định hành chính của UBND huyện Sóc Sơn; hoặc viết Đơn tố cáo người đứng đầu cấp chính quyền huyện Sóc Sơn đang chỉ đạo điều hành vụ việc này” – Luật sư Phạm Thị Hương nói.

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.      \

Thanh Bình - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/bat-dong-san/linh-xinh-o-du-an-dau-gia-quyen-su-dung-dat-tai-huyen-soc-son-cong-dan-co-quyen-khoi-kien-ra-toa-d122421.html