Ảnh minh họa. (Nguồn: Báo Đầu tư)
Như Pháp luật Plus từng thông tin, ngay trong đầu năm 2024, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã tổ chức thành công phiên đấu giá cổ phần Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacontrol (VNC) do Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sở hữu.
Lô cổ phần đưa ra đấu giá có khối lượng 3.150.000 cổ phần, tương đương 30% vốn điều lệ của VNC và 100% vốn góp của SCIC tại VNC, với giá khởi điểm 171,675 tỷ đồng (tương đương khoảng 54.500 đồng/cổ phần).
Nhà đầu tư phải đăng ký và đặt mua toàn bộ lô cổ phần chào bán, trong đó, người nước ngoài được phép mua toàn bộ lô cổ phần chào bán tại phiên đấu giá này.
Kết quả, toàn bộ 3,15 triệu cổ phần đưa ra đấu giá, tương đương 30% vốn điều lệ của Vinacontrol và 100% vốn góp của SCIC tại Vinacontrol đã được đấu giá thành công.
Giá trúng là 171,71 tỷ đồng, cao hơn 35 triệu đồng so với giá khởi điểm. Phiên đấu giá có sự tham gia của 2 nhà đầu tư, bao gồm một nhà đầu tư tổ chức và một nhà đầu tư cá nhân.
Với giá đấu cao hơn, toàn bộ 30% vốn Vinacontrol đã về tay nhà đầu tư cá nhân.
Trong báo cáo giao dịch mới đây, ông Phan Văn Hùng – Chức vụ: Ủy viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Vinacontrol cho biết đã mua vào 3,15 triệu cổ phiếu VNC trong giai đoạn ngày 10/1 - 19/1.
Trước giao dịch, ông Phan Văn Hùng sở hữu 10.960 cổ phiếu VNC, tỷ lệ hơn 0,1%. Sau khi hoàn tất giao dịch, ông Hùng nâng lượng sở hữu lên gần 3,2 triệu cổ phiếu, tương đương 30,11% vốn.
Đáng chú ý, số cổ phiếu cá nhân này mua vào đúng bằng số cổ phiếu VNC mà Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đấu giá vào ngày 15/1.
Phiên đấu giá cổ phần VNC là phiên đấu giá đầu tiên của năm 2024 được tổ chức tại HNX. Trong đó, việc thoái vốn của SCIC tại VNC nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ, tại Quyết định số 1001/QĐ-TTg ngày 10/07/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt phương án sắp xếp, phân loại doanh nghiệp của SCIC đến năm 2020.
Vinacontrol được thành lập vào năm 1957, tiền thân là Cục Kiểm nghiệm hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc Bộ Thương nghiệp (nay là Bộ Công Thương). Ngành nghề kinh doanh chính của công ty là giám định, thử nghiệm, chứng nhận và đánh giá chất lượng. Công ty niêm yết trên HNX từ tháng 12/2006. định duy nhất trên sàn chứng khoán hiện nay.
Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2023, CTCP Tập đoàn Vinacontrol ghi nhận doanh thu thuần trong quý 3 đạt 185 tỷ đồng, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Do giá vốn tăng chậm hơn, CTCP Tập đoàn Vinacontrol ghi nhận lợi nhuận gộp đạt gần 48 tỷ đồng, tăng 75,8% so với cùng kỳ.
Trong kỳ, việc chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh đã bào mòn lợi nhuận của Công ty. Sau khi trừ đi các chi phí, CTCP Tập đoàn Vinacontrol đạt lợi nhuận sau thuế là hơn 9,8 tỷ đồng, tăng 6,1% so với cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng của năm 2023, Vinacontrol đạt doanh thu thuần hơn 511 tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế đạt 29 tỷ đồng, tăng 5% so với 9 tháng của năm 2022.
Tổng tài sản ở thời điểm 30/9/2023 là hơn 413 tỷ đồng, tăng khoảng 55 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm nay.
Đáng chú ý, nợ phải trả của Công ty cũng tăng mạnh so với đầu năm (tăng thêm 43 tỷ đồng), lên mức 125,5 tỷ đồng tại ngày 30/9/2023, nguyên nhân chủ yếu do sự gia tăng khoản ohải trả người lao động thêm 44 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu của CTCP Tập đoàn Vinacontrol ở thời điểm cuối quý 3/2023 là hơn 288,1 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 30,7 tỷ đồng.
Lê Hải - Pháp luật Plus