Các DN kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo sớm cho thông quan khoảng 300 nghìn tấn gạo còn mắc kẹt từ 24/3Ảnh: Hòa Hội
Theo nguồn tin của PV, trong số 39 doanh nghiệp (DN) đăng ký thành công tờ khai xuất khẩu (XK) gạo trong hạn ngạch 400.000 tấn vào tháng 4, Cty CP Tập đoàn Intimex (Intimex) chiếm nhiều nhất với sản lượng đăng ký thành công 96.234 tấn, chiếm gần 25% tổng khối lượng 400.000 tấn gạo được phép XK tháng này.
Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, đơn vị này mở cổng đăng ký tờ khai từ 0 giờ đến 19 giờ 34 phút ngày 12/4, có 399.999,73 tấn gạo được 39 DN mở tờ khai như nêu ở trên.
Tìm hiểu của PV, Intimex do ông Đỗ Hà Nam làm chủ tịch và ông Nam hiện giữ chức Phó Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), Phó Chủ tịch Ban chấp hành Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam (VICOFA).
Đáng chú ý, trong khi hầu hết các DN XNK lúa gạo thuộc VFA “tố” không nhận được thông báo và không thể mở tờ khai XK gạo trong hạn ngạch 400.000 tấn thì Intimex lại đăng ký thành công 102 tờ khai, lượng gạo đăng ký đạt 96.234 tấn.
Trước đó, trong báo cáo gửi Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành, VFA cho hay, một số thương nhân đã gặp phải tình huống: Các tờ khai đăng ký hải quan kể từ 0h ngày 11/4 đã có sổ tờ khai và đã phân vào luồng đỏ, nhưng đến ngày 13/4, sau khi kiểm tra trên hệ thống hải quan cập nhật, thấy ngày đăng ký của các tờ khai này “tự động” bị lùi về về ngày 10/4. VFA đã ghi nhận ít nhất 3 thương nhân gặp phải trường hợp như vậy.
Có cả trường hợp các tờ khai hải quan đã có sổ tự khai nhưng chưa phân luồng, đã được ghi nhận trước đó, song đến sáng 14/4 lại bị xóa bỏ trên mạng hải quan, dù theo quy định thông tin này phải lưu 15 ngày.
Ngày 16/4, trả lời PV Tiền Phong về những nghi vấn trên của VFA, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết: “Chúng tôi đang báo cáo Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng cho điều tra, làm rõ có hay không việc trục lợi chính sách, làm trái quy định của Thủ tướng; kể cả điều tra với công chức Hải quan và những đối tượng liên quan”.
Bộ Tài chính: Bộ Công Thương chưa thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng!
Nói về những bất cập trong điều hành XK gạo, Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan cho rằng, chính Bộ Tài chính đã kiến nghị tạm dừng XK gạo tẻ đến hết 15/6 để đảm bảo mua đủ gạo dự trữ quốc gia thế nhưng đề nghị này bị gạt ra.
“Liên quan tới việc XK 400.000 tấn gạo, chúng tôi cũng đã kiến nghị nên giao vấn đề này cho VFA, Bộ Công Thương phải phân bổ hạn ngạch cho từng DN. Thứ ba, phải xem xét tờ khai của các DN. Bộ Công Thương được Chính phủ chủ trì kiểm tra tất cả các DN, nhất là những DN đã mở tờ khai nhưng bị tạm dừng XK gạo từ 24/3 theo chỉ đạo của Chính phủ để có chính sách phù hợp. Thế nhưng Bộ Công Thương không có chỉ đạo gì khác ngoài công văn của Bộ Công Thương gửi cho chúng tôi ngày 10/4. Chúng tôi cứ theo đó mà thực hiện”, ông Cẩn nói.
Theo tìm hiểu của PV, trong văn bản của Bộ Tài chính gửi Bộ Công Thương ngày 10/4 về tham gia ý kiến đối với dự thảo báo cáo Thủ tướng về phương án điều hành xuất khẩu gạo, Bộ Tài chính cho rằng: Việc thành lập đoàn kiểm tra liên ngành theo chỉ đạo của Thủ tướng để làm việc với các địa phương và DN XK gạo, trong đó Bộ Tài chính là thành viên, song trên thực tế Bộ Công Thương đã đơn phương chủ trì thực hiện một cuộc họp nửa ngày với các doanh nghiệp và đại diện các tỉnh. “Thực chất Bộ Công Thương chưa phải thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng”, công văn ngày 10/4 của Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Bộ Công Thương: Đề nghị Bộ Tài chính phản hồi
Ngày 16/4, Bộ Công Thương cho hay, đã có văn bản đề nghị Bộ Tài Chính công bố công khai danh sách các thương nhân đã đăng ký tờ khai hải quan xuất khẩu gạo theo hạn ngạch 400.000 tấn trong tháng 4 và phản hồi những vấn đề về việc doanh nghiệp bị mất tờ khai trên hệ thống của hải quan.
Bộ Công Thương cũng đề nghị Bộ Tài Chính cung cấp số liệu xuất khẩu gạo, gửi về Bộ Công Thương trước 17h hàng ngày, thực hiện từ nay đến hết ngày 25/4 để có cơ sở tổng hợp báo cáo Thủ tướng về phương án điều hành xuất khẩu gạo trong tháng 5. |