Luồng gió mới, quyết tâm mới vực dậy kinh tế

10/04/2020 15:06

Kinhte&Xahoi Hôm nay (10.4), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì Hội nghị trực tuyến “4 trong 1” giữa Chính phủ với các địa phương. “Hội nghị phải thổi một luồng gió mới, một quyết tâm mới vào cuộc sống để khởi động một thời kỳ khắc phục, vươn lên mạnh mẽ” - Thủ tướng nêu rõ như vậy tại cuộc họp chuẩn bị cho hội nghị. Hội nghị sẽ tập trung vào 4 nội dung: Các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người dân, bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm trật tự an toàn xã hội ứng phó dịch COVID-19.

Tuyến metro số 1 TPHCM đoạn Bình Thái - Long Bình dự kiến kịp tiến độ đưa vào chạy thử vào tháng 8.2020. Ảnh: huân cao

Quyết tâm khắc phục, vươn lên mạnh mẽ

Mỗi nội dung nêu trên sẽ có một báo cáo lớn, trong đó, nêu rõ các gói hỗ trợ về tài khóa (đến nay, dự kiến khoảng 180.000 tỉ đồng), gói hỗ trợ tiền tệ, gói hỗ trợ an sinh xã hội (khoảng 62.000 tỉ đồng)...

Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ chuẩn bị nội dung cho Hội nghị này, Thủ tướng cho rằng, đây là các nội dung rất quan trọng trong bối cảnh do ảnh hưởng của dịch, tăng trưởng GDP quý I/2020 đạt thấp ở mức 3,82%, chỉ hơn một nửa so với kế hoạch đề ra. Muốn tăng trưởng tốt thì cần giải quyết vấn đề đầu tư, sản xuất kinh doanh, thương mại, xuất nhập khẩu…

Do đó, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, muốn ổn định đời sống nhân dân, khắc phục tình hình khó khăn hiện nay do dịch COVID-19 gây ra, tạo đà cho sự phát triển đất nước thì mọi cấp, mọi ngành, mọi cá nhân, doanh nghiệp đều phải cố gắng, vươn lên, thúc đẩy phát triển để nền kinh tế không bị đổ gãy, bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho các thành phần yếu thế trong xã hội.

Thủ tướng nhấn mạnh: Các bộ trình bày tại Hội nghị phải thổi một luồng gió mới, một quyết tâm mới vào cuộc sống để khởi động một thời kỳ khắc phục, vươn lên mạnh mẽ.

Cho biết một số ngành quan trọng đều suy giảm, nhiều doanh nghiệp phá sản, nhiều ngành hoạt động cầm chừng và sẽ nguy hiểm hơn nếu dịch bệnh kéo dài, Thủ tướng lưu ý, cần nêu rõ bức tranh tổng thể để các cấp, các ngành nhận thức rõ khó khăn. Cần có Nghị quyết chuyên đề về các nội dung chính và đưa ra thảo luận tại Hội nghị sắp tới.

Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh

Về giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng đặt vấn đề, toàn quốc, các cấp, các ngành phải giải ngân hết số vốn còn lại của năm 2019 và vốn kế hoạch năm 2020, không để dồn vào cuối năm như những năm trước đây. Số vốn này gần 700.000 tỉ đồng, tương đương 30 tỉ USD. Cơ quan nào, bộ, ngành, địa phương nào làm chậm thì người đứng đầu trực tiếp kiểm điểm, nhận trách nhiệm. Nếu không hoàn thành hoặc đến tháng 9 không giải ngân được thì điều chuyển vốn sang các đơn vị khác.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính trình bày các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về tài chính, ngân sách Nhà nước, nhất là thuế, phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, cho người dân, doanh nghiệp.

Về gói hỗ trợ tiền tệ, hiện nâng lên khoảng 300.000 tỉ đồng, Thủ tướng nêu rõ tinh thần, không để doanh nghiệp thiếu vốn tín dụng, tạo mọi thuận lợi để doanh nghiệp tiếp tục duy trì phát triển sản xuất, kinh doanh. Thủ tướng đề nghị tiếp tục tính toán việc giảm lãi suất cho vay, ngành ngân hàng cần lưu ý kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp về tiếp tục miễn, giảm tiền lãi, bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ lãi suất với tinh thần ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện nay.

Với Bộ Công Thương, Thủ tướng yêu cầu cần tạo mọi thuận lợi cho xuất khẩu, sẵn sàng cung ứng nguồn hàng dồi dào, chất lượng cao, giá cả phù hợp, bảo đảm cơ số hàng phục vụ 100 triệu dân. Tập trung phát triển, tập trung giải ngân vốn cho các dự án công nghiệp trọng điểm, bảo đảm cung cấp điện cho sản xuất và đời sống nhân dân.

Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình bày báo cáo tại Hội nghị, “trong lúc khó khăn, thế giới đối diện nhiều thách thức, cần coi nông nghiệp, nông thôn là nền tảng ổn định”.

Đối với Bộ Giao thông vận tải, trình bày về những nhiệm vụ, giải pháp cấp bách thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công đối với các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, trong đó có các dự án chuyển từ đầu tư PPP sang đầu tư công. Phải chuyển biến thực sự trong vấn đề này, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân liên quan nếu không hoàn thành nhiệm vụ.

Bộ Công an có báo cáo về các giải pháp bảo đảm an ninh trật tự. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nêu rõ các giải pháp thực hiện hiệu quả gói hỗ trợ an sinh xã hội.

Về tổ chức thực hiện, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thường xuyên kiểm điểm, đánh giá, kiểm tra, nhất là các địa phương trọng điểm, các bộ quan trọng, về giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.

Xem xét trách nhiệm người đứng đầu

Tại cuộc họp chuẩn bị cho Hội nghị trực tuyến “4 trong 1” của Chính phủ với các địa phương mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Cần có Nghị quyết chuyên đề về các nội dung chính như tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư, bảo đảm trật tự an toàn xã hội ứng phó dịch COVID-19.

Về giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng đặt vấn đề toàn quốc, các cấp, các ngành phải giải ngân hết số vốn còn lại của năm 2019 và vốn kế hoạch năm 2020, không để dồn vào cuối năm như những năm trước đây. Số vốn này gần 700.000 tỉ đồng, tương đương 30 tỉ USD. Cơ quan nào, bộ, ngành, địa phương nào làm chậm thì người đứng đầu trực tiếp kiểm điểm, chịu trách nhiệm. Nếu không hoàn thành hoặc đến tháng 9 không giải ngân được thì điều chuyển vốn sang các đơn vị khác.

Vẫn còn 21 bộ, ngành giải ngân dưới 1%

Theo Bộ Tài chính, tính đến hết 31.3.2020 kế hoạch giải ngân vốn đầu tư năm 2020 là hơn 61.591 tỉ đồng (đạt 13,09% kế hoạch), cao hơn so với cùng kỳ (cùng kỳ đạt 11,21% kế hoạch Quốc hội giao và đạt 12,97% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao); trong đó, vốn trong nước giải ngân là hơn 58.595 tỉ đồng, vốn nước ngoài là hơn 2.995 tỉ đồng. Trong đó, các bộ, ngành Trung ương giải ngân đạt trên 10.735 tỉ đồng (đạt 9,94% kế hoạch) các địa phương giải ngân đạt hơn 50.855 tỉ đồng (đạt trên 14% kế hoạch Thủ tướng giao).

Theo thống kê hiện có 8 bộ, ngành và 34 địa phương có số giải ngân đạt trên 15%; 3 bộ, ngành và 6 địa phương có tỉ lệ giải ngân trên 25%. Nhưng có đến 29 bộ, ngành và 1 địa phương có số giải ngân đạt dưới 5%. Trong đó, có 21 bộ, ngành gần như chưa giải ngân được kế hoạch vốn với tỉ lệ giải ngân dưới 1%.

Giải ngân sẽ tác động tới tăng trưởng kinh tế

Ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê - nhìn nhận, điều quan trọng ở chỗ, chỉ cần thêm 1% vốn đầu tư công giải ngân, sẽ góp phần làm vốn ngoài nhà nước tăng thêm 0,92 điểm phần trăm, đồng thời cũng sẽ giúp GDP tăng thêm được 0,06 điểm phần trăm.

“Nếu giải ngân hết 100% số vốn kế hoạch, thì chỉ 7 điểm phần trăm tăng thêm đó sẽ giúp tăng trưởng kinh tế tăng thêm được trên 0,42 điểm phần trăm. Đấy là còn chưa tính đến những tác động lan tỏa của vốn đầu tư ngoài nhà nước. Đây chính là giải pháp nằm trong tầm tay của chúng ta, làm được thì có thể tác động ngay đến tăng trưởng”, ông Lâm cho biết.

THÔNG CHÍ - ĐẶNG TIẾN 


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Dự án nhiệt điện khiến ông Đinh La Thăng vướng vòng lao lý

Chiều 8/4, Thanh tra Chính phủ tổ chức công bố quyết định số 222 trong đó có nội dung thanh tra dự án Nhiệt điện Thái Bình 2. Đây là dự án gắn với đại án kinh tế - tham nhũng khiến cựu Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Đinh La Thăng và một loạt cán bộ của tập đoàn này lĩnh án tù giam.

Theo Báo Lao động/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/luong-gio-moi-quyet-tam-moi-vuc-day-kinh-te-d121572.html