Miền Bắc có nơi rét đậm, rét hại, miền Trung ứng phó mưa lũ

13/11/2023 09:14

Kinhte&Xahoi Ảnh hưởng không khí lạnh, miền Bắc có nơi rét đậm, rét hại, nhiệt độ dưới 11 độ C. Còn miền Trung mưa lớn có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, cần khẩn trương triển khai biện pháp ứng phó.

Thành phố Hà Nội hôm nay (13-11), mưa rào và dông, trời rét, nhiệt độ thấp nhất 16-18 độ C.

Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng và trung du Bắc Bộ dự báo, ngày và đêm nay (13-11), thành phố Hà Nội mưa, mưa rào, có nơi mưa vừa, mưa to và dông; gió Đông Bắc mạnh cấp 3; thời tiết rét, nhiệt độ thấp nhất phổ biến 15-17 độ C. Sang ngày 14 và 15-11, Hà Nội nhiều mây, đêm không mưa, ngày giảm mây hửng nắng. Khoảng đêm 15 đến ngày 17-11, bộ phận không khí lạnh tăng cường trở lại. Do vậy, Hà Nội mưa rào và dông rải rác, riêng ngày 17-11 có mưa vài nơi, đêm và sáng trời rét.

Còn Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia dự báo, hôm nay (13-11), không khí lạnh tiếp tục ảnh hưởng đến các tỉnh thuộc phía Tây Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, sau đó là Trung Trung Bộ. Do vậy, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời rét, vùng núi Bắc Bộ có nơi rét đậm, rét hại. Trong đợt không khí lạnh này nhiệt độ thấp nhất ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phổ biến 15-18 độ C, riêng vùng núi Bắc Bộ phổ biến 12-15 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 11 độ C.

Đêm qua và sáng nay (13-11), nhiều tỉnh, thành phố miền Trung mưa to.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh nên hôm nay, các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa mưa rào và dông rải rác, có nơi mưa vừa, mưa to với lượng mưa 15-30mm, có nơi cao hơn 50mm. Từ hôm nay đến ngày mai (14-11), khu vực tỉnh Hà Tĩnh mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến 60-120mm, có nơi cao hơn 150mm. Các tỉnh từ Quảng Bình đến Phú Yên mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa 80-180mm, có nơi cao hơn 250mm.

Cơ quan trên cảnh báo, từ đêm mai (14-11) đến ngày 17-11, các tỉnh từ Quảng Bình đến Phú Yên mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-300mm, có nơi cao hơn 400mm. Ngày hôm nay, nhiều nơi thuộc vùng núi các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất…

Để chủ động ứng phó với mưa lũ, Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai - Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn yêu cầu, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Phú Yên theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo về mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.

Cùng nhiệm vụ trên, các tỉnh, thành phố triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng để chủ động di dời, sơ tán người dân khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất. Tổ chức lực lượng sẵn sàng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, cắm biển cảnh báo, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn…

 Kim Nhuệ - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sản xuất công nghiệp của Hà Nội: Tăng trưởng trong khó khăn

Suy giảm của thương mại toàn cầu, các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu chủ lực thiếu đơn hàng, sức tiêu thụ tại thị trường trong nước chậm, chi phí đầu vào tăng cao… khiến hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội từ đầu năm 2023 đến nay đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, thành phố đã, đang đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp vượt khó, lấy lại đà tăng trưởng.

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/mien-bac-co-noi-ret-dam-ret-hai-mien-trung-ung-pho-mua-lu-647786.html