Năm 2019: Không sợ trách nhiệm để nền kinh tế tăng tốc

28/11/2018 08:37

Kinhte&Xahoi Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng nội hàm chủ đề điều hành kinh tế-xã hội của năm 2019 của Chính phủ là “tăng tốc”, bảo đảm không vị trí lãnh đạo nào trong hệ thống hành chính còn chần chừ, sợ trách nhiệm thực thi công vụ.

Sáng ngày 27/11, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành và một số địa phương để xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 (Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ).

Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng, dự thảo Nghị quyết số 01 tiếp tục cô đọng, ngắn gọn hơn; ưu tiên nêu những nhiệm vụ, giải pháp có tính đột phá, có tác động lan toả, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, cần triển khai ngay năm 2019 và tạo tiền đề phát triển cho các năm tiếp theo.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp xây dựng dự thảo Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ. Ảnh: VGP/Thành Chung

Nghị quyết đặt ra 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu gồm: Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; thực hiện đồng bộ, quyết liệt các đột phá chiến lược và đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; phát huy nguồn lực tài nguyên, tăng cường bảo vệ môi trường; tăng cường thanh tra, kiểm tra, tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo; tăng cường quốc phòng, an ninh bảo đảm toàn vẹn chủ quyền và môi trường hoà bình; nâng cao hiệu quả đối ngoại và chủ động hội nhập quốc tế; tiếp tục thúc đẩy cải cách hành chính, tư pháp; đẩy mạnh thông tin, truyền thông...

Để thực hiện các nhiệm vụ này, Bộ KH&ĐT cho biết Nghị quyết không giao các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho từng bộ, ngành địa phương như năm 2018 mà sẽ trao quyền chủ động cho các bộ, ngành địa phương lựa chọn đưa vào chương trình hành động/văn bản điều hành của mình để thực hiện.

Từ góc độ của mỗi bộ, ngành, địa phương, lãnh đạo các cơ quan đã góp ý, đề xuất các giải pháp, nhiệm vụ trong dự thảo Nghị quyết số 01 của năm 2019. Theo đó, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đề nghị Chính phủ chỉ đạo xây dựng Chương trình hành động Nghị quyết số 36 của Trung ương về phát triển bền vững, xây dựng quy hoạch không gian biển để các bộ, địa phương thống nhất thực hiện.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị năm 2019, Chính phủ cần xem xét, đánh giá, đề xuất sửa đổi, bổ sung pháp luật về đất đai để loại bỏ bất cập của các hình thức đầu tư BT, BOT, góp phần tiếp cận dễ dàng và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai. Đồng thời có giải pháp rõ ràng cho thúc đẩy đầu tư công, nhất là các giải pháp đề cao vai trò, tính chủ động của người đứng đầu bộ, ngành, UBND địa phương trong giải ngân vốn đầu tư công.

“Nguồn lực không cần nhiều nhưng có bao nhiêu phải sử dụng hiệu quả, tránh việc bàn nhiều rồi không làm gì được. Đấy là đột phá. Đã sang tới tháng 12 rồi mà vẫn còn địa phương xin ý kiến để giải ngân là không được”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Đồng tình với Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn cho rằng có tình trạng cán bộ “vẫn chưa tin tưởng khi ra quyết định” và đề nghị Nghị quyết số 01 cần đề cập sâu tới nhân tố con người trong thực thi nhiệm vụ.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy đề nghị nhiều nhiệm vụ, giải pháp đã từng được Nghị quyết của Chính phủ đặt ra từ trước nhưng chưa thực hiện hiệu quả thì vẫn cần được nhắc lại trong Nghị quyết 01 để các bộ, địa phương quan tâm thực hiện tiếp như đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng chuẩn dữ liệu mở, bảo vệ dữ liệu cá nhân... Ông Duy cũng cho biết Bộ KH&CN đang chủ động triển khai hoàn thiện Đề án kinh tế số, kinh tế chia sẻ và định hướng kịch bản phát triển loại hình này trong những năm tới; thực hiện cơ cấu lại các công trình khoa học công nghệ để khớp với cơ cấu lại các ngành khác; xây dựng Đề án biến tri thức trí tuệ thành tài sản và hình thành mạng lưới tài sản trí tuệ, đồng thời hình thành hệ thống doanh nghiệp công nghệ trên nền tảng tài sản trí tuệ.

Đại diện cho khối báo chí, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ đề nghị Chính phủ cần nhấn mạnh việc thực hiện hiệu quả tinh giản bộ máy và sắp xếp, đổi mới hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập theo các nghị quyết của Trung ương. 

Bên cạnh đó, Chính phủ cần thực hiện hiệu quả Quy hoạch báo chí, xây dựng các toà báo hoạt động đúng tôn chỉ mục đích, không chỉ giúp phát triển ngành mà còn tác động lớn tới sự phát triển của xã hội.

Ảnh: VGP/Thành Chung

Về bố cục, nội dung của dự thảo Nghị quyết số 01, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ KH&ĐT kế thừa cách làm của năm 2018, bảo đảm tính khoa học, với các phụ lục về các nhiệm vụ, giải pháp rõ ràng. Tuy nhiên, dự thảo không nêu hết các nhiệm vụ cho các bộ, ngành địa phương mà đặt ra những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, bám sát các nghị quyết, kết luận của Trung ương Đảng trong những năm gần đây (Kết luận 37), các Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế-xã hội (Nghị quyết 69), kế hoạch tài chính ngân sách Nhà nước (Nghị quyết 70), phân bổ ngân sách Trung ương (Nghị quyết 73)...Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ đồng tình với nhiều ý kiến phát biểu của lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương. Phó Thủ tướng cho rằng nội hàm chủ đề điều hành kinh tế-xã hội của năm 2019 của Chính phủ là “tăng tốc”, bảo đảm không vị trí lãnh đạo nào trong hệ thống hành chính còn chần trừ, sợ trách nhiệm thực thi công vụ. “Tăng tốc trong điều hành, thực thi nhiệm vụ và kết quả thực hiện ở cả các cấp Trung ương và địa phương”, Phó Thủ tướng nhận định.

Bộ KH&ĐT chọn lọc các nhiệm vụ, đề án lớn để làm trong năm 2019 và các đề án nhiệm vụ khác chưa xong gắn với Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5, 6, 7 gần đây để đưa vào dự thảo Nghị quyết số 01.

Về các chỉ tiêu kinh tế-xã hội của năm 2019, Phó Thủ tướng nêu tinh thần của Chính phủ là phấn đấu các chỉ tiêu của dự thảo Nghị quyết số 01 đặt ra ở “cận cao” so với các chỉ tiêu trong Nghị quyết của Quốc hội giao cho Chính phủ.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2019, Chính phủ muốn tập trung thực hiện 2 việc là xác định nhiệm vụ trọng tâm và tổ chức thực hiện. Cụ thể, trọng tâm là duy trì đà tăng trưởng kinh tế và củng cố nền tảng vĩ mô và quy định cụ thể trách nhiệm bộ ngành, địa phương, người đứng đầu trong thực thi nhiệm vụ, bao gồm cả xử lý cán bộ nếu không hoàn thành nhiệm vụ, thời gian thực hiện và bố trí không đúng cán bộ triển khai nhiệm vụ. “Người đứng đầu phải thay những cá nhân không làm được việc”, Phó Thủ tướng nói.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đề nghị bổ sung một số nhiệm vụ quan trọng để thực thi trong năm 2019 về chỉ đạo sắp xếp cấp xã, phường không chỉ bảo đảm chỉ tiêu về dân số, đất đai mà bảo đảm yếu tố lịch sử, địa lý và văn hoá; Bộ Nội vụ hoàn thành Đề án xác định vị trí việc làm và có kế hoạch thực hiện Nghị quyết cải cách tiền lương của Trung ương từ năm 2021; Bộ GTVT triển khai 2 dự án cấp bách là cao tốc Bắc-Nam phía đông và sân bay Long Thành, hoàn tất việc gỡ bỏ các vướng mắc của BOT, hoàn thành xây dựng cầu Vàm Cống, chuẩn bị các dự án cho giai đoạn 2021-2015...

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ KH&ĐT tiếp tục lấy ý kiến đóng góp xây dựng dự thảo Nghị quyết 01; giao Bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực tiếp chỉ đạo việc góp ý xây dựng dự thảo và Kế hoạch hành động trong thực thi.

 

Theo Chinhphu.vn/Phapluatplus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sở hữu 'đất vàng' vẫn nợ thuế hàng trăm tỷ đồng

Được UBND TP. HCM phê duyệt phương án giá đất dự án với mức tiền sử dụng đất phải nộp chỉ khoảng 33,3 tỷ đồng, nhưng sau khi kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã yêu cầu doanh nghiệp phải nộp bổ sung số tiền gấp 10 lần mức này.

Viglacera Hà Nội và 'nỗi ám ảnh' nợ nần

Từng bị Cục Thuế Hà Nội nêu tên nợ thuế 70 tỷ đồng, Công ty CP Viglacera Hà Nội (MCK: VIH) đang ngập trong nợ nần. Tình trạng này làm cho cấu trúc tài chính của Viglacera Hà Nội mất cân đối và gặp nhiều rủi ro.